Nhiệt điện than tiếp tục ‘nóng’ lên, khi mới đây Hiệp hội năng lượng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình.
Quan điểm đề nghị của Hội này là không sai, nhưng nội dung đề nghị theo hướng kêu gọi Thủ tướng ra quyết định hành chính dưới ngôn từ ‘chỉ đạo’ là sai về mặt nguyên tắc.
Là một Hiệp hội, một tổ chức phi lợi nhuận, quyền hạn đâu mà tổ chức này kiến nghị Chính phủ đưa ra một quyết định hành chính? Thay vì đối thoại để tìm ra giải pháp hoặc lắng nghe địa phương đang muốn gì, thì Hiệp hội này lại tìm cách buộc các địa phương phải cho phép nhiệt điện than được hiện diện. Trong khi đó, hàm lượng không khí thải bẩn, có chứa bụi mịn đã biến cả miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội trở thành ‘tụ điểm xấu’ về mặt không gian sống đối với cộng đồng. Và những minh chứng gần đây cho thấy, quy hoạch nhiệt điện than 2030 đã đi ngược lại với quy luật năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trên thế giới.
Điều ngộ nghĩnh là, tạp chí điện tử của Hiệp hội năng lượng Việt Nam lại tỏ ra ‘cầu tiến’ về năng lượng, khi mà dày đặc các nội dung được đăng tải nhằm khuyến khích năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, cũng như phân tích các xu hướng phát triển năng lượng bảo vệ môi trường.
Vì sao và vì đâu Hiệp hội năng lượng Việt Nam lại tỏ ra ‘nhiệt tình’ với nhiệt điện than đến mức phải tìm mọi cách để đưa nhiệt điện than triển khai tại các tỉnh phía Nam? Phải chăng Hiệp hội này có một ‘lợi ích’ nằm trong nhóm các nhà đầu tư trong dạng năng lượng này? Hay là vì mục tiêu của Hiệp hội này là phát triển năng lượng bằng mọi giá bất chấp quan điểm của Chính phủ là ‘phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường’?
Dù ở bất kỳ lý do nào chăng nữa, thì với quan điểm đề nghị trên, Hiệp hội năng lượng Việt Nam đã đánh mất tầm nhìn bền vững của mình đối với hiện trạng và phát triển năng lượng Việt Nam.
Nhà báo Mai Quốc Ấn trên Facebook cá nhân của mình đã phê phán quan điểm của Hiệp hội năng lượng Việt Nam là ‘sự trâng tráo rực rỡ’.
Trong đó, anh đề cập đến tác hại (mà một số địa phương ở phía Nam nhìn ra để từ chối dự án nhiệt điện than), trong đó bao gồm: môi trường, an sinh xã hội và an ninh trật tự. Thậm chí, là hy sinh cả lòng dân!
Cách đây không lâu, tỉnh Long An nhiều lần cương quyết từ chối điện than. Theo quan điểm tỉnh này, thì nguy cơ ô nhiễm môi trường là nguyên nhân trọng yếu để Long An quyết tâm ‘không còn quy hoạch đầu tư dự án bằng công nghệ đốt than nữa.’
Điều này cho thấy, bài học nhãn tiền về nhiệt điện than Vĩnh Tân 4 (Bình Thuận) hoạt động vào tháng 9/2014 nhưng đã gây tai biến cho tình hình trật tự an ninh địa phương, cũng như sinh kế của cộng đồng. Và hiện tại, tình hình Vĩnh Tân 4 vẫn đang nằm trong diện dễ dàng tái phát bất ổn.
Vào năm 2015, người dân ở Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) đã bùng phát xung đột với chính quyền địa phương liên quan đến sức khoẻ và sinh kế cù người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ bụi than và khí thải than.
Trong một nghiên cứu của Đại học Harvard, số ca tử vong do ô nhiễm không khí ở Việt Nam có thể tăng 4 lần vào năm 2030 – năm mà theo kế hoạch phát triển nhiệt điện than sẽ lên con số 54 nhà máy. Và số ca tử vong do ô nhiễm không khí từ nhiệt điện than ở Việt Nam dự báo sẽ tăng từ gần 5.000 người năm 2011 lên gần 20.000 người vào năm 2030.
Câu chuyện của nhiệt điện than cũng liên quan đến vấn đề tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Theo đó, chỉ tính riêng các bệnh liên quan đến không khí ô nhiễm khiến Việt Nam thiệt hại 5-7% GDP mỗi năm. Và con số này sẽ tiếp tục gia tăng khi mà nhiệt điện than giá rẻ không được tiếp tục kiểm soát, dẫn đến tình trạng ô nhiễm không chỉ tập trung tại các tỉnh miền Bắc, mà sẽ phá hủy nền du lịch không khói tại các tỉnh thành phố phía Nam, bao gồm Đà Nẵng, Nha Trang.
Việc lựa chọn tiếp tục hay ngừng triển khai kế hoạch nhiệt điện than phải căn cứ vào bối cảnh xã hội và tình hình kinh tế, không nhất thiết phải tiếp tục dồn ép đạt được mục tiêu khi bối cảnh xã hội phản ứng gây gắt cũng như thiệt hại kinh tế sẽ diễn ra trong lúc Chính phủ đang cần ‘kiến tạo’ và cam kết hành động vì môi trường.
Việc Chính phủ trả lời ‘dư luận chưa chắc chấp nhận’ về nhiệt điện than cho thấy sự dè chừng trước các phản ứng của dư luận xã hội đối với loại hình điện năng này. Và đây nên được coi là nền tảng cơ sở để tiếp tục ‘cân đo đong đếm’ về việc ngừng triển khai hoàn toàn nhiệt điện than hay không trong tương lai.
Đối với Hiệp hội năng lượng Việt Nam, ít nhất trước khi kiến nghị và đề xuất một vấn đề gì đó trong phát triển năng lực. Cần phải có một thăm dò dư luận hoặc thăm dò xã hội học để nắm bắt được tình hình, thay vì cứ thực hành một phát ngôn mà chỉ biết đến cái lợi trước mắt như hiện nay. Đi ngược lại quan điểm phát triển bền vững và nền tảng Chính phủ kiến tạo thời kỳ ông Nguyễn Xuân Phúc.
Cần nhớ rằng, phát triển bằng mọi giá sẽ để lại món nợ cho con cháu tương lai gánh chịu. Một hậu quả không hề tốt đẹp về kinh tế lẫn xã hội./.