Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Ngày 25 tháng Mười Một vừa qua, Quốc Hội CSVN đã thông qua “luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.” Cụ thể đó là điều 12 về trường hợp miễn thị thực cho người nước ngoài đến Việt Nam. Theo đó, sẽ miễn thị thực (visa) cho người nước ngoài tới “các khu kinh tế đặc biệt trên biển” thời hạn tạm trú trong 30 ngày. Dĩ nhiên ai cũng hiểu, sau 30 ngày sẽ biến thành gia hạn… vô thời hạn. Khu nào là khu kinh tế đặc biệt được hưởng quy chế miễn visa 30 ngày sẽ do chính phủ ấn định.
Trá hình thứ nhất, qua sửa đổi này, 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đang cấp tốc xây dựng, được đảng CSVN âm thầm đổi tên thành “khu kinh tế đặc biệt trên biển”. Tưởng cũng nên nhắc lại, vào đầu tháng Sáu năm 2018, CSVN rục rịch đưa Dự luật “Đơn vị hành chánh kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc” ra trước Quốc Hội để được thông qua. Nhưng vấp phải sự chống đối quyết liệt của đông đảo dư luận quần chúng, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sáng ngày 9 tháng Sáu phải tuyên bố lùi lại thời gian thông qua “sang kỳ họp thứ 6”; nhưng thực ra chính phủ (của Phúc) chưa bao giờ dám đưa ra.
Ngày 10 tháng Sáu, 2018, trên toàn quốc bùng nổ những cuộc biểu tình rầm rộ chống Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng mà sự bắt bớ, đàn áp khốc liệt của chính quyền cộng sản còn kéo dài tới ngày nay. Cụ thể, trong vòng 3 ngày 26 đến 28 tháng Mười Một, 2019 có ít nhất 9 người dân yêu nước đã bị đưa ra toà tuyên án tổng cộng 47 năm tù theo điều 117 Bộ Luật Hình Sự 2015 (làm, tàng trữ, phát tán tài liệu chống nhà nước)! Có bao giờ nhà cầm quyền cộng sản tự hỏi tại sao ngày càng nhiều công dân của mình lên tiếng chống lại nhà nước đến thế?
Quả banh biểu quyết đã lọt lưới êm thắm với 404 phiếu tán thành trên 446 đại biểu hiện diện. Dĩ nhiên kết quả của sự trá hình này đem lại lợi ích to lớn cho Trung Cộng và tay sai Việt Cộng: không cần luật hoá Dự luật “Đơn vị hành chánh kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc” mà cũng vô hiệu hoá được sự chống đối của quần chúng yêu nước.
Trá hình thứ hai, nói “miễn thị thực cho người nước ngoài” thật ra là cách công khai nhân danh nước chủ nhà mở cửa cho Trung Cộng nhảy vào tiếp quản các “khu kinh tế đặc biệt trên biển”. Đây là những điểm kết nối với kế hoạch “Một Vành Đai, Một Con Đường” trong chiến lược bao vây kinh tế và quân sự các nước Tây phương. Đồng thời là căn cứ tiếp liệu cho cuộc chiến tranh xâm lăng trên đất liền và trên Biển Đông mà Trung Cộng dự kiến phải xảy ra. Điều này Trung Cộng và Việt Cộng không thể làm được trong năm 2018 bằng cách cho Quốc Hội thông qua thành luật, dù có sự tiếp tay đắc lực của tay sai trong đảng CSVN.
Người dân Việt Nam đều biết và thấy điều này vì sẽ chẳng có người nước ngoài nào khác Trung Cộng sẽ độc chiếm đất đai, nhà máy, dự án, bến cảng, kho tàng và người của Trung Cộng sẽ tràn ngập hợp pháp lẫn bất hợp pháp trong lãnh thổ những khu kinh tế ven biển này, trong đó trước hết là Vân Đồn rồi Phú Quốc. Vậy nếu nói nó “không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” như nhà nước biện giải, có phải chính phủ Việt Nam cộng sản coi đây không còn là lãnh thổ quốc gia?
Tình hình hiện nay cho thấy đảng CSVN qua Bộ Giao Thông Vận Tải đang có những âm mưu nối liền nội địa Trung Cộng và cảng Hải Phòng núp dưới “tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng” giá 100 ngàn tỷ VND và còn có thể cao hơn. Đây là một tuyến đường sắt xét ra chẳng có lợi ích kinh tế nào cho các tỉnh biên giới Việt Nam mà trước hết nó được dùng làm con đường huyết mạch kinh tế lẫn quân sự tốt nhất cho các tỉnh phía nam Trung Cộng. Đạt được điều này kết hợp với ưu đãi miễn visa, Trung Cộng đi một bước dài trong việc xích hoá Việt Nam thành khu tự trị thứ sáu* một cách êm thấm.
Trá hình thứ ba, một khi dự luật đặc khu kinh tế biến tướng thành “khu kinh tế ven biển” để tránh búa rìu dư luận, thì nội dung của “Luật đơn vị hành chánh kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong” không thấy nói tới chuyện thay đổi. Điều 32 trong văn bản của luật này quy định việc quản lý và sử dụng đất đai tại đặc khu cho phép chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất không quá 70 năm; trong trường hợp đặc biệt có thể dài hơn nhưng “không quá 99 năm” do thủ tướng chính phủ quyết định. Thời hạn 99 năm là điểm gây nhiều phản ứng mạnh mẽ nhất trong các cuộc biều tình chống Luật Đặc khu trong tháng Sáu năm 2018. Như vậy trong tương lai với “Khu kinh tế ven biển” trá hình, không nhân dân nào có thể ngăn chặn một chữ ký cho các tập đoàn Trung Cộng thuê đất với thời hạn ưu đãi 99 năm có lý do chính đáng. Hết 99 năm này gia hạn 99 năm khác, như lá bùa nô lệ trong tâm thức đảng CSVN.
Tóm lại, câu chuyện trá hình cho thấy nhà nước toàn trị hiện nay không bao giờ từ bỏ vai trò tay sai trung thành của Bắc Kinh và sẵn sàng sử dụng mọi thủ đoạn để lường gạt người dân. Rõ ràng, đảng CSVN là tai họa lớn nhất của dân tộc.
Phạm Nhật Bình
—
Chú thích:
* Hiện nước CHND Trung Hoa có 5 khu tự trị, đó là:
– Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây;
– Khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ Tân Cương;
– Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ;
– Khu tự trị Nội Mông; và
– Khu tự trị Tây Tạng.
—