Bài phát biểu của Chủ Tịch Đảng Việt Tân trong buổi lễ trao Giải Nhân Quyền Lê Đình Lượng 2019 tại London

Chủ Tịch Đảng Việt Tân, ông Đỗ Hoàng Điềm phát biểu mở đầu buổi trao giải thưởng Lê Đình Lượng 2019 tại London. Ảnh: Việt Tân Anh Quốc
- Quảng Cáo -

Kính thưa quý vị,

Tôi muốn bắt đầu bằng câu chuyện về bố tôi. Năm 1945 khi bố tôi còn là một thanh niên 25 tuổi, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để giành độc lập bùng nổ. Cả nước ai nấy xả thân, lao mình vào cuộc kháng chiến chỉ vì ước mong được sống trong tự do, độc lập và bình đẳng. Không riêng gì bố tôi, bao nhiêu người bất kể giai cấp, bất kể giàu nghèo đều sẵn sàng hy sinh hết tất cả cho đất nước. Có thể nói đó là một giai đoạn cực kỳ khó khăn, đầy nguy hiểm nhưng lại là một dấu ấn tuyệt đẹp, cho thấy sự dấn thân không đắn đo, không tính toán vì hạnh phúc của toàn dân.

Vì chấp nhận hy sinh không đắn đo, như rất nhiều người khác lúc đó bố tôi tham gia kháng chiến dưới ngọn cờ của Việt Minh, một mặt trận liên kết do đảng Cộng Sản điều khiển. Và chỉ vài năm sau, lại cũng như bao nhiêu bạn thanh niên khác bố tôi đã nhìn thấy mặt trái của đảng Cộng Sản và đã phải từ bỏ hàng ngũ Việt Minh để tìm một con đường mới. Và cuộc đấu tranh lúc đó đã trở thành vừa chống thực dân Pháp một bên, vừa chống Cộng Sản vì sự tàn bạo và phi nhân của họ.

Ngày hôm nay 74 năm sau nhìn lại, đất nước Việt Nam của chúng ta ra sao? Ba phần tư thế kỷ đã trôi qua nhưng những vấn đề của xã hội và của người dân Việt so với trước như thế nào?

- Quảng Cáo -

Nếu nhìn từ góc cạnh vật chất thì có lẽ nhiều người thấy rằng đất nước ta quả đã tiến nhiều lắm. Nào là đường cao tốc, nào là những chung cư cao cấp rất sang trọng, xe hơi mới chạy đầy đường ngày càng nhiều. Vào những dịp lễ hội lớn, người dân túa ra đi chơi, đi du lịch các nước chung quanh, ăn tiêu thoải mái, ai nấy vui vẻ. Hiển nhiên cuộc sống của người dân có thăng tiến, chính tôi cũng đã nhìn thấy tận mắt sự tăng trưởng trong đời sống và sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, chúng ta đang phải trả một giá rất đắt cho sự tăng trưởng này. Đội bóng đá Việt Nam vừa thắng Indonesia một cách oanh liệt để giành huy chương vàng, dĩ nhiên đây là điều hãnh diện nhưng chúng ta sẽ còn hãnh diện hơn nữa nếu không có 39 thanh niên, thiếu nữ Việt Nam đã phải bỏ mạng trong lúc đi chui vào nước Anh để tìm đời sống tốt đẹp hơn cho chính họ và cho gia đình. Đội bóng đá Indonesia tuy thua nhưng chưa bao giờ nghe thấy 39 thanh niên, thiếu nữ Indonesia phải bỏ mạng vì không sống nổi trên đất nước của họ. 39 mạng người là cái giá quá đắt cho sự tăng trưởng không đồng đều trên đất nước, có nơi thì quá sung sướng nhưng có nơi như Nghệ An thì cả làng chỉ còn người già vì hầu hết người trẻ đã phải bỏ xứ tìm đường nuôi gia đình.

Mới cách đây một tuần, 63 người lính Việt Nam được Liên Hiệp Quốc vinh danh vì đã cống hiến rất nhiều cho nỗ lực giữ gìn hòa bình tại Nam Sudan ở Châu Phi. Đây là một biểu hiện của sự tăng tiến uy tín đất nước đối với quốc tế, thế nhưng cũng chính Việt Nam đã không bảo vệ nổi biển đảo, không bảo vệ nổi ngư dân của mình trước những hành động cưỡng chiếm phi lý của Trung Quốc. Có phải chăng đó là cái giá phải trả để tiền đầu tư của Trung Quốc đổ vào Việt Nam và nhờ đó những người lãnh đạo đất nước có thêm cơ hội vơ vét bỏ vào túi riêng của họ. Có phải chăng cái giá phải trả cho “tình hữu nghị 16 chữ vàng” với đảng Cộng sản Tàu là những bắt bớ, những bản án dành cho nhiều người đã cả gan tham gia cuộc biểu tình chống dự luật đặc khu vào tháng 6 năm 2018.

Và cũng mới đây nhà nước Việt Nam công bố số khách du lịch đến Việt Nam đã tăng vọt trong 5 năm qua và hiện đứng ở mức kỷ lục. Đây là điều đáng mừng vì cho thấy đối với thế giới Việt Nam là một nơi hấp dẫn để đến thăm và vui chơi.

Nhưng bên cạnh những khu du lịch sang trọng, những khách sạn 5 sao thì đời sống hằng ngày của người dân ra sao? Nào là vụ nước bẩn tại Hà Nội, công ty Formosa dùng chất thải độc san lấp đất tại Hà Tĩnh, ô nhiễm môi trường trầm trọng tại Bình Phước cả chục năm qua vì cơ sở sản xuất phân bón thải rác trái phép v.v. Có phải chăng cái giá phải trả cho sự tăng trưởng là phẩm chất đời sống của người dân xuống cấp, nhà nước không buồn giải quyết cũng lại vì đụng chạm đến quyền lợi của quan chức, vì giới trách nhiệm đã được chung tiền đầy đủ để làm ngơ.

Kính thưa quý vị,

Nếu so với 74 năm trước thì chúng ta thật sự có độc lập hay không khi mọi việc từ kinh tế đến chủ quyền đất nước đều bị Trung Quốc chi phối và thậm chí thản nhiên chiếm đoạt. Người dân có tự do hay không khi lúc nào cũng bị công an, quan chức nhà nước vòi tiền và đe dọa nếu cưỡng lại ý muốn của họ. Chúng ta nghĩ sao khi một chị tiểu thương tại Đà Nẵng đằng đẵng từ nhiều năm qua bỏ tiền túi để phát cơm cho người nghèo, để lo đám tang cho những gia đình không đủ sức tự lo cho người thân để rồi bị công an địa phương hạch sách, cấm đoán vì không chịu xin phép. Tôi đã không thể nén được sự phẫn uất khi nói chuyện với chị, nhìn thấy cảnh những người nghèo bị công an đe dọa khi đứng chờ được phát cơm.

Ba phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ mùa thu 1945 khi cả nước kháng chiến chống thực dân nhưng nhiều vấn đề của xã hội ngày hôm nay vẫn còn nguyên như vậy. Vẫn là sự không công bằng khi có một giai cấp mới cực kỳ giàu nhờ tham nhũng, nhờ ăn cắp trong khi bao nhiêu người dân phải lao động cực khổ, phải bỏ xứ và bỏ cả mạng sống để kiếm miếng ăn. Nếu 74 năm trước giai cấp giàu sang đó là những thực dân da trắng từ nước ngoài, thì ngày hôm nay giai cấp giàu sang lại chính là những quan chức Cộng Sản, những người đang cầm quyền và con cháu của họ.

Ngày hôm nay tuy đất nước có tiến về mặt vật chất nhưng những giá trị về con người, về đạo đức, công lý và bình đẳng thì lại không tiến được bao nhiêu. Cũng cách đây 74 năm khi cuộc Đại Chiến Thế Giới chấm dứt vào năm 1945 để lại sự hủy diệt kinh hoàng cho nhân loại, Liên Hiệp Quốc đã quyết định soạn thảo một văn kiện bảo đảm nhân quyền cho tất mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Bản văn đó trở thành Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền khi được chính thức công bố vào ngày 10 tháng 12 năm 1948.

Kể từ đó đến nay, ngày 10 tháng 12 mỗi năm là ngày nhắc nhở nhân loại những quyền hạn bất khả xâm phạm của con người, và những khổ đau có thể xảy ra nếu nhân quyền không được tôn trọng. Riêng đối với dân tộc Việt Nam, đấy chính là điều chúng ta phải nói đến trong Ngày Quốc Tế Nhân Quyền vì ngày hôm nay quyền làm người của dân tộc Việt Nam vẫn không được tôn trọng. Điều đau đớn hơn nữa là nhân quyền của người Việt không bị xâm phạm vì ngoại xâm mà bởi chính những người cũng mang dòng máu Việt với danh xưng là đảng Cộng Sản.

Đáng lo hơn nữa là nhân quyền của dân tộc Việt Nam vốn dĩ đã bị xâm phạm trầm trọng từ mấy chục năm qua thì nay lại bị chà đạp nặng nề hơn bao giờ hết. Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, số người đang ở trong tù vì những bất đồng với chính quyền từ lãnh vực xã hội, đời sống đến cả lãnh vực chính trị đang ở mức kỷ lục trong vòng 20 năm qua. Chính vì vậy mà đảng Việt Tân đã quyết định thành lập Giải Nhân Quyền Lê Đình Lượng nhằm hai mục đích. Thứ nhất là để soi rọi trước dư luận tình trạng nhân quyền của người Việt Nam đang bị nhà cầm quyền Cộng Sản xâm phạm trầm trọng. Và thứ hai là để vinh danh những nỗ lực tranh đấu nhằm mục đích bảo vệ quyền làm người, góp phần phục vụ quyền lợi của người dân và xây dựng một xã hội tốt đẹp cho dân tộc.

Giải thưởng này mang tên Lê Đình Lượng vì ông là một người đang chịu án 20 năm tù vì những hoạt động của ông nhằm bảo vệ quyền làm người của dân tộc, bảo vệ môi sinh và quyền lợi của bà con tại tỉnh Nghệ An là nơi ông sống.

Giải thưởng này mang tên ông vì điều ông đã làm và vẫn đang ấm ủ chính là ước nguyện của đảng Việt Tân khi chọn con đường đấu tranh cho quyền lợi và đời sống của người dân Việt Nam. Và sau cùng, qua giải thưởng này, chúng tôi mọi đảng viên Việt Tân cùng với Chiến hữu Lê Đình Lượng muốn khẳng định quyết tâm của chúng tôi là luôn luôn phục vụ dân tộc, luôn luôn theo đuổi lý tưởng xây dựng một xã hội bình đẳng, tự do và thái hòa cho đất nước Việt Nam thân yêu.

Trân trọng kính chào quý vị.

Đỗ Hoàng Điềm
15/12/2019

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here