Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Tại Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” ngày 16 tháng Mười Một, Nguyễn Xuân Phúc, Thủ Tướng CSVN phát biểu: “Việt Nam thiếu cả thầy chứ không chỉ thừa thầy thiếu thợ”. Có thể hiểu ông muốn nói Việt Nam hiện nay thiếu cả thầy lẫn thợ.
Một câu nói mà mới nghe qua cũng khá “độc” vì nó đúng với thực trạng nhân sự lao động nước nhà. Thật ra, đây chỉ là câu nói lặp lại từ nhận định của người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng trong Đại hội đoàn toàn quốc lần thứ 10 vào ngày 14 tháng Mười Hai, 2012. Như vậy thì từ năm 2012 đến nay đã trôi qua 8 năm, tình trạng thiếu thầy, thiếu thợ chẳng có gì thay đổi.
Bộ phận nào chịu trách nhiệm thực trạng bi đát này?
Chắc chắn phải là bộ máy giáo dục và đào tạo. Nói cách khác, từ nhiều thập niên qua trên có Ban Tuyên Giáo, dưới có Bộ Giáo Dục-Đào Tạo và Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã hội là những cơ quan chỉ đạo và thực hiện nền giáo dục Việt Nam. Họ đã làm gì với ngân sách hàng ngàn tỷ trong việc giáo dục và đào tạo mà ngày nay ra đến nỗi như vậy?
Kinh nghiệm cho thấy, một quốc gia muốn cất cánh từ tình trạng chậm tiến như Việt Nam lên tình trạng phát triển phải cần ít nhất 30 năm thực thi chính sách canh tân. Như Nhật Bản dù đã nắm bắt cơ hội canh tân đất nước lần thứ nhất từ thời Minh Trị Thiên Hoàng, vẫn tiếp tục thay đổi lần thứ hai từ 1945 đến 1975 để đứng đầu Châu Á như ngày nay. Hay hai quốc gia Nam Hàn và Đài Loan đã trải qua giai đoạn từ 1963 đến 1995 để tiến lên văn minh, phồn thịnh. Trường hợp Singapore, dù mới lập quốc từ năm 1965, cũng đã bỏ ra 30 năm, từ 1975 đến 2005 để nhanh chóng trở thành một trong những con rồng Châu Á.
Trong 30 năm này, chính sách canh tân của ba nước ấy không chỉ là lời nói suông mà cả hệ thống Chính Quyền – Doanh Nghiệp – Xã Hội gắn bó với nhau, trong đó Giáo Dục và Đào Tạo giữ vai trò chính yếu. Hay nói cách khác đối với các chính phủ ấy, canh tân đất nước là một chiến lược phát triển liên tục, lâu dài, từ học tập đến thực hành và sáng tạo.
Về mặt chính quyền ngoài việc ấn định một chính sách sáng suốt, lâu dài phù hợp với quốc gia, còn có trách vụ thiết lập ra bộ máy để tạo một sân chơi tự do và bình đẳng cho mọi thành phần. Doanh nghiệp tư nhân lẫn nhà nước cùng nhau thi thố tài năng, điều khiển đội ngũ kỹ thuật chinh phục công nghệ mới để phát triển tối đa ngành nghề của mình. Trong lúc đó, bộ máy giáo dục của nhà nước đóng vai trò then chốt, góp phần đào tạo những con người có tay nghề vững chắc của một người thợ. Đồng thời cũng đào tạo thành phần tinh hoa nhất, kiến thức nhất trở thành thầy mà nhiệm vụ là tiếp tục đào tạo lớp kế thừa. Nhưng quan trọng hơn hết, chính quyền cho họ thấy được trách nhiệm, vai trò và niềm hãnh diện của mỗi người trong việc điều hướng công cuộc canh tân đi đến mục đích đề ra.
Những quốc gia Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore trở thành những con rồng Châu Á không phải nhờ vào phép lạ nào chính là nhờ vào một chính quyền sáng suốt đã liên kết chặt chẽ và hiệu quả giữa Doanh nghiệp và Xã hội, đề cao giáo dục, đã đào tạo một thế hệ Thầy – Thợ rõ ràng về phẩm chất cũng như về số lượng. Thành phần Thầy – Thợ này được định hướng để hiểu biết trách nhiệm với đất nước và gắn bó nhau nên đã đi đến thành công.
Tại Việt Nam sau năm 1975, mặc dù thừa hưởng một nền giáo dục Tây phương đặt trên nền tảng Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng cùng với biết bao cơ sở vật chất tương đối hiện đại, nhưng tất cả bị xoá bỏ và đồng hoá vào giáo dục xã hội chủ nghĩa “ưu việt hơn”. Trong hơn 40 năm, Việt Nam đã bỏ lở cơ hội đi theo con đường khai phá của các quốc gia nói trên. Cũng vì thế mà đến nỗi 30 năm sau “thời kỳ đổi mới”, ông thủ tướng chính phủ phải than rằng Việt Nam đang thiếu cả thầy lẫn thợ. Thì ra, thời kỳ đổi mới của những người cộng sản sau năm 1986 chỉ là “đổi mới túi tiền cán bộ”.
Vậy thử hỏi trong hơn 30 năm qua, đảng cũng như chính phủ CSVN đã điều hành đất nước ra sao mà để thiếu cả thầy lẫn thợ?
Nhà cầm quyền CSVN đã đưa hàng trăm ngàn người trẻ đi du học tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc Châu cũng như đưa hàng triệu thanh niên đi học nghề tại nhiều quốc gia. Việt Nam lúc nào cũng rêu rao đến năm 2030 sẽ hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN. Thậm chí đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại tầm cỡ thế giới!… Thế nhưng, với tình trạng thầy thợ bết bát như trên thì những mục tiêu này chỉ để đảng ba hoa cho vui vì đó là những mục tiêu hoang tưởng giúp đảng tự trấn an sự tụt hậu mọi mặt của đất nước.
Hoá ra trong 30 năm qua, Việt Nam đưa hàng triệu thanh niên ra nước ngoài làm việc, học tập chỉ để thu về một tầng lớp lỡ thầy lỡ thợ, hay nói cách khác là không có thầy lẫn không có thợ cho đúng nghĩa.
Lý do quan trọng nhất là nhà cầm quyền CSVN đã không tạo ra một sân chơi tự do và bình đẳng cho tất cả mọi thành phần. Chính quyền thay vì tạo điều kiện thúc đẩy việc canh tân, lúc nào cũng nắm chặt quyền kiểm soát tư tưởng và chính trị sao cho đúng đường lối chủ nghĩa Mác-Lê. Vì thế chuyên viên Việt Nam có tài khắp thế giới không ai muốn về đóng góp. Ngay cả những người trong nước cũng ngần ngại trong vị trí thấp kém so với giai cấp đảng viên giữ quyền chỉ huy. Sự tai hại của thể chế độc tài quyền lực là ở chỗ này.
Về phương diện kinh tế, chủ trương của đảng luôn luôn coi kinh tế nhà nước là chính, được diễn tả bằng cụm từ “quốc doanh là chủ đạo”. Ngân sách quốc gia dành ưu đãi cho quốc doanh, còn doanh nghiệp tư nhân thì miệng nhà nước tuy nói quan tâm và đề cao nhưng chỉ là sự quan tâm suông. Mặt khác sự thu hút đầu tư ngoại quốc tuy dễ dàng và nhiều trong thời gian qua, nhưng không chú trọng phát triển đất nước mà chỉ nuôi dưỡng kinh tế quốc doanh và tiêu xài hoang phí.
Kết quả của chủ trương này là hàng loạt tổng công ty nhà nước sụp đổ trong những năm 2010 trong đó có Vinashin mất trắng hơn 4 tỷ đô-la. Cho đến hôm nay vẫn còn 12 đại công ty nhà nước được đầu tư hàng trăm triệu đô-la vẫn đang trong tình trạng lỗ nặng, đình trệ sản xuất hay hoạt động cầm chừng và tiếp tục báo cáo lỗ nặng.
Về phương diện giáo dục, đào tạo thì trước sau như một đảng vẫn cương quyết theo con đường “hồng hơn chuyên”, được hiểu thà có một cán bộ trung thành với đảng mà dốt còn hơn một chuyên viên nắm được công nghệ tiên tiến mà từ chối bị nhuộm đỏ.
Từ tư duy đó, việc chọn người làm việc cũng theo đúng quy trình, quy định của đảng. Cán bộ được sàng lọc qua nhiều tầng nấc phải nắm vững tư tưởng Mác-Lê và kiên định lập trường xã hội chủ nghĩa, không màng gì đến học thuật, nghiên cứu. Xây dựng chính phủ kiến tạo, tiến vào cách mạng 4.0 như ông Phúc thường xuyên tuyên bố trong một đất nước thầy không ra thầy, thợ không ra thợ như Việt Nam quả thật chỉ ba hoa cho sướng miệng.
Tóm lại, với hệ thống quản trị đất nước theo lề lối độc tài đảng trị như hiện nay, Việt Nam vẫn tiếp tục thiếu cả Thầy lẫn Thợ là điều không làm ai ngạc nhiên. Rõ ràng chế độ này không cho phép bất cứ ai giỏi hơn hay qua mặt bộ máy hành chánh quan liêu, nhũng lạm của đảng.
Phạm Nhật Bình