39 nạn nhân chết cóng trong container tại Anh Quốc
Tin 39 nạn nhân bị chết cóng trong một container đông lạnh, được phát hiện tại Khu Công nghiệp Waterglade, Quận Essex, London, vào sáng sớm ngày 23 Tháng Mười, 2019 đã không chỉ làm bàng hoàng giới hữu trách Anh Quốc mà còn tạo sự xúc động cùng với sự phẫn nộ tột cùng của dư luận thế giới và Việt Nam về thảm kịch này.
Theo điều tra của nhà chức trách Anh thì những nạn nhân này đã thông qua một dịch vụ ngầm đưa người đi từ Việt Nam sang một vài quốc gia Âu Châu, trong số này có vài người qua ngã Trung Quốc. Tại đây họ phải trả cho những kẻ môi giới một số tiền từ 10 ngàn cho đến 30 ngàn bảng Anh để được đưa qua biên giới, xâm nhập bất hợp pháp vào nước Anh, đa số là bằng cách trốn trong những container đông lạnh. 39 nạn nhân này được đưa vào comtainer đông lạnh, chở qua đường biển từ cảng Zeebrugge ở Bỉ tới cảng Purfleet của Anh vào rạng sáng ngày 23 Tháng Mười.
Theo ông Richard Burnett, lãnh đạo Hiệp Hội Vận Tải Đường Bộ (Road Haulage Association) thì nhiệt độ bên trong những xe container đông lạnh khi qua biên giới, luôn dưới -25 độ C. Với nhiệt độ này, 39 nạn nhân sẽ không đủ Oxy để thở và họ đã chết ngạt.
Sau khi xác nhận xong danh tánh của các nạn nhân, nhà chức trách Anh đã cho chuyển thi hài của 39 nạn nhân gồm 31 đàn ông, 8 phụ nữ làm 2 đợt, bằng máy bay từ phi trường London đến sân bay Nội Bài và từ đó các xe cứu thương chở các quan tài về địa phương, đa số quê quán tại Nghệ An, Hà Tĩnh.
Nỗi đau mất đi một người con yêu càng to lớn hơn khi đa số các gia đình đã vay nợ, thế chấp sổ đỏ nhằm đủ tiền cho các em ra đi hầu có một tương lai tốt đẹp hơn. Hy vọng tan tành, cảnh nợ nần, tang thương cùng nỗi hối tiếc khi tính sai đường đi cho con em, cái giá phải trả thật là đau đớn vô cùng tận.
Nguyễn Phú Trọng bất ngờ đột quỵ tại Kiên Giang
Tin ông Nguyễn Phú Trọng đến làm việc tại Kiên Giang trong hai ngày 13 và 14 Tháng Tư, 2019 được báo chi lề đảng loan tải rộng rãi vào sáng ngày 14, thì ngay vào buổi chiều, Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, đã dẫn một nguồn tin riêng cho biết ông Trọng đã bị đột quỵ, phải đưa cấp tốc vào nhà thương ở Kiên Giang. Ngay tối hôm đó ông Nguyễn Phú Trọng đã được đưa về bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn bằng đường hàng không.
Việc ông Nguyễn Phú Trọng bất ngờ phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch về tính mạng, đã khiến dư luận cho đây là một cuộc thanh trừng chính trị. Trước Nguyễn Phú Trọng, từng có Nguyễn Bá Thanh, Phùng Quang Thanh, Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang đang khỏe mạnh, bỗng dưng “nhiễm virút lạ” phải nhập viện. Nguyễn Bá Thanh và Trần Đại Quang đã chết, còn Phùng Quang Thanh và Đinh Thế Huynh thì thân bại danh liệt.
Việc bị đột quỵ bất ngờ đã dẫn đến hệ quả là cuộc đời chính trị của ông Trọng coi như chấm dứt vào tháng Giêng năm 2021, sau Đại hội 13 tổ chức xong. Hiện có 3 nhân vật đang chạy đua tranh ghế Tổng Bí Thư của ông Trọng là Nguyễn Xuân Phúc (Thủ Tướng), Trần Quốc Vượng (Thường Trực Ban Bí Thư) và Phạm Minh Chính (Trưởng Ban Tổ Chức T.Ư.) Xu hướng chung của ông Trọng là muốn tập trung chấn chỉnh nội bộ đảng trong vòng 5 năm tới để giữ chặt quyền lực độc tôn của phe đảng, nên nhiều phần ông Trọng sẽ chọn Trần Quốc Vượng hay là Phạm Minh Chính lên thay thế.
Vụ đột quỵ của ông Trọng không chỉ cho thấy sức khoẻ của ông đã suy giảm đột ngột sau non hai năm ra tay đốt lò đánh tham nhũng, mà còn cho thấy sự bất ổn nội bộ với những đấu đá của các phe sẽ bùng nổ trở lại trong việc tranh giành ghế cho hàng tứ trụ và tiến trình đưa người của các phe vào Trung Ương nhiệm kỳ 13 (2021-2026).
Trung Cộng xâm phạm Bãi Tư Chính
Bãi Tư Chính là một cụm rạn san hô, phía Nam Biển Đông, cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam có đầy đủ các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên của vùng nước trên đáy biển cũng như của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển trong khu vực Bãi Tư Chính.
Nhưng Trung Cộng lại dựng lên lý cớ rằng Bãi Tư Chính nằm trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của họ, nên ngày 3 Tháng Bảy, 2019, đã đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 (HD 8) cùng với 3 tàu hải giám hộ tống đi vào vùng lãnh hải Việt Nam, quanh khu vực Bãi Tư Chính. Đây là hành động vi phạm hải phận và vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Đã thế, chỉ 5 ngày sau khi HD 8 xâm phạm Bãi Tư Chính, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ Tịch Quốc Hội đã dẫn một phái đoàn sang Bắc Kinh, tay bắt mặt mừng với các lãnh đạo Trung Cộng, từ Tập Cận Bình trở xuống, nhưng không hề lên tiếng phản đối.
Trong lần xâm phạm Bãi Tư Chính vừa qua, tuy CSVN lần đầu tiên chỉ đích danh Trung Cộng xâm phạm trước diễn đàn Khối ASEAN nhưng lại tìm cách ngăn chặn mọi cuộc mít tinh, biểu tình của người dân phản đối Trung Cộng. Đồng thời lãnh đạo CSVN cố tình tránh né các đề nghị của một số chuyên gia, trí thức, cựu cán bộ là CSVN phải nộp đơn kiện Trung Cộng ra Tòa Trọng Tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển như Phi Luật Tân.
Những hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Cộng đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, thay vì có những hành động cụ thể để bảo vệ chủ quyền lãnh hải và có những hành động tích cực hợp tác với Hoa Kỳ, Nhật Bản đang sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam chống lại sự xâm phạm của Trung Cộng ở Bãi Tư Chính, thì CSVN chỉ tuyên bố suông qua miệng của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng như mọi khi mà thôi.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội và Sài Gòn lên đến mức kỷ lục
Vào những ngày cuối Tháng Chín 2019, ứng dụng của Air Visual liên tục đưa ra mức báo động về tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội, và đã xếp Hà Nội vào một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thay vì coi đây là một sự cảnh giác, khởi đầu cho chuỗi ô nhiễm chỉ có thể gia tăng và không thể đảo ngược, nhà cầm quyền CSVN đã dùng bộ máy truyền thông để tấn công Air Visual khiến cho cơ quan này phải ngưng hoạt động một thời gian.
Những ngày sau đó, không những Hà Nội mà còn nhiều thành phố lớn ở miền Bắc và lan vào tới thành phố Sài Gòn, những đợt không khí bị ô nhiễm bụi mịn cứ tiếp tục xảy ra, với nhịp độ dầy hơn, mức độ độc hại cao hơn và không có dấu hiệu gì là sẽ chấm dứt. Từ lâu, các nguyên nhân gây ô nhiễm đến từ khói xe, những công trường xây dựng và nhiều nhất là đến từ những nhà máy nhiệt điện than bao quanh Hà Nội. Đó mới là những nguyên nhân lớn có thể tung bụi mù lên đến các tầng cao của bầu không khí và được gió mang đi xa qua các vùng phụ cận.
Một nghiên cứu mang tên Rising Coal-Fired Power Plant Emissions in Southeast Asia của các nhà khoa học Đại Học Harvard cho hay “Nếu không có gì thay đổi, phát thải từ tiêu thụ than trong khu vực Đông Nam Á sẽ tăng gấp ba, nhất là ở Indonesia và Việt Nam.” Nghiên cứu này ước tính các nhà máy điện than gây ra 4.252 cái chết sớm ở Việt Nam năm 2011, và tăng lên 19.223 cái chết sớm vào năm 2030.
Năm 2019 là năm báo động cho tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng mà người dân ở tất cả thành phố lớn tại Việt Nam phải đối diện, bên cạnh những ô nhiễm nguồn nước, nguồn đất mà họ đã phải gánh chịu. Khoa học đã chứng minh bụi mịn (các hạt bụi có PM 1.00 – 2.5) là nguyên nhân gây ung thư cao. Bụi mịn tăng thì số ung thư không thể nào giảm trong những năm sắp tới.
Chính quyền cưỡng chế Vườn Rau Lộc Hưng
Vườn Rau Lộc Hung, nằm trong phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM, vốn là nơi trồng rau và sinh sống của những người miền Bắc di cư vào miền Nam từ những năm 1954.
Mặc dù bà con ở Vườn Rau Lộc Hưng sống ổn định, đóng thuế nông nghiệp cho chính quyền địa phương nhưng các cơ quan nhà nước từ Thành phố đến UBND Phường 6 lại không chịu cấp Giấy công nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) vì thế mà bà con đã kiên trì khiếu nại ra các cấp chính quyền từ hàng chục năm qua.
Vườn Rau Lộc Hưng là khu đất vàng, một số cán bộ Thành phố cấu kết với các nhóm lợi ích nhằm chiếm đoạt khu đất này. Chính quyền địa phương đã ngụy tạo ra lý cớ muốn trưng dụng khu đất này là vì “…hiện thành phố đang có dự án xây dựng trường mầm non, trường tiểu học và trường trung học cơ sở, hạ tầng giao thông và công viên cây xanh trong khu vực Vườn Rau Lộc Hưng với tổng vốn đầu tư là 117 tỷ.”
Vào các ngày 4 và 8 Tháng Giêng 2019, chính quyền quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế khu Vườn Rau Lộc Hưng bằng vũ lực. Lực lượng cưỡng chế bao gồm hàng trăm công an, dân phòng, với đủ loại thiết bị cơ giới xe ủi, máy xúc,… đập phá khoảng 200 căn nhà, bất chấp sự phản đối của người dân.
Sau khi cưỡng chế, chính quyền Tân Bình dựng hàng rào kẽm gai và phong tỏa khu vực vườn rau cũng như không chấp nhận đối thoại với người dân. Phía người dân, 200 hộ dân bị đẩy ra đường sống cảnh màn trời chiếu đất. Họ đã cùng đứng tên kiện chính quyền quận Tân Bình, đòi trả lại nhà đất.
Bi kịch Vườn Rau Lộc Hưng vẫn còn tiếp diễn. Vừa qua, hôm 8 Tháng Mười Hai chính quyền quận Tân Bình đã huy động hàng trăm công an, dân phòng đến cản trở bà con dựng hang đá Noel và đập phá tượng Đức Mẹ. Những hành động đàn áp bạo lực của chính quyền quận Tân Bình chỉ khiến cho bà con nông dân tại đây tiếp tục tranh đấu cho đến khi nào nguyện vọng đạt được kết quả.
Đội Bóng Đá Nam và Nữ cùng vô địch SEA Games 2019
Tối ngày 10 Tháng Mười Hai, 2019 trên sân vận động Manila, Philippines, trận chung kết giữa Việt Nam và Indonesia đã đưa đội tuyển U22 Việt Nam đã trở thành vô địch SEA Games lần thứ 30 với tỉ số 3 – 0. Trong lịch sử giải Bóng Đá Đông Nam Á, đây là lần thứ nhì Việt Nam đoạt huy chương vàng sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi. Lần thứ nhất thời Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1959.
Đội tuyển Việt Nam đã khởi sắc từ khi ông Park Hang-seo, người Nam Hàn được mời làm huấn luyện viên. Ông đã chỉnh đốn lại hàng ngũ, tuyển chọn cầu thủ, đưa ra chương trình huấn luyện và áp dụng các chiến thuật thích hợp để đưa đội tuyển Việt Nam ra khỏi những khủng hoảng trong quá khứ. Hiện đội bóng đá Việt Nam được xếp hạng thứ 96 của FIFA.
Trước đó hai ngày, đội bóng đá nữ cũng đã trở thành vô địch SEA Games 30 sau khi hạ đội Thái Lan hùng mạnh với tỉ số 1 – 0. Đây là lần thứ 6 đội bóng đá nữ đoạt huy chương vàng SEA Games và trở thành đội nữ chiếm huy chương vàng nhiều nhất trong khu vực. Theo sau là Thái Lan với 5 huy chương vàng.
Theo nhiều quan sát viên thể thao trong khu vực, đội bóng đá nữ rất xứng đáng với ngôi vị của mình, mặc dù bị nhà nước bỏ quên với số lương tháng còn thấp hơn công nhân bình thường. Tuy nhiên, lần này báo chí trong nước liên tục loan tin về những cơn mưa tiền thưởng, dành cho cả hai đội nam và nữ vô địch lần này. Tuy vậy, không biết cuối cùng số tiền thưởng tổng cộng lên đến vài chục tỉ đồng sẽ đến tay các cầu thủ là bao nhiêu, trong hệ thống đảng đoàn chỉ đạo thể thao từ nhiều thập niên qua.
Sau những chiến thắng của đội tuyển Việt Nam, đường phố Việt Nam thường tràn ngập người đi bão làm tắc nghẽn giao thông. Rượu, bia sau đó gây ra tai nạn chết người hàng loạt. Đặc biệt đêm 10 Tháng Mười Hai đã lấy mạng sống của 31 người và hàng chục người khác bị tàn phế vĩnh viễn.. một cách phi lý.
Cộng Sản Việt Nam đàn áp khốc liệt các nhà hoạt động
Theo điều tra của Tổ Chức Project 88, CSVN đang cầm tù 269 nhà hoạt động và 143 người khác có nguy cơ bị bắt. Đây chỉ là những con số thống kê được, trong thực tế, con số những nhà hoạt động bị bắt giữ, bị đe dọa còn cao hơn. Đặc biệt trong năm 2019, nhà cầm quyền CSVN đã ra tay đàn áp một cách thô bạo, với những bản án vô cùng khắc nghiệt, qua một số vụ án tiêu biểu như sau:
Ngày 15 Tháng Mười Một, thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh đã bị Tòa Án Nghệ An kết án 11 năm tù giam vì đã dạy cho học sinh tập hát bài “Trả Lại Cho Dân” một sáng tác của Nhạc sĩ Việt Khang.
Ngày 27 Tháng Mười Một, Tòa Án An Giang đã xử ông Trần Thanh Giang, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, bị bắt vào Tháng Tư, với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”, với bản án 8 năm tù giam. Sau lời tuyên án, ông Trần Thanh Giang đã lớn tiếng phản đối cho rằng “Phiên tòa không có dân chủ.”
Trước đó một ngày, ngày 26 Tháng Mười Một, ông Nguyễn Chí Vững, môt Facebooker đã bị Tòa Án Tỉnh Bạc Liêu kết án 6 năm tù giam vì tội như ông Trần Thanh Giang là đã tán phát những bài vở có nội dung “tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam.”
Ngoài ra, còn có nhiều nhà hoạt động khác như ông Phạm Văn Điệp (Thanh Hóa), ông Đoàn Viết Hoan, Võ Thường Trung, Ngô Xuân Thành, Nguyễn Đình Khuê, Huỳnh Minh Tâm và cô Huỳnh Thị Tố Nga (đều ở Đồng Nai) cũng đã bị bắt và đưa ra tòa trong thời gian qua. Tất cả họ đều bị kết án tội danh tuyên truyền chống nhà nước, với mức án từ 5 năm tù trở lên.
Riêng phiên tòa ngày 11 Tháng Mười Một, xét xử ông Châu Văn Khảm, một Việt Kiều tại Úc, ông Nguyễn Văn Viễn và ông Trần Văn Quyền bị cáo buộc là khủng bố vì tham gia vào Đảng Việt Tân, với bản án 12 năm tù giam đối với ông Khảm, 11 năm tù giam cho ông Viễn và 10 năm tù giam cho ông Quyền.
Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà báo độc lập, cây bút phản biện sắc sảo nhất hiện nay tại Việt Nam cũng đã bị an ninh CSVN bắt giữ hôm 21 Tháng Mười Một và bị cáo buộc là tuyên truyền chống đối nhà nước.
Luật An Ninh Mạng có hiệu lực từ đầu năm 2019
Nhằm kiểm soát các trang mạng xã hội một cách chặt chẽ, ngày 12 Tháng Sáu, 2018, Luật An Ninh Mạng đã được Quốc Hội CSVN thông qua, và chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2019. Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) cho rằng luật này chỉ là bản sao từ Luật An Ninh Mạng của Trung Quốc năm 2017. Nó cho thấy sự lệ thuộc của một cách tệ hại của nhà cầm quyền CSVN đối Trung Quốc trong cách trấn áp người dân Việt.
Thông qua những điều khoản tùy tiện và mơ hồ, Luật An Ninh Mạng cho thấy đây là một mô hình khắt khe của chế độ độc tài để dễ bề kiểm soát thông tin. Trên thực tế luật này buộc gỡ bỏ các lời bình phẩm “đe doạ an ninh quốc gia, nói xấu chế độ và lãnh đạo đảng”.
Luật nầy buộc các công ty như Facebook, Google phải tuân hành việc cung cấp thông tin người sử dụng khi có yêu cầu và đặt máy chủ tại Việt Nam. Tuy nhiên những yêu cầu lố bịch này của Hà Nội đã không được đáp ứng. Về phía Bộ Công An, họ khẳng định rằng luật này nhằm tự vệ trước nạn tin tặc và “diệt trừ các thế lực thù địch, phản cách mạng” đang sử dụng internet.
Kể từ khi Luật An Ninh Mạng được áp dụng, đã có hơn 20 Facebooker bị bắt giữ với cáo buộc liên quan tới an ninh quốc gia như “tuyên truyền chống phá nhà nước, âm mưu lật đổ chính quyền và gây rối trật tự công cộng.”
Cái chết đầy bí ẩn của Thứ Trưởng Giáo Dục Lê Hải An
Sự kiện Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Lê Hải An ngã từ tầng 8 trụ sở Bộ Giáo Dục xuống đất và qua đời vào sáng ngày 17 Tháng Mười đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của dư luận. Từ trách vụ mang tính chất chuyên môn về hầm mỏ, Tháng Mười Một 2018 ông Lê Hải An được chuyển sang hoạt động chính trị trong vai trò thứ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, chuẩn bị bước vào Trung Ương đảng khóa 13 (2021-2016). Trong trách vụ mới này, ông Lê Hải An được cho là chuẩn bị để thay thế Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ về hưu, đảm trách chức vụ bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo vào khoảng Tháng Tư, 2021.
Nắm ghế thứ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo chưa được 10 tháng, ông Lê Hải An đã ký một quyết định mang số 878 vào ngày 21 Tháng Tám, 2019, về việc xem xét xử lý kỷ luật 13 cán bộ cao cấp trong Bộ Giáo Dục và Đào Tạo liên quan đến vụ nâng điểm hàng trăm thí sinh trong kỳ tốt nghiệp trung học phổ thông tại ba tỉnh Sơn La, Hà Giang và Hòa Bình.
13 cán bộ này không phải là những nhân viên bình thường, họ là những cán bộ cao cấp trong Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Vì thế mà quyết định kỷ luật nói trên của Thứ Trưởng Lê Hải An đã tạo rúng động trong nội bộ của Bộ nầy.
Quả nhiên, quyết định kỷ luật của ông Lê Hải An đã bị hủy bỏ bởi quyết định cao hơn của Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ vào ngày 9 Tháng Chín. Quyết định của ông Nhạ không những hủy bỏ quyết định 878 của ông Lê Hải An mà còn xóa luôn quyết định 245/QD-BGĐT trong việc thành lập hội đồng kỷ luật để xử 13 cán bộ nói trên. Nói cách khác, quyết định của Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ đã không chỉ cứu 13 cán bộ thoát khỏi lò đốt tham ô, mà còn khẳng định sự chiến thắng của phe nhóm tham ô nhũng lạm nâng điểm thí sinh nêu trên. Vì thế, sau quyết định của Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ, đã hình thành hai nhóm kình chống nhau. Một bên là phe ủng hộ Thứ Trưởng Lê Hải An, và bên kia là nhóm 13 cán bộ bị kỷ luật.
Sự kình chống giữa hai phe nói trên cho thấy là ông Lê Hải An đã bị đặt trong tầm ngắm trả thù của phe nhóm 13 cán bộ bị kỷ luật và có thể của cả Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ. Nhưng sự việc đã hơn 2 tháng trôi qua, báo chí trong nước hoàn toàn im tiếng, không có bất cứ thông tin nào nhắc đến cái chết đầy bí ẩn của Thứ Trưởng Lê Hải An.
Hiệp Định Thương Mại Tự Do EU và Việt Nam
Chiều ngày 30 Tháng Sáu, 2019, tại Hà Nội, hai hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU gồm Hiệp Định Thương Mại Tự Do (EVFTA) và Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư (IPA) đã được nhà cầm quyền CSVN cùng với Ủy Ban Âu Châu ký kết sau 9 năm đàm phán.
Một khi EVFTA có hiệu lực thì EU sẽ xóa bỏ ngay thuế quan thuộc 85,6% số dòng thuế đối với hàng hóa của Việt Nam, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Bên cạnh việc mang lại các cơ hội kinh tế quan trọng, EVFTA cũng bảo đảm tôn trọng thực hiện thỏa thuận khí hậu Paris, tôn trọng và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) liên quan đến các quyền cơ bản của người lao động… Điều này hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại Đông Nam Á. Ngoài ra, hiệp định thương mại này bao gồm một sự ràng buộc pháp lý và mang tính thể chế với Hiệp định khung đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, cho phép có những biện pháp thích ứng trong trường hợp vi phạm nhân quyền.
Lẽ ra EVFTA đã được Quốc Hội Âu Châu nhiệm kỳ 8 (2015-2019) đưa ra phê chuẩn, nhưng đã bị trì hoãn từ 2015 cho đến nay. Một trong những lý do là gặp sự chống đối của Cộng đồng người Việt tự do hải ngoại cùng một số NGO Nhân quyền quốc tế và dân biểu Quốc Hội Âu Châu, vì nhà cầm quyền CSVN vẫn tiếp tục đàn áp nhân quyền ngày càng trầm trọng. Trường hợp mới nhất là đã bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng vào ngày 21 Tháng Mười Một, 2019.
Hiệp Định EVFTA sẽ còn phải chờ Quốc Hội Âu Châu nhiệm kỳ 9 (2019-2024) xem xét thông qua vào khoảng Tháng Hai năm 2020. Nếu Hiệp định được thông qua thì sẽ có hiệu lực 2 tháng sau đó hoặc vào thời điểm do 2 bên thống nhất. Riêng Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư IPA sẽ cần phải có sự phê chuẩn của quốc hội 28 nước thành viên EU (27 nước sau Brexit.)
Trong suốt thời gian tiến hành đàm phán EVFTA giữa Việt Nam và EU, cộng đồng Người Việt tại Âu Châu và các Tổ chức NGO nhân quyền liên tục lên tiếng vận động hoãn lại việc thông qua EVFTA cho tới khi nào nhà cầm quyền CSVN ngưng đàn áp nhân quyền.