Bài báo nói trên cho biết:
“…Kết luận của Hội đồng giám định tập thể Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An xác định thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh đã sử dụng trang Facebook mang tên mình để đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung vi phạm pháp luật.
“Các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân; Xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ chủ nghĩa xã hội, nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…”.
Theo quy định của [3] Luật Giám Định Tư Pháp với 8 Chương và 46 điều – nội dung và hình thức giám định đối với tất cả các vụ án – cho thấy nhiệm vụ này không thuộc về Sở Thông tin và Truyền thông, bởi Sở này chỉ là cơ quan quản lý nhà nước [4] theo quyết định 57/2016/QĐ – UBND do Nguyễn Xuân Đường – Chủ tịch tỉnh Nghệ An ký ban hành ngày 30/8/2016. Nghĩa là, kết quả giám định của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nghệ An (nói riêng) cũng như tất cả các Sở Thông tin và Truyền thông trên toàn quốc (nếu có), hoàn toàn vô giá trị.
Trong Luật Giám Định Tư Pháp cũng không quy định khái niệm “Hội đồng giám định tập thể”. Điều này đồng nghĩa, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Nghệ An đã vi phạm pháp luật.
Thậm chí, nếu Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ “giám định tư pháp” cho Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Nghệ An càng thêm sai trái, bởi đây là công việc tư pháp, không phải công việc của hành pháp.
Chữ viết và lời nói thuộc phạm trù ý thức
Khái niệm “Hội đồng giám định tập thể” mà Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Nghệ An tự ý đặt ra để làm căn cứ phục vụ cho việc buộc tội, phản ánh tư tưởng “đấu tố” vẫn ngang nhiên tồn tại dai dẳng, dù ĐCSVN đã thừa nhận đó là một sai lầm về mặt tư tưởng dẫn đến siêu thảm họa mang tên “Cải Cách Ruộng Đất” mà Hồ Chí Minh đã khóc và xin lỗi toàn dân miền Bắc vào tháng 12 năm 1956, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa I.
Chính tư tưởng này xói mòn và phá hủy hoàn toàn tất cả các giá trị nhân cách – văn hóa và đặc biệt nó xóa bỏ vai trò pháp luật – Nguyên nhân chính làm xã hội đạt mức hỗn loạn cao nhất.
Cái gọi là “Hội đồng giám định tập thể” là bằng chứng rõ ràng của sự biến dạng từ “đấu tố bằng lời” nay thành “đấu tố bằng chữ”.
Chữ viết và lời nói thuộc phạm trù ý thức (tức là không thể nào nắm được trong tay), trong khi đó, phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Hình Sự chỉ xoay quanh phạm trù vật chất, dù bất cứ tội danh nào.
Nước, nước nhà, nhà nước và “tuyên truyền chống nhà nước”…
…cần phải được minh định rõ ràng.
Nước – một từ trung tính, không phân biệt xu hướng tình cảm hay xu hướng chính trị. Nước dùng để chỉ một vùng lãnh thổ có chủ quyền, kể từ khái niệm “nhà nước” ra đời.
“Nước nhà” còn được gọi bằng nhiều cách khác nhau như: đất nước, quê hương, tổ quốc, đất mẹ, quê cha đất tổ v.v… để bày bỏ tình cảm, như: yêu nước, yêu tổ quốc, đất nước mến yêu, nơi chôn nhao cắt rún v.v…
“Nhà nước”, gọi theo chữ Hán – Việt là quốc gia – một tổ chức do dân lập ra bằng phương cách bầu cử (phải tự do – công bằng mới đảm bảo sự bền vững và chính danh). Điều này có nghĩa, nhà nước là một tổ chức. nó được lập ra để phụng sự tất cả yêu cầu của người dân sao cho xã hội an hòa, thịnh vượng và bảo đảm “nước nhà” được vẹn toàn lãnh thổ.
Trong tất cả các bản án (dù sơ thẩm hay phúc thẩm, kể cả giám đốc thẩm, tái thẩm), ngay dòng đầu tiên, Tòa Án các cấp luôn ghi: NHÂN DANH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM – Đây là một khái niệm hoàn toàn sai lầm về tư tưởng, về học thuật và cả về hình thức trình bày cho một văn bản pháp lý. Bởi:
– Không thể nhân danh NƯỚC – vốn là một từ trung tính như nói trên – để kết án tội hình sự cũng như giải quyết một sự việc dân sự.
– Không thể nhân danh NƯỚC – vốn là một từ trung tính như nói trên – để kết án tội “tuyên truyền chống nhà nước” – vì “nước” vô tri vô giác. “Nước” không mang thuộc tính Con Người.
Mặt khác, toàn bộ cử tri (tức từ 18 tuổi trở lên) không bao giờ là “một thể thống nhất” về mặt tư tưởng – đó là hằng số. Chính vì vậy tư tưởng đa nguyên mãi trường tồn theo thời gian.
Cương lĩnh ĐCSVN tại Đại hội XII diễn ra từ ngày 20 đến 28 tháng 1 năm 2016, ĐCSVN đã chấp nhận tư tưởng đa nguyên như sau:
“…tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc…”
Thêm nữa, tại Lời Nói Đầu của Hiến Pháp 2013 đã quy định Hiến Pháp nhằm: “Thể chế hóa Cương lĩnh…”, điều này có nghĩa “Hiến pháp – văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng” [5] như báo VNExpress đưa tin phát ngôn của Nguyễn Phú Trọng với cương vị Tổng bí thư vào ngày 28/9/2013.
Vậy, tội danh theo điều 117 không những vi hiến mà còn phản bội lại Cương lĩnh của ĐCSVN.
Kết Luận
Vì Hiến pháp tại Điều 2 quy định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” và Cương lĩnh ĐCSVN chấp nhận tư tưởng đa nguyên, do đó thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh và tất cả những người bị cáo buộc theo điều 117 hoàn toàn vô tội.
Ngày 24/12/2019, báo Vietnamnet cho biết: Nguyễn Bắc Son – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông – nói lời sau cùng [6] đã thú tội do hắn nhận hối lộ 3.000.000 USD mà: “…gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng…” – Xin phép nhấn mạnh, lời Nguyễn Bắc Son là lời nói chính thức trước tòa.
Vậy Nguyễn Bắc Son cũng như tất cả những tên tham nhũng, ngoài tội danh bị cáo buộc, lời thú nhận của chúng đủ yếu tố cấu thành tội danh theo điều 117 Bộ Luật Hình Sự.
Tóm lại, điều 117 chỉ có giá trị thực tế khi gắn liền với các loại tội danh do đảng viên từ trung ương đến địa phương, gây ra.
____________________________________
Nguyễn Ngọc Già
[2] https://www.rfavietnam.com/node/5844
[5] https://vnexpress.net/thoi-su/tong-bi-thu-de-phong-the-luc-muon-xoa-bo-dieu-4-hien-phap-2886937.html