Kết quả tăng trưởng GDP năm 2019 được nhà cầm quyền CSVN công bố lên tới 7,02% và câu ví von đầy văn hoa của Ngân Hàng Thế Giới “mây đen che phủ toàn cầu nhưng mặt trời đang chiếu sáng ở Việt Nam” khiến cho ông tổng tịch Nguyễn Phú Trọng ngây ngất nhắc lại lời khen này với đầy vẻ mãn nguyện. Điệp khúc “không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế” được ông tổng tịch nhắc lại cứ như thể Việt Nam đã trở thành nước công nghiệp phát triển sánh vai với “cường quốc năm châu” từ lâu.
Trong những bài phát biểu đầu năm 2020, ông Tổng tịch còn khẳng định rằng “chưa bao giờ trong lịch sử nước nhà đạt được thành tích to lớn như thế” với GDP/đầu người ở mức 2786 USD/người/năm (chỉ cao hơn Cambodia và Laos trong khu vực) và năm 2019 là một “mùa gặt sớm” với thắng lợi toàn diện, đạt mọi chỉ tiêu đề ra.
Năm 2020 là mốc dấu mà theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI quyết tâm “tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Tuy vậy, không rõ là Việt Nam đang ở đâu trên cái lộ trình này? Và không rõ cái “vòng nguyệt quế” đó là gì? Nếu chỉ là con số 7,02% tăng trưởng GDP thì cần phải làm rõ từ đâu mà có con số “tăng trưởng cao nhất thế giới” này.
Cơ cấu nền kinh tế “mượn đầu heo nấu cháo”
GDP (Gross Domestic Product) là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ nhất định (thường là quốc gia) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). Trong kinh tế đây là một trong những chỉ số cơ bản đánh mức độ phát triển kinh tế của một vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, nó không phản ánh được toàn diện bức tranh kinh tế xã hội.
Vì là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa dịch vụ cuối cùng được tính trên phạm vi lãnh thổ quốc gia hoặc địa phương mà không phân định được sản phẩm dịch vụ đó do đâu mà có. Ở thời đại kinh tế toàn cầu hóa, các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Microsoft có thể đặt các nhà máy ở các nước đang phát triển nơi có nguồn nhân công giá rẻ như ở Việt Nam để giảm chi phí chế tạo. Chỉ tính riêng doanh thu của một công ty Samsung Việt Nam đã lên tới 65,73 tỷ Mỹ Kim đã chiếm tới hơn 27,6% GDP của Việt Nam năm 2018. Năm 2019, doanh số và lợi nhuận của Samsung Việt Nam tuy sụt giảm nhưng cũng chiếm khoảng 24% GDP quốc gia.
Khối doanh nghiệp ngoại FDI luôn chiếm tới hơn 70% GDP của Việt Nam và cơ cấu này khó lòng thay đổi trong nhiều thập niên tới. Thậm chí, trong báo cáo của bộ 4T đưa con số qui mô và mức độ phát triển của mảng ICT [Information and communications technology] vượt hơn 100 tỷ Mỹ kim và Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện, khả năng xây dựng kinh tế 4.0. Quả đúng là trò “mượn đầu heo nấu cháo”.
Tăng trưởng nhờ bơm tiền và “mượn” C/O “né” thuế
Năm 2019 là năm ghi nhận mức tăng đột biến về xuất khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mức 500 tỷ USD và mức xuất siêu là 9,7 tỷ USD. Tuy vậy, đây cũng là năm mà có số lượng hàng Việt Nam bị kiện chống lẩn tránh thuế nhiều nhất trong các năm. Cụ thể là trong năm 2019, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam bị 20 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế. Hàng hóa lấy xuất xứ C/O từ Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do FTA hoặc các qui đinh ưu đãi thuế quan GSP đặc biệt tăng mạnh từ khoảng 3 năm gần đây.
Trong số các vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế gian lận xuất xứ, thép và các sản phẩm thép chống ăn mòn, thép cán nguội bị kiện nhiều nhất, chiếm tới hơn 30% số vụ kiện. Hoa Kỳ đã điều tra tổng cộng 5 vụ việc liên quan và qui định thuế suất mới tăng hơn 450% so với mức thuế cũ đã khiến cho cánh cửa thị trường xuất khẩu béo bở nhất đã đóng lại. Hàng hóa Việt Nam “hồn Trương Ba da hàng thịt” vốn là một vấn nạn kéo dài nhiều thập kỷ qua. Nó chỉ bị “tuýt còi” khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung do Donald Trump khởi xướng. Việt Nam tuy không phải là một đối tác thương mại lớn song lại bị ông chủ nhà trắng chỉ mặt là “kẻ lợi dụng tồi tệ nhất” khi thâm hụt thương mại với Việt Nam hơn 30 tỷ Mỹ Kim.
Trong năm 2019, ghi nhận tăng trưởng cao ở khối dịch vụ nhưng thực chất tăng trưởng chủ yếu tập trung ở các ngân hàng thương mại. Mức lợi nhuận ngất ngưởng của các ngân hàng thương mại cho thấy rằng các doanh nghiệp đang phải chịu gánh nặng trả nợ rất lớn. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại không phải là khối kinh tế tạo ra giá trị thặng dư cho nền kinh tế phát triển. Tăng trưởng tín dụng 14% năm 2019, gấp đôi với tăng trưởng GDP thậm chí còn được coi là năm tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 5 năm qua. Qui mô tín dụng cũng luôn lớn hơn GDP nền kinh tế.
Cụ thể là tỷ lệ tín dụng trên GDP năm 2010 là 125% với quy mô GDP là 116 tỷ USD, năm 2011 là 124% với quy mô GDP là 135,5 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2017 và 2018 quy mô tín dụng đã lên đến 130% – 134% GDP, tương ứng với quy mô GDP ở mức 223,9 tỷ USD và 240 tỷ USD. Tín dụng tăng cao cả ở tốc độ và qui mô trong suốt hai thập kỷ và không có dấu hiệu giảm. Trong khi đó tỷ số ICOR của nền kinh tế đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng vốn luôn ở mức cao. Tăng trưởng kinh tế, chủ yếu phụ thuộc vào bơm tiền nhưng hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp cho thấy một nền kinh tế èo uột, không có tính bền vững.
Năng suất lao động của Việt Nam vẫn luôn ở cuối bảng xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á. Dù được cho là có sự cải thiện năng suất lao động, song mức tăng rất chậm. Bình quân giai đoạn 2016-2018, năng suất lao động tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm.
Nếu năm 2011, năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp năng suất lao động của Việt Nam 17,6 lần; 6,3 lần; 2,9 lần và 2,4 lần thì đến năm 2018 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 13,7 lần; 5,3 lần; 2,7 lần và 2,2 lần.
Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của Philippines. Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đánh giá năng suất lao động của Việt Nam vẫn thua xa nhiều nước ASEAN. Tính theo giá so sánh năm 2010, năm 2018 năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/30 lần Singapore, 29% năng suất lao động của Thái Lan, 13% năng suất lao động của Malaysia, 44% năng suất lao động của Philippines.
Như vậy, có thể thấy rằng suốt 33 năm kể từ Đổi mới, thực hiện chính sách mở cửa kinh tế theo “định hướng XHCN”, kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn phụ thuộc vào khai khoáng, tài nguyên thô, gia công đơn giản cho nước ngoài. Tăng trưởng kinh tế không bền vững ở cả cơ cấu và chất lượng phát triển. Chủ yếu những tăng trưởng gần đây của nền kinh tế Việt Nam nhờ vào bơm tiền, tăng qui mô đầu tư tức là tăng trưởng chiều rộng mà không đạt được sự cải thiện về chiều sâu nhờ cải tiến ứng dụng khoa học công nghệ, thể chế chính sách và môi trường kinh doanh.
Dư địa cho kiểu phát triển như thế không còn tồn tại nhiều. Sự dịch chuyển nguồn lao động giá rẻ từ khu vực nông thôn sẽ tiếp tục kéo dài do nhu cầu phát triển công nghiệp và dịch vụ ở khu vực thành thị song những vấn nạn về môi trường, y tế, dịch vụ công ích và cách thức quản lý phát triển các đô thị ở Việt Nam sẽ tạo ra những rủi ro và gánh nặng khác cho nền kinh tế. Thậm chí cái giá phải trả cho những chính sách thiển cận công nghiệp hóa để phát triển kinh tế bằng mọi giá sẽ lớn hơn rất nhiều con số tăng trưởng GDP. Xét cho cùng, con số 7,02% tăng trưởng GDP mà lãnh đạo CSVN khoe khoang tự mãn cũng giống như câu chuyện “lợn cưới áo mới” lố bịch mà thôi./.