Phạm Minh-Tâm
Trong những ngày khởi đầu một năm mới và cũng muốn cộng với đất trời thêm một mùa xuân héo úa của bản-thân trong đoạn đời luân-lạc, người viết phải muợn tên cuốn sách của tác-giả Lê Văn Phúc, ấn-bản lần thứ năm bên Texas – Hoa-kỳ vào năm 1989 để làm tựa đề bài viết này.
Viết thay cho lời kinh nguyện sám-hối vào giờ khắc Nguyên-đán 2020.
Đây là lời thú tội, là tâm-sự ăn-năn của một người dân bình-thường mà sau khi đã trải-nghiệm đủ nhọc-nhằn, cay đắng trong thân-phận lưu-vong…tác-giả Lê Văn Phúc mới nhận ra mình cũng có phần lỗi là …tôi làm tôi mất nước.
Cái tội tầy đình này hình như mới chỉ có tác-giả Lê Văn Phúc thẳng-thắn xưng thú. Tôi giật mình về lời thú tội của ông vì những điều ông xưng ra thì tôi cũng có dư và hình như phần lớn các quan chức, nhân-viên của Việt-Nam Cộng-hoà từ cấp cao xuống ngạch thấp đều có đủ. Cũng không loại trừ các thành-phần lãnh-đạo các tôn-giáo. Thế thì đúng là từng người dân Miền Nam đều có tội với Đất Nước. Và những đổi thay nghiệt-ngã dẫn đến ngày hôm nay đáng lẽ phải được ghi đậm trong từng trang sử đời người. Cho dù chỉ là những mảnh vụn của đời mình đã vỡ theo cái đổ vỡ trong một giai-đoạn lịch-sử của Quê-hương, trong đó có đủ khía cạnh xã-hội, văn hoá, chính trị…
Trên đống mảnh vụn này, tôi muốn mượn lời sám-hối của tác-giả Lê Văn Phúc để tính sổ đời mình với những ân và oán, mất và còn lẫn lộn để đôi vai không bị oằn xuống theo sức nặng của thời-gian vẫn đằng-đẵng kéo lê suốt 45 năm qua; bốn mươi năm mùa xuân sắc mầu phai nhạt kể từ cái ngày 30-4-1975.
Tác-giả Lê Văn Phúc mở đầu lời xưng thú rằng… Càng đọc báo bổ, tài liệu, càng nghe bàn luận về Việt-Nam, tôi càng hoang mang lạc lõng, khó hiểu. Một trong những điều khó hiểu ấy là nguyên do đâu mất nước? Trách nhiệm ấy của ai? Của tổng thống hay của tư lệnh vùng? Của đại tướng hay đại úy? Của tỉnh trưởng hay quận trưởng? Hoặc cao xa hơn nữa, trách nhiệm ấy của Nga, của Mỹ hay Tầu?
Qua 10 năm lưu lạc giang hồ, làm dăm bẩy thứ nghề lao động chẳng giống ai, tôi càng cám cảnh trớ trêu thiên địa phong trần, không hồng nhan cũng đa truân như kiểu người yêu của chàng Kim Trọng. Trong cảnh buồn não nuột như thế, tôi đâm ra trầm tư mặc tưởng, suy niệm, ôn cố tri tân, tìm hiểu về số phận đất nước.
Cổ nhân nói: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, làm tôi áy náy nghi ngờ. Quốc gia thịnh hay suy mà lại là trách nhiệm của người dân bình thường hay sao?…
Vậy chính tôi có trách nhiệm mà không thi hành hoặc thi hành chểnh mảng. Cả hai đều có lỗi. Chả cứ tôi mà còn nhiều người khác cũng vậy. Thế nhưng các vị nắm vận mệnh quốc gia, trách nhiệm chỉ huy đơn vị lớn đều cứ chối bai bải về trách nhiệm làm tan tành đất nước.
Theo bản sơ kết tình hình chiến sự, cho đến nay chưa có ai viết sách, viết bài tự nhận mình có lỗi lầm, tự nhận mình có trách nhiệm làm mất nước cả. Chỉ thấy họ trình bầy cái lỗi của người khác… Nhờ dành thời giờ suy tưởng đến dăm ba phút, tôi vỡ lẽ ra rằng chẳng phải nói ai, chính tôi làm tôi mất nước.
Nhòm vào quá khứ, tôi thấy tôi như hình với bóng đồng lõa, làm đủ mọi thứ chuyện tồi bại có hại cho bổn thân, cho gia đình, cho họ hàng anh em hàng xóm, cho đồng bào khiến nên bao nhiêu thứ suy đồi xấu xa tích lũy lại, dần dần đưa tới hậu quả ngày nay.
Hậu quả ấy đến coi như chậm bởi còn rất nhiều người có trách nhiệm, nhận trách nhiệm và gánh vác nó. Họ là các chiến sĩ anh hùng sả thân ngoài chiến tuyến, là những thương phế binh, cô nhi quả phụ can trường nhẫn nhục hy sinh, là những công bộc chuyên cần và thanh liêm, là những cán bộ nông thôn sống với dân và sát với địch, là những người dân lành chăm chỉ thực thà một nắng hai sương… Không có họ, đất nước mất tự khuya rồi!
Tôi đâm ra ăn năn hối hận, dẫu chả ai dí súng bắt viết, không có CIA dúi tiền bảo làm, không ai dụ khị vạch áo cho người xem lưng, tôi cũng xin làm bản kiểm kê tự thú về những cái tồi tệ hư đốn bại hoại của mình. Để tâm hồn may ra được đôi chút bình an, để tạ lỗi với gia đình, với bạn bè đã nằm yên trong Nghĩa Trang Quân Đội hoặc vất vưởng chốn lao tù cải tạo, với những người sắp ra đi, với những người còn ở lại đọa đày….(hết trích)
Tôi bắt đầu xét mình và tìm thêm những điều từ cuộc sống trước mắt.
Ba mươi năm đầu đời, tôi là mầm non nẩy lộc và sinh hoa kết trái giữa vườn ruộng Quê-hương với bao bàn tay vun tưới. Rồi chưa kịp dâng đời được bao nhiêu sức sống thì mùa đại-hạn tiếp đến bằng cơn bão cát xã-hội chủ-nghĩa và giai-cấp đấu-tranh và bị cuốn đi theo vận-mệnh chung của Đất Nước. Rồi cứ thế mà bị đẩy-đưa theo những năm tháng thật bàng-hoàng xa-lạ và lạc-lõng của một kẻ bị đánh cắp hết tuổi đời ngay khi vẫn còn phải sống giữa cuộc đời. Vẫn từng ngày nhìn mặt người trong băn-khoăn là mình hay người đã biến-dạng.
Và trong thân-phận lưu-vong, tôi như một cái cây bị bứng lìa cả gốc rễ khỏi miền đất đã từ đó nẩy mầm để trồng sang đất lạ; phải tận dụng hết bản-năng sinh-tồn để vươn lên. Và những dư-vị của quá-khứ chính là những giọt sương mát cho cây giữ được mầu xanh.
Nhiều anh em tôi, đồng-bào tôi làm như không hề nghĩ đến hay không hề biết sợ một điều sinh-tử là cả khối gần trăm triệu dân vẫn cho mình là con Hồng cháu Lạc bị người Tầu phía Bắc khuynh-loát, dẫn đầu. Họ không thèm đồng-hoá như ngày xưa bắt dân ta gióc tóc đuôi sam, nói tiếng Tầu để họ mang tiếng với thế-giới hay ít nhất cũng còn vướng phải nhiều nan-giải như họ đang bị sa-lầy ở Hồng-kông từ sau năm 1987 mà giờ này Trung-cộng đang có câu trả lời. Còn Việt-Nam…đa-số đồng-bào tôi đã nhiễm nặng căn bệnh vô-cảm nên chỉ biếng lười ngồi ngóng cổ chờ ông Mỹ ông Úc…hay bất cứ ông lãnh-tụ ngoại-quốc nào chịu ra tay với cộng-sản Việt-Nam để mình hưởng nhờ. Bài học lịch-sử bao phen rồi vẫn chưa ai học thuộc là cũng vì mẫu-quốc này, đồng-minh nọ mà Việt-Nam thành một thị-trường cho các siêu-cường thi đua thử-nghiệm và rao bán vũ-khí. Như một tấm vải để người ta nhuộm đủ mầu cờ sắc áo.
Ở hải-ngoại còn tệ hơn, lớp trẻ thì phần lớn đã hội-nhập với xã-hội đang sống, rồi vì người lớn trong gia-đình chẳng thiết gì đến việc giúp con cháu biết về Quê-hương Việt-Nam mà buông xuôi truyền-thống để chỉ lo hưởng-thụ đời sống vật-chất dư-dả xứ người…Còn lại, một số không nhiều những người trong lớp tuổi xế chiều, vẫn muốn để cho ra vẻ còn “có đầu óc” nên thay vì nỗ-lực khuyến-khích con em mình đừng quên Đất Mẹ, thì lại đi chia nhóm phân phe, ồn-ào chửi đổng lẫn nhau trong không-khí “chợ chiều” của những người “bên thua cuộc”. Đó là tàn-dư từ một tổng-hợp trong quá-khứ đã từng nặng đầu óc phe đảng cố-chấp, với nhiều tham-vọng bất-cập của cá-nhân và tập-thể, những tà-niệm đầy sân-si của các nhà lãnh-đạo tôn-giáo…mà tô giặm thêm vào trang sử nội-chiến. Trang sử này còn chưa ráo mực và vẫn tanh nồng máu tươi.
Đó là dù Hội-nghị này hay hiệp-định nọ, càng lắm họp bàn thì càng nhiều cơ-hội đem Việt-Nam ra đấu giá, cho đến khi non sông tôi rách nát, dân-tộc tôi tàn-tạ tả-tơi thì họ xúm nhau chia lợi bằng trò tìm giải-pháp cho Việt-Nam. Đồng-bào tôi, cả dân-tộc tôi đã bao phen phải nhận những kết-quả do ngoại-nhân sắp đặt cho mình. Với những cơ-sự như thế thì các bậc trí-thức, khoa-bảng, vẫn cứ điềm-nhiên toạ-thị. Không ai lên tiếng than một câu hay chửi một tiếng. Chỉ khi nào đụng chạm đến việc tranh quyền cướp vị của bản-thân hay phe nhóm của họ thì phải biết. Tha hồ mà đấu-đá nhau, triệt-hạ nhau. Bao nhiêu cái đầu uyên-bác đó sẽ không cón thiếu một lý-lẽ nào mà không viện-dẫn “đấu tranh” để ồn-ào. Thậm chí ngôn-ngữ dân gian có bao nhiêu chữ nghĩa dung-tục cũng được tận-dụng không thiếu mảy-may. Như vậy là con Rồng cháu Tiên hay liu-điu, nòng-nọc đây?
Sau ngày 30-4-1975, tôi đã trải qua bao năm tháng dằn-vặt với tâm-trạng là một kẻ lạc-lõng ngay trên chính Quê-hương mình. Một kẻ bị lưu-đầy ngay giữa lòng Đất Mẹ với cảm-nghiệm vừa xa-lạ vừa hụt-hẫng bởi những giá-trị đã như bị lật ngược. Trật-tự và đạo-đức con người thành đảo-điên. Nếp sinh-hoạt nền-tảng từ trong nhà đến ngoài xã-hội bị xáo-trộn. Cứ như thời-gian bị quay ngược vòng kim đồng hồ.
Lạc-lõng là phải. Xa-lạ cũng là việc bình thường của tâm-lý, của ý-thức và suy-tư. Giống như một ý-niệm về định-mệnh của câu Thánh-vịnh “con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình thì bỗng chốc bị cắt đứt ngang hàng chỉ…” Song ở đây lại là một định-mệnh không có phần tâm-linh mà chỉ là những áp-đặt nghiệt-ngã, oan-khiên trong trò chơi chính-trị của các thế-lực mệnh-danh là siêu cường-quốc…Tất cả bỗng chốc trở thành hụt-hẫng chỉ như một thoáng ngủ gục vật-vờ, một cái vấp chân vừa ngã xuống chưa kịp gượng dậy thì đã tối-tăm cả mặt mũi.
Và cơn lốc chủ-nghĩa đã trườn tới làm cả một dân-tộc mở được mắt ra nhìn mới biết rằng đã chậm.
Mỗi khi nhớ lại những gì về khung trời tao-loạn dai-dẳng trên Quê-hương, tôi cứ quay-quắt buồn.
Một nỗi buồn quá lớn so với thân-phận nhỏ-nhoi của mình.
Cái khúc quanh lịch-sử oan-khiên này của Đất Nước là một kinh-nghiệm đầy tủi-nhục và đắng cay như thế mà vẫn không mấy ai nghĩ lại.…Từ những người cầm quyền lãnh-đạo tắc-trách; các thành-phần dân-tộc liên-hệ… đã vì lòng đố-kỵ ti-tiện, vì sự cao-ngạo và tham-vọng cá-nhân, vì mưu-đồ phe-phái và thậm chí còn vì cái tham, sân, si của những đầu óc chứa đầy tà-niệm…gây nên rồi vô-hình-trung cấu-kết lại với nhau, tiếp tay nhau hè-hụi đào hố và hùa nhau xô cả dân-tộc xuống vực sâu chung với họ.
Vào những dịp cuối tuần, khi xúm-xít quanh bàn mạt-chược hay trong những bữa ăn họp mặt linh-đình nào đó ở nơi nọ, nhà kia là người ta có thể thấy như cả một cơ-cấu Miền Nam Việt-Nam trước 1975 được đem thu nhỏ lại. Các ông to bà lớn của một thời làm quan dưới chế-độ Miền Nam vẫn chưa chịu buông xuống cái danh-xưng của chức-vụ mà họ đã thiếu trách-nhiệm. Những dịp như vậy, tôi thực vô-cảm khi nghe thiên-hạ giới-thiệu nhau. Đúng là tay bắt mặt mừng, giữa những tiếng oang-oang cười nói về chuyện xưa rôm-rả, về ngày cũ huy-hoàng và hiện-tại là vật-chất đầy đủ với những khuôn mặt rạng-rỡ tràn-trề tâm-tình thoả-mãn. Tôi chỉ biết giương hai mắt ráo hoảnh nhìn anh em đã sinh ra cùng bọc với mình.
Là đồng-bào của tôi đó. Là anh em tôi đó…
Họ đã quên mau chóng thân-phận lưu-đầy, sống nhờ xứ lạ quê người. Do vậy, họ tỏ dấu bực-bội, thốt lời phũ-phàng cay-nghiệt và dửng-dưng với những người vẫn còn tha-thiết với Quê Mẹ Việt-Nam. Họ mỉa-mai tôi rằng giờ này mà còn lo những chuyện vẩn-vơ, bao-đồng; còn cứ làm cái kiểu gái goá lo việc quân-vương…Lúc nào cũng lảm-nhảm truyền-thống với chả dân-tộc-tính…
Theo ý những người này thì phải bỏ hết đi, quên hết đi…mà hưởng cảnh cơm no, áo ấm nơi miền đất được tạm dung làm quê-hương thứ hai cho xong. Có nhiều người còn hỉ-hoan so-sánh bối-cảnh của họ ở trong nước trước thời-điểm 1975 với “lý-sự” rằng nếu không có ngày 30-4-1975 thì làm sao họ có được nhà cao cửa rộng, xe pháo rình-rang như hiện-tại họ đang có và kết-luận rằng đấy chính là không bao giờ dám mơ mà nay đã được. Thế này mới đúng là nên quên cho xong. Với họ, di-sản của tổ-tiên đã tài-bồi đằng-đẵng suốt gần năm ngàn năm lịch-sử như hoàn-toàn không có chút nào cần tồn-tại
Tôi nghĩ đến Alan Paton đã khóc – Cry, the beloved country – nên cũng muốn gào lên… hãy khóc đi hỡi mảnh đất Quê-hương Việt-Nam yêu dấu…
Chốn Quê-hương mà từ khi phải lìa xa, tôi thường trân-trọng viết hoa vì tôi biết kể từ ngày mình được sinh ra ở đấy đến giờ, miền đất mẹ cha sinh dưỡng này chẳng những chưa được một ngày yên vui mà còn bị những kẻ ở mãi tận đâu-đâu mang ra tung hấng bằng đủ kiểu và có rất nhiều anh em tôi quay theo mà không hề biết chóng mặt.
Còn những kẻ ngồi trên ghế cai-trị hiện nay, tuy không đồng-tâm yêu nước nhưng “đồng chí” ôm khư-khư sự ngu-xuẩn trong những cái đầu đầy tham-vọng và táo-tợn của loại cường-đồ, bạo-tặc. Họ cùng chia nhau dùng chung một đạo bùa chú “đảng và bác” nhưng là để ngó chừng nhau, để kiềm-chế nhau, sát-phạt nhau và đóng đinh dân-tộc. Gọi họ là cộng-sản cho tiện chứ thực ra họ cũng chẳng hiểu cái chủ-nghĩa này là cái gì. Trong chế-độ cộng-sản làm gì có tài-sản riêng trong khi họ mượn danh chủ-nghĩa để trở thành những đại-gia kếch-sù, những tư-bản giầu ngang các tỷ-phú trên thế-giới.
Kể từ sau ngày 30-4-1975 đến nay, cả một dân-tộc bị đoạ-đầy, bị đẩy-đưa theo từng đợt sóng xô bờ của chế-độ hiện-tại mang đến. Một khối dân ê-chề trong những thân-phận bị-trị xem ra còn bi-đát hơn thời thực-dân phong kiến đã qua cũng từ cái đảng này. Và từng cá-nhân đảng-viên là từng tội-nhân thiên-cổ với Đất Nước, với dân-tộc vì đây chính là những con người mà hồ-sơ tội ác có chiều cao như trời, chiều dầy như đất. Họ tàn-ác giống nhau, nham-nhở như nhau và hiểm-độc ngang nhau chính vì cùng được rèn-luyện chung cái chỉ họ mới có gọi là “đảng tính”.
Chẳng thế mà ngay giữa lòng chế-độ, Nguyễn Mạnh Tường bằng tâm-sự của Kẻ bị khai trừ; Trần Đức Thảo với kinh-nghiệm đã có để cho đời Những lời trăng-trối; Vũ Thư Hiên cay-đắng trong thân-phận cả cha mẹ và bản-thân cùng bị điêu-đứng vì cõi sống Đêm giữa ban ngày mà trước đó đã được nhà văn Arthur Koestler diễn-tả trong tác-phẩm được viết vào khoảng giữa các năm 1938 – 1940 bằng tiếng Đức mang tựa-đề Sonnenfinsternis có nghĩa là Nhật thực…mô-tả một cõi đêm kinh-hoàng với đủ loại oan-khuất, cũng khởi đi từ một đầu óc cuồng-sát bạo-ngược là Staline. Cuốn sách đã được dịch sang Anh-ngữ là Darkness at noon; sang tiếng Pháp là Le Zéro et l’Infini và cũng đã được chuyển sang Việt-ngữ là Tội công-thành. Rồi Tô Hải viết Hồi ký của một thằng hèn và tác-giả Trần Đĩnh vào cuối đời cũng thấm mệt vì cả cuộc đời đã quay-cuồng theo Đèn cù… Dù tuy có hơi muộn-màng, song các ông Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Vũ Thư Hiên, Tô Hải và Trần Đĩnh cũng đã thành-thực với mình và với đồng-bào khi nói lên sự thật. Cám ơn các ông.
Cùng trong tâm-trạng của kẻ tội-đồ với Đất Nước, như tác-giả Lê văn Phúc, đang từng ngày sám-hối, tôi xin được cám ơn các anh em tôi, những người cùng được ra đời làm người Việt-Nam từ trong một cái bọc, còn chưa quên Đất Nước, chưa quên anh em. Vẫn bền lòng đấu-tranh.
Bởi vì với thời-gian thì là đã qua, nhưng với lịch-sử của Đất Nước thì không để cho qua được khi mà mọi sự vẫn còn đó trong một nỗi đau nhức-nhối như một khối u-ác-tính chưa có thuốc chữa, càng ngày càng sưng tấy lên.
Bởi vì nỗi đau này chính là thực-tại của Quê-hương chứ không phải là ray-rứt với kỷ-niệm.
Đàng sau nỗi đau đó mới là kỷ-niệm.
Kỷ-niệm về Quê-hương, kỷ-niệm về đồng-bào, về người và về mình thì vô số, kể bao giờ cho hết. Nói thế nào cho phân rõ thực hư khi ngay từ trong những sinh-hoạt đời thường cũng đủ người và đủ việc cũ mới chen nhau. Đi đâu cũng gặp, ở đâu cũng thấy cứ như ma-trơi chập-chờn hay đúng nhất là những cơ-duyên nhắc cho mình phải nhớ, phải nghĩ hoài.
Nhất là một sự thực không thể quanh-co khi Đất Nước đã nhờ tổ-tiên tích đức lại ra cớ sự như ngày nay chính vì thế-hệ cha, anh và tôi đã liên-tiếp góp tay tạo-nghiệp. Và cái nghiệp này nếu có ra nông-nỗi gì thêm thì cũng lại chính tôi vẫn còn tác-nghiệp, cái nghiệp đã tha-phương cầu-thực mà vẫn còn chia phe rẽ nhóm để đấu-đá nhau đến trời chu đất diệt hơn là chống cộng-sản…
Tôi bắt đầu hiểu bà Huyện Thanh-quan từ tấc dạ nhớ nước đau lòng con quốc-quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia- gia… là thế nào và xót đau đến đâu.
Cám ơn các bài Đức-dục và Công-dân Giáo-dục ở bậc Tiểu-học tại Miền Nam, đã từng bước cho tôi thấm-nhuần ý nghĩa của những tên gọi thiêng-liêng mà bây giờ tôi muốn viết hoa ở đây vì tôi cũng có phần trong đó.
Đấy là Tổ-quốc, là Đất Nước, là Dân-tộc, là Đồng-bào…được gắn liền với hai chữ Việt-Nam.
Phạm Minh-Tâm