Nguồn: Abbas Milani, “The Post-Suleimani View from Iran”, Project Syndicate, 04/01/2019. – Biên dịch: Phan Nguyên
Việc Hoa Kỳ ám sát Qassem Suleimani, chỉ huy Lực lượng Quds của Iran, chắc chắn là một sự leo thang lớn trong cuộc xung đột kéo dài giữa hai nước. Nhưng nó không nhất thiết dẫn đến Thế chiến III (như một số chuyên gia dự đoán). Hơn nữa, trong khi Mỹ có thể đã đạt được lợi thế chiến thuật trong ngắn hạn bằng cách giết Suleimani, chế độ Iran vẫn có thể hưởng lợi từ những sự kiện gần đây.
Iran đã và đang thực hiện các bước đi quyết liệt nhằm đối đầu với các thách thức nghiêm trọng ở khu vực cũng như trong nước hiện nay. Ví dụ, gần đây Iran đã phải đối mặt với sự bùng nổ chủ nghĩa dân tộc bất ngờ ở Iraq chống lại ảnh hưởng của Iran ở đó. Các cơ sở ngoại giao của Iran đã bị đốt phá, và hàng hóa Iran bị tẩy chay. Ngay cả đại giáo sĩ Ali al-Sistan, vốn sinh ra ở Iran và là giáo sĩ người Shia cao cấp nhất ở Iraq, đã lên tiếng chống lại sự can thiệp của “nước ngoài” (tức Iran) vào các vấn đề Iraq.
Trong một nỗ lực rõ ràng nhằm chuyển hướng tình cảm chống Iran này, các đồng minh của Suleimani ở Iran – đặc biệt là tờ Kayhan, cơ quan ngôn luận của Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei – đã đề nghị hồi tháng 10 rằng người Iraq nên chiếm Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Iran cần phải thay đổi dòng quan điểm ở Iraq bằng cách chuyển hướng các tình cảm dân tộc chủ nghĩa hướng về phía Mỹ. Và công luận ở Iraq đã thực sự thay đổi sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Suleimani: nhiều người Iraq hiện đang tự hỏi không phải Iran mà là Mỹ khi nào sẽ rời đi.
Trong khi đó, Iran cũng đang phải đối phó với một thách thức đáng kể ở trong nước. Chế độ đã có những bước đi tàn bạo gây sốc nhằm đàn áp các cuộc biểu tình lớn phản đối điều kiện kinh tế xấu đi, giết chết hàng trăm người và bắt giữ hàng ngàn người khác. Kể từ đó, Khamenei đã bị bao vây, đối mặt với những lời chỉ trích ngay cả từ các đồng minh truyền thống của mình về việc ông ta xử lý tình huống vụng về. Cũng như với sự bùng nổ tình cảm bài Iran ở Iraq, ông ta cần một cách để thay đổi tình thế, và Hoa Kỳ hiện tạm thời trở thành phương tiện cho mục đích đó.
Đối với thế giới bên ngoài, Suleimani là chủ mưu cho các hoạt động khủng bố của chế độ Iran ở nước ngoài, và là ông chủ đằng sau các nhóm ủy nhiệm của Iran trên khắp khu vực, không chỉ riêng Hezbollah ở Lebanon. Tuy nhiên, với người Iran, ông ta là một nhân vật phức tạp hơn. Trong khi những người cứng rắn của chế độ coi ông ta như một vị anh hùng, nhiều người Iran mất người thân trong các cuộc biểu tình ôn hòa, hoặc phản đối việc chế độ tấn công các nhà bất đồng chính kiến Iran ở hải ngoại, lại nhìn ông ta với một con mắt khác.
Tuy nhiên, trong vài năm qua, chế độ đã thúc đẩy một chiến dịch quan hệ công chúng thông minh để mô tả Suleimani như một người anh hùng chiến binh kiểu Napoleon hoặc Caesar. Là một trong số ít các chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) không bị dính vào các cáo buộc tham nhũng, ông đã được nói tới như một ứng cử viên tổng thống tiềm năng trong cuộc bầu cử tiếp theo. Do đó, sự đồng cảm của công chúng dành cho Suleimani giờ đây lan sang cả chế độ, ít nhất là trong ngắn hạn.
Trước khi những sự kiện gần đây bùng nổ, một Iran ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế đã tìm mọi cách để phô trương thanh thế của mình trên thế giới. Vào tháng 12, Iran đã tổ chức các hoạt động diễn tập hải quân chung lần đầu tiên với Nga và Trung Quốc, và các quan chức đã công bố kế hoạch để cho Nga thuê cảng Bushehr trên Vịnh Ba Tư.
Sự hiện diện hải quân mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc ở vùng Vịnh Ba Tư sẽ có những tác động chiến lược lâu dài quan trọng, nếu xét việc hai nước này nhiều khả năng sẽ thách thức Mỹ trong nhiều thập niên tới. Với sự thay đổi tâm trạng sau cái chết của Suleimani, chế độ Iran giờ đã có một cơ hội tốt để củng cố mối quan hệ với cả hai.
Chắc chắn là bằng việc xúi giục các lực lượng ủy nhiệm tại Iraq tấn công đại sứ quán Mỹ, chế độ Iran đã hành động quá tay và đánh giá thấp sự sẵn sàng đáp trả bằng vũ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng bằng cách nhắm mục tiêu vào Suleimani, Mỹ cũng có thể đã tính toán sai bằng cách đánh giá thấp khả năng và việc sẵn sàng đáp trả của chính Iran. Nếu xét tình trạng của nền kinh tế và mức độ bất mãn ở Iran, Khamenei phải giữ lực lượng IRGC và các dân quân tiếp tục trung thành với mình. Và ngay lúc này, những thế lực đó đang kêu gọi trả thù. Vì vậy, đối với Khamenei, điều cốt yếu là làm sao tìm ra một phản ứng đủ mạnh để thỏa mãn những người ủng hộ ông ta nhưng không quá mức khiêu khích để dẫn tới sự leo thang toàn diện.
Về phần mình, chính quyền Trump đã hành động dựa trên giả định rằng chế độ Iran đang có tính chính danh rất thấp và bị bao vây bởi sự bất mãn trong nước đến mức họ không bao giờ có thể dám chấp nhận một cuộc chiến lớn với Mỹ. Và giả định nguy hiểm này đã được củng cố bởi niềm tin của chính Trump rằng một cuộc chiến với Iran sẽ diễn ra rất chóng vánh. Nhưng, trên thực tế, chế độ Iran có những mối quan hệ sâu sắc về văn hóa, kinh tế và tình báo trên toàn khu vực, đặc biệt là ở Iraq. Họ nắm vững nghệ thuật chiến tranh phi đối xứng, và giờ đây không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đáp trả bằng cách nào đó trước cái chết của Suleimani.
Chúng ta hy vọng rằng những tai ương trong nước và mong muốn tự bảo tồn chế độ sẽ khiến Khamenei và chính phủ của ông ta chỉ tiến hành các hành động trả thù mang tính biểu tượng thay vì lựa chọn các biện pháp leo thang. Và người ta cũng hy vọng Hoa Kỳ cũng sẽ hành động với sự thận trọng chiến lược khi đáp trả động thái tiếp theo của Iran. Nếu không, chúng ta có thể chứng kiến một cuộc chiến mà hầu như không ai muốn với một kết cục không ai có thể đoán trước.
Abbas Milani, Nghiên cứu viên chính và Đồng Giám đốc Dự án Dân chủ Iran tại Viện Hoover, là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Iran tại Đại học Stanford.