Cho đến nay, ‘nhân quyền Việt Nam vẫn là dấu chấm nhỏ’, và sự hiện diện bên cạnh khối lợi ích kinh tế, địa chính trị là cực kỳ to lớn.
Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu (INTA) ‘bật đèn xanh’ hai hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam cũng vì thế trở thành chuyện thường tình.
Lợi ích thương mại EVFTA không chỉ dừng ở giá trị hàng tỷ đô-la thương mại hai chiều, mà về mặt kinh tế, giúp đảm bảo con số tăng trưởng 7% (hoặc cao hơn) để đáp ứng chỉ tiêu mà Quốc Hội và đảng cộng sản đề ra. Sâu xa hơn, EVFTA cũng giúp Việt Nam bớt lệ thuộc hơn vào dòng chảy thương mại hai chiều Việt – Trung, cũng như thu hút được các mặt hàng, đầu tư mang tính chất công nghệ của EU.
Đối với EU, EVFTA không dừng ở thương mại, đó là câu chuyện địa chính trị Việt Nam. Một số quốc gia EU như Pháp đang muốn hiện diện tại vùng Biển Đông trong bối cảnh trỗi dậy không hoà bình của Bắc Kinh. Bản thân khối EU cũng muốn mở rộng nhu cầu quốc phòng, tầm ảnh hưởng quốc phòng ra khu vực Á châu – Thái Bình Dương. Là một quốc gia có liên quan phần lớn vấn đề chủ quyền Biển Đông, và có thái độ tương đối cứng rắn với Bắc Kinh, Việt Nam trở một quốc gia đáng được đầu tư của EU. Đó là lý do vì sao, tại Đối thoại Quốc phòng-An ninh Việt Nam – EU lần I tại Brussels (Vương quốc Bỉ) vào tháng 11/2019, EU tái khẳng định quan điểm ủng hộ tự do, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không tại Biển Đông và cho biết EU đánh giá cao vị trí vai trò của Việt Nam trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhân quyền là trụ cột cốt lõi đối với EU, tuy nhiên phải là nhân quyền đủ lớn. EU từng thể hiện sự nhún nhường với nhân quyền Campuchia để đảm bảo giá trị thương mại của quốc gia này với khối. Nhân quyền chỉ dừng ở chỉ trích thay vì một biện pháp chế tài.
Cũng giống như Việt Nam, nhân quyền Campuchia chưa đủ lớn để EU do dự, và càng không có lý do để bày tỏ một quan điểm lớn hơn quan ngại. Thậm chí, một danh sách tù nhân chính trị được khuyến nghị trả tự do có trở thành hiện thực hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thiện chí hay không. Và có lẽ cho đến khi EVFTA được INTA bật đèn xanh, danh sách vẫn nằm trên giấy.
Nhìn sang Ấn Độ, quốc gia này cũng tận dụng khá tốt nhu cầu thương mại của EU để dập tắt các chỉ trích về nhân quyền. Theo đó, Ấn Độ ‘đang treo cà rốt về phía EU để dập tắt những chỉ trích về quyền con người đối với Đạo luật Công dân (Sửa đổi) [1].
Do vậy, để thay đổi vấn đề nhân quyền trong tương lai, các yếu tố áp lực bên ngoài chỉ là phần phụ, và sức nặng của bên ngoài hoàn toàn phụ thuộc nội lực đấu tranh nhân quyền bên trong. Khi nào cộng đồng đấu tranh nhân quyền còn manh mún, mạnh ai nấy làm, nghi ngờ nhau, hay tựu chung là thiếu đoàn kết thì khi đó đừng mơ về bất cứ hỗ trợ nào bên ngoài, ngoại trừ áp lực dựa trên thiện chí để đòi hỏi thả một vài tù nhân chính trị.
Facebooker Nghia HP Nguyen bày tỏ trong một bình luận: muốn có tự do, dân chủ, nhân quyền đích thực thì chỉ có thể đứng lên dành lấy bằng nội lực. Tác động ảnh hưởng từ khách quan bên ngoài chỉ đơn thuần là yếu tố kích hoạt thêm những ràng buộc mà bên kia sẽ chịu thiệt thòi hơn. Và thỏa thuận thành EVFTA càng minh chứng quan điểm này.
Cạnh đó, còn tồn tại một yếu tố tích cực của EVFTA, đó là gia tăng lượng người trung lưu trong xã hội, chiếm hơn 1/2 dân số trong năm 2035. Nhóm người này sẽ đầy đủ về vật chất (lượng) và sẽ đòi hỏi nhu cầu cao hơn (nhân quyền). [2]
Một quy luật triết học Marxit, ‘Khi lượng thay đổi tất yếu sẽ làm thay đổi chất của sự vật, hiện tượng và ngược lại, khi chất thay đổi sẽ tạo nên những biến đổi mới về lượng của sự vật, hiện tượng.’
Điều đó dự đoán rằng, sau năm 2035 thì nhân quyền Việt Nam mới bắt đầu có những dấu ấn trưởng thành nhất định về cả tổ chức và phương pháp đấu tranh có hiệu quả, thoát khỏi quỹ đạo ‘bắt-thả-tráo thương mại’ hiện tại.
Chú dẫn
[1] https://www.tribuneindia.com/…/more-trade-to-mute-eu-on-kas…
[2] https://baodautu.vn/nam-2035-mot-nua-dan-so-viet-nam-thuoc-…