Trần Minh Nhật – Web Việt Tân
Từ tối hôm qua khi biết tin tức về vụ thảm án kinh hoàng tại Essex Anh Quốc, tôi không tài nào chợp mắt nổi dù đã 4 giờ sáng. Tôi đọc đi đọc lại các bài báo trong nước và ngoài nước. Những con số nạn nhân nghi vấn đồng bào tôi đang gia tăng lên. Hiện tại nguồn tin tổng hợp cho thấy đã lên tới 25/39 người Việt trên chuyến xe tử thần đó. Thảm kịch nhân đạo này làm cho người Việt nghĩ về biến cố 1975. Trớ trêu thay nó lại đến trong thời kỳ gọi là “hòa bình”. “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?”
Dòng tin nhắn em P.T.T.M để báo tử của mình cho bố mẹ, đọc mà gai cả người. Đứng trước giây phút sinh tử cuộc đời em đã nhắn cho mẹ lời xin lỗi vì “con đường đi nước ngoài không thành.”
“Ngộ” quá em ơi, nhưng em nào có lỗi gì đâu. Những người trên chuyến xe đó – dù là người Trung Quốc hay Việt Nam cũng có lỗi gì đâu. Họ cũng là con người, cũng muốn được sống hạnh phúc. Chẳng phải những lời quen thuộc này ai cũng biết sao: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, Tạo Hóa đã ban cho họ quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc.”
Em không có lỗi, có hay chăng chỉ là em muốn tìm một cuộc sống mới nơi đất khách quê người. Ai đó chưa bao giờ đặt vào hoàn cảnh của người khác có thể nêu câu hỏi vì sao: Vì sao bỏ ra số tiền lớn như thế mà không để làm ăn? Vì sao có tới những hơn 30 ngàn bảng Anh mà nghèo cái nỗi gì? Người ta cũng chửi bới cha mẹ em tham tiền tham bạc. Người ta chửi em ham sống xa hoa, v.v. Chửi bới thì đủ lý do. Nhưng chẳng ai hiểu cho nỗi đau của em khi xin lỗi ba mẹ cả. Người ta không hiểu rằng sau mỗi chuyến đi tiền tỷ đó là cả cục nợ khổng lồ. Vay người này vài chục triệu, người kia một ít tiền. QUYẾT TỬ ĐỂ RA ĐI chỉ vì cuộc sống mưu sinh.
Đọc một dòng tâm trạng cũ của em T.M. trên tường cũ “Bạn chỉ nhìn được một mặt vì thế đừng phán xét ai cả, bạn không biết họ đã trải qua những gì..👌🏻” Khiến tôi tự hỏi những luận điệu như qua bên Anh để trồng cần sa vào lúc này có là cần thiết. Không phủ nhận thực tế có không ít người qua Anh Quốc buộc phải trồng cần sa để lấy tiền hòng nhanh chóng trả nợ. Nhưng có biết bao người ngày đêm miệt mài dũa móng cho từng vị khách để ki cóp từng đồng gửi về cho cha mẹ nơi quê nhà.
Tôi đã khóc khi nhìn khuôn mặt của em T.M. Tôi cũng không kìm lòng được khi tin nhắn tìm người thân của em N.Đ.L Họ dù là ai, dù hoàn cảnh thế nào. Nhưng chúng ta quên mất họ cũng là nạn nhân. Nếu có một lựa chọn khác khả dĩ hơn (trong phạm vi của họ) thì chẳng bao giờ ai đặt sự sống của mình vào nguy hiểm. Người đã buộc phải đặt mình vào chỗ chết để tìm đường sống chẳng phải đáng thương lắm sao.
Đến lúc này mà chúng ta còn từ chối thực tế là không ít người Việt đang kéo nhau rồng rắn bỏ làng quê lên phố, bỏ phố sang Tây hay sao? Biết bao làng xóm nay chỉ còn đìu hiu mấy cụ già trong những ngôi nhà tầng rộng rãi. Đó là “làng ma” vì chẳng còn trai trẻ nữa, họ đi hết rồi. Dù vì hoàn cảnh nào nhưng đã buộc phải ra đi đã là phải mất mát hy sinh. Cho dù chỉ vì lý do kinh tế, thì đó cũng là bi kịch của đất nước.
Đa phần những người đi là trai trẻ. Họ ra đi mang trong mình kỳ vọng đổi đời. Mang trong mình gánh nặng của cả một gia đình phía sau. Nuốt nước mắt để lao vào một hành trình vô định cho những ước mơ cuộc đời. Dù không phải ai trong những người ra đi đều là nạn nhân trực tiếp của Formosa, nhưng chẳng phải vì những nhóm lợi ích như chúng mà cả Miền Trung đã “nghèo lại mắc eo” sao?
Sẽ chẳng cần phải bàn nhiều về cái gọi là chính trị. Nhưng tự bao giờ chúng ta tự hỏi “đất nước mình ngộ lắm phải không anh? Bài thơ của cô giáo Trần Thị Lam cho cái “ngộ” của dải đất hình chữ S chẳng phải đâu xa lạ. Mà đó chính là trong cái tặc lưỡi của lãnh đạo về thực trạng nước nhà. Đó cũng chính là cái ngoảnh mặt làm ngơ của người khi thấy dân mình bỏ mạng thì tặc lưỡi quay đi. Cũng chẳng đâu xa lạ trong chính cái sự đạo đức giả, phồn vinh ảo của những tượng đài ngàn tỉ nhan nhản trên khắp 63 tỉnh thành.
Tôi sẽ nhớ về anh chị em trong lời cầu nguyện mỗi ngày! Và tôi chỉ ước giá như những trai thanh nữ tú như các bạn được hạnh phúc ngay trên chính quê nhà.
Trần Minh Nhật