Tự thân “thủ tướng” đã đủ nghĩa khi muốn đề cập đến người đứng đầu chính phủ song dường như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam sợ công chúng… nhầm lẫn, rằng “thủ tướng” có thể chỉ là người đứng đầu một nhóm “trời ơi, đất hỡi” nào đó, thành ra mới đem “thủ tướng” gắn vào chính phủ, tạo thành “thủ tướng chính phủ”. “Thủ tướng chính phủ” tuy ngô nghê, ngớ ngẩn nhưng thực tế cho thấy hoàn toàn không thừa…
***
Chưa thấy ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, lên tiếng về sự kiện Công ty Thu phí tự động đường bộ (VETC) – thành viên của Tasco, công ty là chủ đầu tư nhiều dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT tại Việt Nam – xin rút khỏi “Dự án thu phí tự động không dừng”. Cho đến giờ này, mới chỉ có Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lên tiếng. Theo đó, VETC không được rút lui và phải tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký với Bộ GTVT (1).
“Dự án thu phí tự động không dừng” được Bộ GTVT giao cho VETC thực hiện cách nay năm năm. Mục tiêu là lắp đặt hệ thống thu phí tự động (ETC) tại các trạm thu phí cho những dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT trên toàn quốc. ETC từng được giới thiệu như giải pháp tối ưu để kiểm soát doanh thu của giới đầu tư, buộc giới này thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ tài chính, đồng thời giảm tối đa tình trạng xe cộ ùn ứ trước các trạm thu phí, loại bỏ việc tạo ra – khai thác tình huống này để phản kháng…
Tuy mục tiêu hết sức… cao đẹp nhưng từ 2014 đến nay, việc thực hiện “Dự án thu phí tự động không dừng” giống như dùng… dây thun. Kế hoạch ban đầu: Đến tháng 5 năm ngoái phải thực hiện thu phí tự động tại 27 trạm thu phí BOT… vỡ vụn. Do thu phí cho các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT càng ngày càng nóng vì đủ thứ vấn nạn, tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam ban hành một “tối hậu thư”, khẳng định, đến 1/1/2020, trạm thu phí nào không dùng ETC sẽ phải ngưng hoạt động (2).
Để minh họa cho quyết tâm của Thủ tướng nói riêng và chính phủ Việt Nam nói chung, Tổng cục Đường bộ từng loan báo quyết định, buộc bốn trạm thu phí BOT đặt trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14, tạm ngưng hoạt động cho đến khi hoàn tất các thủ tục cần thiết để tham gia “Dự án thu phí tự động không dừng”. Giới đầu tư vào các công trình giao thông theo hình thức BOT phản đối dữ dội, cuối cùng, Bộ GTVT phải ra lệnh cho Tổng cục Đường bộ rút lại quyết định vừa kể (3)!
Việc thực hiện “Dự án thu phí tự động không dừng” không chỉ gặp trở ngại từ phía đầu tư vào các công trình giao thông theo hình thức BOT mà còn có nguy cơ bị VETC – doanh nghiệp được Bộ GTVT chọn làm nhà đầu tư cho chính dự án này – bóp chết. Từ nay đến 1/1/2020 chỉ còn sáu tuần nhưng VETC quyết định bỏ cuộc. Chỉ trong vòng một tháng (từ trung tuần tháng 10 đến trung tuần tháng 11), VETC xin bỏ cuộc hai lần để giao dự án cho nhà đầu tư khác hoặc giao lại dự án cho… chính phủ.
“Nguyện vọng” của VETC làm cả chính phủ lẫn Thủ tướng mắc… kẹt. Sẽ rất khó có khả năng các trạm thu phí BOT trên toàn quốc ngưng hoạt động vào ngày 1/1/2020 chỉ vì chưa lắp đặt ETC. Còn nếu để các trạm này tiếp tục sử dụng nhân viên thu phí sau ngày 1/1/2020 thì khác gì Thủ tướng và chính phủ… chứng minh, chỉ đạo là thứ vui miệng thì tuyên bố, vui tay thì ký – ban hành và không có hiệu lực thì… thôi. Chính phủ giống như một… tổ tự quản, Thủ tướng – người đứng đầu chính phủ không quản được thì… lờ!
***
Tại sao VETC tha thiết xin… nhả “Dự án thu phí tự động không dừng”? Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG), năm năm vừa qua, VETC đã bỏ ra 2.030 tỉ và tính đến cuối tháng 9 vừa qua, do doanh thu quá thấp, chỉ đạt 10% so với mức dự kiến, VETC đã nhận về khoản… lỗ lũy kế khoảng 300 tỉ. Đó là lý do cổ đông của VETC không tán thành việc theo đuổi dự án vì cứ như thế VETC sẽ phá sản, nên VETC khăng khăng xin bỏ cuộc.
Tại sao Bộ GTVT – cơ quan thay mặt chính phủ giám sát, đôn đốc việc thực hiện “Dự án thu phí tự động không dừng” – không thể ép giới đầu tư vào các công trình giao thông theo hình thức BOT phải tích cực tham gia “Dự án thu phí tự động không dừng”, để họ chây ì trong việc lắp đặt ETC?
Câu trả lời là vì “Dự án thu phí tự động không dừng” có quá nhiều điểm bất hợp lý mà Bộ GTVT ú ớ, không thể giải thích: Tại sao giới chủ các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT đã tự mua sắm, lắp đặt ETC, VETC chỉ “thu giùm” mà hưởng phí… kết nối từ 0,6% đến 3% tổng doanh thu? Còn nếu giới chủ các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT để VETC “bao” mua sắm, lắp đặt ETC thì VETC có quyền hưởng từ 5% đến 7% tổng doanh thu, vì sao cho VETC “ăn dày” như thế?
TBKTSG cũng đã thử khảo sát xem vì sao chủ các phương tiện giao thông không mặn mòi với việc tham gia “Dự án thu phí tự động không dừng”. Chủ một doanh nghiệp vận tải giải thích, doanh nghiệp của ông có 30 xe vận tải, mỗi ngày khoản tiền phải trả cho phí đường bộ có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Cho dù mục tiêu của dự án… cao đẹp nhưng ủng hộ thì tốn kém và chuốc thêm đủ thứ phiền hà: Phải mua thiết bị (khoảng 2,5 triệu/bộ), phải ứng tiền nạp trước, nếu chuyển khoản cho tiện thì phải trả thêm phí (4)…
Những tình tiết như vừa kể làm bật ra một thắc mắc nơi nhiều người: Nếu Thủ tướng và chính phủ Việt Nam xem “Dự án thu phí tự động không dừng” là quan trọng, tại sao lại chọn VETC mà từ khả năng quản trị – điều hành dự án, đến công nghệ – kế hoạch thực thi kỳ quái như thế? Chưa kể theo báo chí Việt Nam, VETC còn thiếu cả năng lực tài chính: Dự án buộc nhà đầu tư phải có vốn riêng ít nhất là 277 tỉ nhưng sau bốn năm thực hiện, đến cuối năm ngoái, VETC chỉ gom được… 129 tỉ nhưng vẫn trở thành… nhà đầu tư (5)!
Hóa ra, giống như nhiều nhà đầu tư vào các công trình giao thông theo hình thức BOT, VETC cũng… “mượn đầu heo nấu cháo” và cũng giống như vô số công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT, Bộ GTVT không tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư thực hiện “Dự án thu phí tự động không dừng” mà… chỉ định VETC làm… nhà đầu tư!
Cần lưu ý, có thể vì “tình cảm” giữa VETC, Tasco với một số viên chức hữu trách cả ở Bộ GTVT lẫn chính phủ rất… sâu đậm nên khi xin… nhả “Dự án thu phí tự động không dừng”, VETC có thỏ thẻ thế này: Nếu Bộ GTVT không đồng ý cho VETC bỏ ngang thì VETC đề nghị chính phủ… chia sẻ rủi ro, bù đắp phần thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng mà VETC đã ký với Bộ GTVT!
Đề nghị vừa đề cập tuy… khiếm nhã nhưng hoàn toàn có thể sẽ được chấp nhận như chính phủ đã từng nhất trí cao với đề nghị dùng công quỹ cứu nhiều nhà đầu tư vào các công trình giao thông theo hình thức BOT để các ngân hàng đã dốc túi cho những nhà đầu tư này vay không phá sản, không để xảy ra chết… chùm! Điều tra – làm rõ – xử lý những sai phạm mà Thanh tra, Kiểm toán từng công bố về BOT không quan trọng bằng không để ai… chết! “Thủy chung” và “nhân đạo” đến thế là… cùng!
***
Giống như những câu chuyện về các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT, câu chuyện về “Dự án thu phí tự động không dừng” góp thêm ví dụ minh họa, về bản chất, chính phủ ta giống như một… tổ tự quản và Thủ tướng ta giống như người đứng đầu một… tổ tự quản. Đã là… tổ tự quản thì tất nhiên sẽ có những hạn chế mà dù muốn hay không, nhân dân ta cần phải chấp nhận. Đừng so sánh với chính phủ của các quốc gia khác vì dựa vào đó để đòi hỏi một tổ tự quản phải thế này, thế kia là… thái quá!
Chú thích
(1) https://www.thesaigontimes.vn/296925/Bo-GTVT-khong-dong-y-cho-VETC-dung-du-an-thu-phi-tu-dong.html
(5) https://www.thesaigontimes.vn/273236/thu-phi-khong-dung-nhieu-lan-vo-muc-tieu.html