Hiền Lương – (VNTB) – Ở Việt Nam người dân chỉ được quyền bày tỏ về sự tín nhiệm chính phủ; nếu ai đó muốn nêu lên những bất tín nhiệm, người đó dễ đối mặt với án hình sự về tội lợi dụng quyền tự do ngôn luận.
Mới đây, Đài Nikkei dẫn lời chuyên gia về cúm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Nikki Shindo lưu ý ngoài Trung Quốc, Nhật Bản là quốc gia duy nhất có các trường hợp lây nhiễm virus Covid-19 không thể truy ra đường lây truyền, bao gồm một số trường hợp mới được xác nhận từ Hokkaido đến Okinawa kể từ hôm 13-2.
Thủ tướng Shinzo Abe đã hứng chịu hàng loạt vụ bê bối trong nước, đồng thời đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc ngăn chặn sự bùng phát dịch Covid-19. Một cuộc thăm dò của Kyodo News cuối tuần qua cho thấy sự ủng hộ dành cho nội các Nhật Bản ở mức 41%, giảm 8,3 điểm so với tháng trước, còn xếp hạng “không tán thành” tăng 9,4 điểm lên 46,1%.
Tình hình Việt Nam có khác, tuy nhiều ý kiến phản đối về việc chính phủ quá chậm chạp và thiếu kiên quyết trong tạm đóng cửa biên giới đường bộ với Trung Quốc để phòng dịch bệnh lây lan, song lại không có một tổ chức xã hội dân sự nào đủ can đảm làm một cuộc thăm dò tương tự như của Kyodo News.
Chuyện người dân Việt Nam không thể mua được khẩu trang y tế, song chính phủ lại mang khẩu trang y tế xuất sang Trung Quốc nhiều lần, đến mấy chục tấn, cũng đang gây nhiều ta thán. Song cũng chẳng ai rõ con số về sự ủng hộ của dân chúng Việt Nam là bao nhiêu, trước hành động gọi là ‘cứu trợ nhân đạo’ này của chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc. Đây chính là khác biệt trong vai trò thủ tướng giữa ông Phúc với ngài Shinzo Abe.
Liên quan chuyện bảo vệ người dân đang ở các nơi liên quan dịch virus corona, trong ghi nhận ý kiến về quyền được bảo vệ của công dân, cũng có sự khác biệt giữa quyền này ở người dân Mỹ, ở Canada với người dân Việt Nam.
Trong vụ tàu du lịch Diamond Princess bị cách ly ngoài khơi Yokohama hôm 16-2, kế hoạch đưa hàng trăm công dân Mỹ trên tàu này trở về nước của Washington vấp phải nhiều thắc mắc, đặc biệt là 2 câu hỏi: “Tại sao chính phủ Mỹ lại mất một thời gian quá lâu để đưa ra quyết định như vậy?”, và “Điều gì thúc đẩy Mỹ thay đổi chính sách như thế?”.
Hành khách người Mỹ Matthew Smith viết trên mạng xã hội Twitter: “Từ bi kịch đến hài kịch đến trò hề. Chính phủ Mỹ thay vì muốn đưa chúng tôi đi mà không cần kiểm tra, đưa chúng tôi trở lại Mỹ cùng với một nhóm người chưa được kiểm tra khác, rồi sau đó bắt chúng tôi ở chung trong 2 tuần cách ly nữa? Điều đó có ý nghĩa gì?”.
Hôm 16-2, chính phủ Canada công bố kế hoạch sơ tán công dân của riêng mình. Chính quyền Hồng Kông cũng tuyên bố sắp xếp một chuyến bay để đưa cư dân của họ rời khỏi tàu Diamond Princess ngay khi họ được phép.
Trong lúc đó thì đến nay tin tức nhà báo Danh Đức của tờ Tuổi Trẻ là một trong hàng ngàn hành khách trên du thuyền châu Âu Costa Smeralda không được phép xuống bờ vì có một hành khách nữ người Macau (Trung Quốc) nghi nhiễm virus corona, chưa rõ đã được chính phủ Việt Nam hỗ trợ đưa về Việt Nam ra sao?
Tương tự, có những đồn đoán về người Việt Nam đang ở Trung Quốc vẫn chưa biết sẽ được chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách bảo trợ công dân ra sao trong việc giúp họ hồi hương an toàn. (Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết hiện có 2.152 công dân Việt Nam đang ở Trung Quốc cần được hồi hương).
Mặc dù Việt Nam có Luật Trưng cầu ý dân, hiệu lực kể từ ngày 1-7-2016, song mãi đến nay vẫn không có bất kỳ một tổ chức xã hội dân sự nào, kể cả của các hội, đoàn nhà nước thực hiện các khảo sát ý kiến của người dân về chuyện họ tín nhiệm chính phủ hiện tại ra sao? Lưu ý, nếu có cuộc khảo sát ý kiến này thì đó cũng là thực hiện theo di huấn của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam.
“Dân là chủ thì Chính phủ là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, trang 74-75).
Để có thể “đuổi Chính phủ” như lời của ông Hồ Chí Minh, chí ít phải có những cuộc khảo sát về việc người dân đã tín nhiệm, bất tín nhiệm ra sao đối với chính phủ. Thế nhưng ‘quyền’ trong nhóm từ “nhân quyền” này của người dân Việt Nam vẫn chưa có, mặc dù như mới đây, EVFTA đã được EU ký phê chuẩn.