Nếu không xảy đến cái tát tai rát mặt mang tên Hải Dương 8 mà kẻ cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa dành tặng cho “đảng em” ở Việt Nam, không biết đến bao giờ Nguyễn Phú Trọng và những đồng đảng mới chợt tỉnh ngộ để bắt đầu dò dẫm “giãn Trung” về kinh tế.
Vụ điều tra nhôm Trung Quốc là chủ trương của Bộ Chính Trị đảng?
Tháng Mười năm 2019 đã ghi nhận lần đầu tiên Tổng Cục Hải Quan Việt Nam mời các đặc vụ của Bộ An Ninh nội địa của Hoa Kỳ tham gia vào cuộc điều tra vụ 1.8 triệu tấn nhôm Trung Quốc đội lốt nhôm Việt Nam (trị giá đến $4.3 tỷ) và về thực chất là một ổ bạch tuộc khổng lồ, ngay tại Việt Nam.
Nhưng có phải chỉ riêng Tổng Cục Hải Quan Việt Nam dám quyết định cơ chế mời rất nhạy cảm chính trị đối nội lẫn nhạy cảm đu dây quốc tế trên?
Nếu căn cứ và “truyền thống” Việt Nam từng nhiều lần mời các đoàn cấp bộ của Hoa Kỳ và những đoàn thuộc nghị viện Mỹ sang thăm Việt Nam, thì vụ này phải do cấp Thường Trực Ban Bí Thư và “tập thể Bộ Chính Trị” chấp thuận.
Hẳn nhiên Tổng Cục Hải Quan đã phải xin ý kiến từ Bộ Chính Trị, hay xin ý kiến của đích thân “Tổng Tịch” Nguyễn Phú Trọng và được Trọng cho phép. Hoặc việc này là do chính chủ ý của Trọng yêu cầu, thì tổng cục này mới đủ can đảm mời các đặc vụ của Bộ An Ninh nội địa của Hoa Kỳ tham gia vào cuộc điều tra.
Trong cơ chế “đảng lãnh đạo toàn diện” và cấp dưới thường im như thóc mà chẳng dám động đậy chân tay trước khi có ý kiến của cấp trên như hiện thời, rất nhiều khả năng vụ mời và phối hợp điều tra trên thuộc về chủ ý của Bộ Chính Trị đảng, hoặc của Trọng.
Nó cũng có nghĩa là công tác điều tra hành vi gian lận thương mại của các doanh nghiệp Trung Quốc đã trở thành một chủ trương không công bố của đảng cầm quyền tại Việt Nam và được chỉ đạo triển khai cho các ngành liên quan như hải quan, công an, tài chính, công thương. Hành động này xuất hiện lần đầu tiên sau nhiều năm và sau cả một thời gian dài nền kinh tế Việt Nam gần như bị các cơ quan quản lý nhà nước bỏ mặc để các doanh nghiệp Trung Quốc tha hồ thao túng và lũng đoạn.
Hoặc còn hơn cả thế, chủ trương điều tra vụ 1.8 triệu tấn nhôm Trung Quốc đội lốt nhôm Việt Nam không chỉ mang tính an ninh kinh tế mà còn có hàm ý an ninh chính trị và an ninh đối ngoại.
Nó như một cú trả đũa gián tiếp của “đảng em” đối với “đảng anh” Trung Quốc sau nhiều tháng khu vực Bãi Tư Chính và vùng duyên hải của Việt Nam bị tàu Hải Dương 8 cùng nhiều tàu hộ vệ quần thảo như chốn vô chủ quyền, như một sự xúc phạm ghê gớm vào mặt giới quan chức Việt chưa đánh đã sợ đến “đái ra quần.”
Bởi cho tới nay, không loại trừ việc thế lực đứng sau doanh nghiệp Nhôm Toàn Cầu Việt Nam và hai ông chủ của nó, mang quốc tịch Úc nhưng có gốc Trung Quốc và chủ nhân của 1.8 triệu tấn nhôm – chính là chính phủ Trung Quốc.
Hành động điều tra vụ 1.8 triệu tấn nhôm Trung Quốc đội lốt nhôm Việt Nam đã cho thấy kể từ khi bị té lộn cổ bởi thói đu dây giữa Trung Quốc và Mỹ, giới chóp bu Việt Nam đang lờ mờ tỉnh ngộ và đang tìm cách thoát ly khỏi quỹ đạo nhền nhện của “đảng anh,” cùng lúc nhích thêm một chút về phía người Mỹ.
Trong khi chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Nguyễn Phú Trọng hay một quan chức được ông ta ủy quyền sẽ đi Washington để “nâng cấp đối tác chiến lược” với Mỹ, sự thật rất hiển nhiên là Hà Nội đang sợ hãi đến mất ngủ trước nguy cơ trở thành đối tượng sau Trung Quốc bị Trump thi hành đối sách chiến tranh thương mại, trong đó hai mặt hàng thép và nhôm của Việt Nam chắc chắn sẽ nằm hàng đầu trong sổ đen của Bộ Thương Mại và Bộ Tài Chính Mỹ.
Cần nhắc lại, trong vụ tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc” vào Tháng Mười Hai năm 2017, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã xác định rằng có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trong khi đó ở Việt Nam, một số chuyên gia độc lập đã cảnh báo về việc nhôm tấm Trung Quốc mượn đường Việt Nam sang Mỹ nhưng chính phủ và Bộ Công Thương Việt Nam không có hành động cứng rắn gì. Không những thế, còn có một lỗ hổng pháp lý mà dường như bộ này cố tình để lại cho Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam.
Cũng có nghĩa là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bao gồm cả giá trị hàng hóa thép và nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc, tức Việt Nam đã thông đồng với Trung Quốc để lừa người Mỹ. Đó chính là nguồn cơn khiến Trump và nhiều quan chức Mỹ giận dữ, để Trump thốt lên “Việt Nam là kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” đầy đe dọa.
Và đó cũng là nguồn cơn mà đã khiến giới chóp bu Việt Nam phát sốt và phải tìm nhiều cách, với thái độ ngày càng “chân thành,” hạn chế đòn đánh thương mại của Trump.
Một trong những cách né tránh trên là cho điều tra gấp rút vụ 1.8 triệu tấn nhôm Trung Quốc đội lốt nhôm Việt Nam. Và phô trương kết quả điều tra ban đầu như một cách kể công với Mỹ.
Hiện tượng “giãn Trung, gần Mỹ” trên là dấu hiệu thứ hai, cùng tính chất, xuất hiện trong thời gian hai tháng gần đây trong cùng lĩnh vực kinh tế.
Có “giãn Trung” bền vững?
Vào Tháng Chín năm 2019, Bộ Giao Thông Vận Tải đã phải hủy bỏ sơ tuyển đấu thầu dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam và ưu tiên cho các nhà thầu trong nước. Ngay trước đó, một bản kiến nghị được một số tổ chức xã hội dân sự và nhiều trí thức, người dân ký tên đòi công khai vụ việc này và loại các nhà thầu Trung Quốc khỏi dự án cao tốc Bắc Nam vì lo bị Trung Quốc lũng đoạn về quốc phòng và an ninh trong dự án này.
Vụ hủy bỏ trên nằm trong bối cảnh lần đầu tiên yếu tố an ninh quốc phòng được nhấn mạnh trong dự án có vốn đầu tư nước ngoài bởi chính một nghị quyết của Bộ Chính Trị đảng vào Tháng Tám năm 2019.
Mặc dù chẳng có báo đảng nào hé miệng, nhưng ai cũng hiểu rằng yếu tố nhạy cảm về an ninh quốc phòng trong dự án có yếu tố nước ngoài chính là Trung Quốc – quốc gia đã đầu tư rất nhiều vào hệ thống hạ tầng cơ sở của Việt Nam và biến nơi đây thành một bãi rác công nghệ khổng lồ.
Vụ hủy bỏ cơ chế sơ tuyển đấu thầu quốc tế dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam có thể xứng đáng là một sự kiện lịch sử, là một bằng chứng chưa có tiền lệ về tương quan nhỉnh hơn của phe “giãn Trung” so với phe “thân Trung” trong đảng sau nhiều năm giằng co, thậm chí phe “giãn Trung” còn phải chịu lép vế trong nhiều thời điểm.
Cùng với những dấu hiệu “giãn Trung” về kinh tế là hiện tượng “giãn Trung” về xã hội. Trong thời gian qua tại một số tỉnh thành trọng yếu của Việt Nam đã diễn ra phong trào “bắt Trung Quốc”: đường dây đánh bạc do người Trung Quốc tổ chức, đường dây sex cũng do người Trung Quốc lập ra, hàng loạt người Trung Quốc ăn trộm ATM và dùng thẻ tín dụng giả… Những vụ tội phạm đó đã tồn tại từ rất lâu, nhưng cho tới nay mới được công an xử lý, cứ như thể mới lần đầu tiên được phát hiện.
Ngay cả khuynh hướng “giãn Trung” về kinh tế và xã hội trên cũng chưa có gì chắc chắn sẽ được duy trì một cách bền vững, bởi di sản “cõng rắn cắn gà nhà” mà nhiều bộ ngành kinh tế – kỹ thuật và lớp quan chức “thân nhân dân tệ” Việt Nam để lại và đang tiếp tục “kiến tạo” là núi nhập siêu khổng lồ lên đến gần $50 tỷ mỗi năm của Việt Nam từ hàng hóa Trung Quốc, trong đó có đến $20 tỷ là dạng “nhập siêu tiểu ngạch” và “phi chính thức.”
Trong khi đó, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Việt Nam dám “giãn Trung” về chính trị.
Chẳng phải hoài nghi rằng cơn ung thư đu dây chính trị và ngả ngớn với Trung Quốc đã di căn quá sâu vào cơ thể và não bộ đảng cầm quyền ở Việt Nam. Đã rất nhiều lần trong quá khứ, cứ sau mỗi lần căng thẳng quan hệ Trung – Việt nhưng khi Bắc Kinh nhón một ngón tay hữu hảo ra thì ngay lập tức Hà Nội lại đâu vào đấy, sẵn sàng rúc mặt xuống cát để đổi lấy một chút bình yên giả tạo trước chén thuốc độc của Tập Cận Bình