Những cái vòi hút ngân sách

Bộ Trưởng Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội Đào Ngọc Dung trong một buổi thảo luận tại quốc hội 18/11/2019, đã tiết lộ: “Hầu hết các bộ, ngay ở bộ tôi, có đến 90% thứ trưởng trước khi về hưu đều đề nghị cho thành lập hội và đều xung phong nhận nhiệm vụ làm chủ tịch một hội.” Ảnh: Vĩnh Long Online
- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân

Ngày 18 tháng Mười Một, Bộ Trưởng Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Xội Đào Ngọc Dung trong một buổi thảo luận tại quốc hội, đã tiết lộ một chuyện khá thú vị.

“Hầu hết các bộ, ngay ở bộ tôi, có đến 90% thứ trưởng trước khi về hưu đều đề nghị cho thành lập hội và đều xung phong nhận nhiệm vụ làm chủ tịch một hội”. Ông Dung đã nói.

Nói thú vị nhưng thật sự người dân cảm thấy rất chua chát và phải đặt câu hỏi rằng đàng sau hành động này là gì. Bởi vì số thứ trưởng các bộ trong chính phủ Việt Nam thường là con số kỷ lục hiếm có, có bộ hiện diện tới 9 thứ trưởng như Bộ Tài Chính hay 7 vị của Bộ Xây Dựng theo số liệu năm 2013. Nay cái số đông trong họ sau thời gian làm đày tớ dân, bây giờ còn muốn tiếp tục phục vụ trong một môi trường khác, thật là một điều đáng quý của các công bộc. Nhưng có thật vậy không?

- Quảng Cáo -

Trước hết, thông thường cứ mỗi hội do các thứ trưởng về hưu lập ra tuy chưa biết tên là hội gì, nhưng các ông ấy buộc phải có tiền để chi tiêu lúc ban đầu, trong lúc tiến hành việc thành lập. Tiền này dĩ nhiên các chủ tịch hội tương lai không phải bỏ ra, chắc chắn họ sẽ xin ngân sách quốc gia hỗ trợ và biết trước nhà nước không bao giờ từ chối.

Kế đến mặc dù nhà nước không có luật về hội, nhưng hội hè của các thứ trưởng nhân danh công ích sẽ chiếm dụng một số đất đai để xây trụ sở, trước khi đi vào hoạt động. Chẳng những vậy những phần “đất chùa” được nhà nước cấp, sau này còn có thể làm trò mánh mung sang nhượng, buôn bán thủ lợi riêng. Nhưng lý do vì sao các thứ trưởng về hưu lại đua nhau xin lập hội, thì Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung không giải thích.

Nhưng ông bộ trưởng đã ta thán như sau “Khi xin họ đều nói tự nguyện, tự quản, tự cung tự cấp… nhưng không có hội nào tự chủ, tự quản hết. Hội nào cũng bám vào trụ sở, có trụ sở chính, có trụ sở phụ…” Thực trạng này nếu không do người trong cuộc nói ra thì cũng không ai tin. Nó cho thấy sự lạm dụng trơ trẽn của cả một hệ thống chính quyền bất lực nhưng sẵn sàng làm mọi thứ để phá hại đất nước.

Thêm nữa, các hội thì mọc ra như nấm mùa mưa, tiêu rất nhiều tiền công quỹ nhưng hoạt động ra sao thì không ai biết. Chẳng hạn, Bộ Lao Động-TB và XH có tới 38 thứ hội, đã hút biết bao thứ quỹ của nhà nước nói là giúp cho xã hội, cho người nghèo. Nhưng thực ra họ hoạt động ra sao và có mang lại hiệu quả thiết thực nào đối với người dân hay không thì không ai biết.

Sự kiện này cho người ta thấy:

Trước hết, đảng CSVN rất sợ dân chúng lập hội nên lâu nay tìm đủ mọi cách, mọi lý do để ngăn chặn không cho luật về hội ra đời. Cho tới bây giờ chính quyền cộng sản vẫn chưa thấy quyền lập hội của người dân mang lại lợi ích to lớn thế nào đối với chính quyền. Nó chính là chiếc cầu nối đem nhân dân gần lại chính quyền và ngược lại, giúp chính quyền thấu triệt nguyện vọng nhân dân để hành động xứng đáng với trách vụ của nhà cai trị. Mà khi không có chiếc cầu nối ấy thì giữa nhân dân và chính quyền chẳng bao giờ có sự đồng thuận như mong muốn, đôi khi còn trở nên thù địch trong các chế độ độc tài.

Ở Việt Nam tổ chức xã hội dân sự bị đảng loại trừ, vì lo sợ rằng những tổ chức này có thể làm suy yếu chế độ, ngoại trừ những tổ chức do chính quyền đứng sau lập ra và chỉ đạo hành động. Nhưng do sự đòi hỏi ngày càng mạnh mẽ của người dân, luật lập hội cũng được nói là đã được “dự thảo”, nhưng đang giao cho Bộ Công An có ý kiến phù hợp với tình hình an ninh chính trị đang bất lợi cho chế độ.

Vì thế mặc dù tự rêu rao là một “nhà nước pháp quyền”, nhưng luật lập hội trong suốt nhiều năm nay vẫn chỉ lấp ló trên bàn viết Bộ Công An. Nhưng sự ngăn chặn này chỉ đúng với người dân là trói tay họ, bởi lý do đảng không muốn ai xuống đường bày tỏ ý kiến về bất cứ vấn đề gì. Còn đối với cán bộ, khi có luật lập hội đàng hoàng, minh bạch thì những ông thứ trưởng sắp về quê “làm người tử tế” khó mà lập hội này hội nọ một cách tuỳ tiện để tạo thành một cái vòi hút ngân sách cũng tuỳ tiện luôn.

Kế đến, sự tuỳ tiện lập hội của các ông thứ trưởng cũng chính là chủ trương của đảng muốn ban phát quyền lợi cho cán bộ. Điều đó có nghĩa tiếp tục buộc chặt cuộc đời họ, dù có về hưu vẫn phải sống bám vào đảng để không chống lại đảng. Nói cách khác, cho lập hội tuỳ tiện, tràn lan đối với thành phần viên chức chính phủ là để tiếp tục nuôi một bọn phá hoại đất nước nhưng không chống đảng.

Nhưng điều quan trọng hơn hết là qua những hội vô tích sự này, chế độ độc tài chuẩn bị đối phó với các đoàn thể quần chúng trong tương lai. Một khi chế độ bị ép buộc phải chấp nhận quyền lập hội của người dân, sự tập họp của quần chúng trong các đoàn thể có tổ chức đặt dưới sự chỉ đạo các thành phần yêu nước ngoài đảng là một thách thức lớn cho chế độ độc tài. Lúc đó để đối phó với tình hình, không có gì tốt hơn để chính quyền sử dụng những “hội nhà” được nuôi dưỡng lâu nay biến chúng thành những mũi nhọn công phá các hội đoàn quần chúng.

Sau cùng, những phân tích nói trên cho thấy một cách rõ ràng là đảng CSVN thực sự không quan tâm gì đến quyền lợi chính trị và nhu cầu kết đoàn để xây dựng đất nước của người dân. Mà đảng chỉ cố tình duy trì cho một số cán bộ lúc về hưu có thể bám lấy hình thức đoàn thể do nhà nước quản lý để bòn rút tiền của, đất đai cho lợi ích riêng, đồng thời để phục vụ cho sự tồn tại của chế độ.

Phạm Nhật Bình

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here