Trong cuộc họp báo chiều 26/1 (mùng 2 Tết), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc làm việc thứ ba trong vòng 4 ngày qua với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch viêm hô hấp cấp do virus Corona mới (nCoV).
Bà Satoko, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết hiện các bằng chứng cho thấy việc lây nhiễm nCoV chỉ diễn ra ở các chùm ca bệnh là những người trong gia đình và những người tiếp xúc rất gần. Tất cả các trường hợp ca bệnh xâm nhập đến các quốc gia hiện nay đều có tiền sử đi từ TP. Vũ Hán hoặc đã từng đến đây. Tỷ lệ tử vong khi nhiễm nCoV tại Trung Quốc khoảng 3-4%, số ca bệnh nặng 20-25%. Với cách trình bày này bà Satoko chắc chắn đồng tình với WHO chưa nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho Coronavirus tại Trung Quốc cũng như các nước khác.
Trước đó ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc của WHO đã có những tuyên bố rõ ràng về quan điểm của WHO: chưa cần thiết tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Theo ông Tedros mặc dù đây là trường hợp khẩn cấp ở Trung Quốc nhưng nó vẫn chưa trở thành một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Do số lượng các trường hợp hạn chế đã lan ra bên ngoài Trung Quốc cho đến nay và Trung Quốc nỗ lực kiểm soát ổ dịch, WHO xác định vẫn còn quá sớm để sử dụng chỉ định. Vào thời điểm này, không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc.
Có phải WHO chần chừ không đưa ra quyết định tuyên bồ tình trạng khẩn cấp là do chưa đủ yếu tố nguy hiểm đối với con virus chết người Corona hay còn một nguyên nhân gì khác ngoài những yếu tố y tế như ông Tedros đưa ra?
Khác với những gì mà thế giới trông đợi, ý kiến của TS Kelley Lee trong vai trò cố vấn cho WHO làm người ta băn khoăn không hiểu WHO đang hướng dẫn thế giới tránh dịch bệnh hay nó đang lãnh trọng trách bảo vệ nền kinh tế cho các quốc gia nhiễm bệnh, ở đây là Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn của Michel Martin, người đang làm việc cho đài phát thanh NPR của Mỹ, TS Kelley Lee cho rằng “khi một trường hợp khẩn cấp được tuyên bố, người ta có thể tưởng tượng rằng hệ thống kinh tế của đất nước đó sẽ vùi dập vì mọi người không muốn đi du lịch đến đất nước này. Giao dịch chậm lại. Cộng đồng doanh nghiệp trở nên rất, rất lo lắng, như chúng ta đã thấy. Có rất nhiều gợn sóng kinh tế xảy ra. Vì vậy, tôi nghĩ rằng WHO đang cố gắng cân bằng mức độ nghiêm trọng của vụ dịch, nơi nó đang xảy ra, mô hình lây nhiễm, tất cả những điều này cũng chống lại những tác động lớn hơn đối với đất nước, đối với nền kinh tế thế giới.”
Ý tưởng của TS Kelley Lee có vẻ trùng hợp với ý tưởng của các nhà làm chính sách Trung Quốc, luôn muốn đem vấn đề “đại cục” ra để biện hộ những bất cập mà chính phủ chưa thể đối phó. Trung Quốc không hề che giấu ý định ngăn cản mọi thông tin bất lợi cho nền kinh tế mà nó khao khát muốn đạt tới bất kể sinh mạng của người dân. Tư tưởng Mao Trạch Đông cùng hệ lụy của các cuộc cách mạng mà ông ta phát động tuy làm cho nhân dân Trung Quốc chìm đắm trong bần cùng, chết chóc nhưng xem ra những lãnh đạo sau Mao Trạch Đông không hề lấy đó làm bài học: sinh mạng nhân dân luôn đứng đầu trong mọi kế sách của chính quyền.
Trong lần dịch này, Trung Quốc nhận thức được vấn đề ở một chiều kích khác, nếu tiếp tục ngăn cản thông tin họ vẫn có thể làm được trong một thời gian nào đó nhưng về lâu về dài khi Coronavirus tiến tới tầm không thể kiểm soát nỗi thì đó là lúc mọi chính quyền sẽ bị cuốn trôi theo dòng thác xác chết của vài triệu người dân Trung Quốc. Sự tức giận không cần phải bàn tới mà hệ lụy lớn nhất là cả đất nước này sẽ trờ thành hoang phế, không ai dám ra đường, xác chết nhiều hơn người sống… hình ảnh ấy đã làm cho lãnh đạo cao cấp nhất của Bắc Kinh phải lạnh gáy, và đó là lý do tại sao họ không thể tiếp tục che đậy thông tin, kề cả thuyết phục cơ quan quyền lực y tế lớn nhất thế giới trì hoãn đưa ra tình trạng khẩn cấp.
Theo CNA, có lẽ nhận thức được sự nguy hiểm đang đè nặng trên vai WHO khiến cơ quan này đã đủ “can đảm” đề tuyên bố vào Chúa Nhật 26 tháng 1 rằng Coronavirus gây rủi ro “rất cao ở Trung Quốc, cao ở cấp khu vực và cao ở cấp toàn cầu”. Trong một chú thích, WHO cho biết đã nói “không đúng” trong các thông tin trước đó được công bố vào thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy, khi nói rằng rủi ro toàn cầu là “vừa phải”.
Qua đính chính đó, người ta có thể nhận ra không một định chế nào, ngay cả Liên Hiệp Quốc, có thể hoàn hảo, bởi vì người điều hành luôn luôn đối mặt với mọi loại áp lực công việc.
Những người chờ đợi quyết định của WHO có thể thất vọng, nhưng ngược lại, những ai không chờ đợi một ngón tay chỉ đường mà tự hành xử theo lương tâm cùng kiến thức, kỹ năng chuyên môn mình có được sẽ có câu trả lời thỏa đáng: Cứ làm hết sức mình trước khi chờ người khác góp lời chỉ bảo./.