Hôm qua tôi tình cờ nhìn thấy trên Facebook bài viết “Kim Liên một thuở” của nhà văn từng khoác áo lính Vũ Công Chiến. Thế là một trời ký ức thời ấu thơ ùa về, vì hồi bé tôi đã từng sống ở đây gần 20 năm. Hai tiếng sau, Tiki ship đến tận nhà cả một thời thơ trẻ của tôi. Những trang sách tuyệt hay, đủng đỉnh dẫn dắt tôi đi về miền ký ức, và cả những điều tôi chưa biết vì lúc đó còn quá nhỏ. Đúng như nhà văn Vũ Công Chiến viết trong phần mở đầu: “Thời gian càng trôi xa, kỷ niệm càng da diết. Với người này là hoài niệm nhưng với người khác có khi lại là sự tiếc nuối về những kỷ niệm đã qua”. Tôi đọc mê mải những trang sách này trong quán cafe, và đôi lúc cười một mình khó hiểu, vì tìm thấy những kỷ niệm mà chỉ có dân sống ở tập thể Kim Liên ngày đó mới biết được.
Ngày ấy, có một lần tôi đi học về bị mắng tơi tả. Ấy là vì cái tội đã dám trèo lên tháp nước trong khu tập thể rồi còn về khoe với người lớn. Đó là vào khoảng những năm 1984, khi khu tập thể Kim Liên tôi ở vẫn còn cái tháp nước cao lừng lững. Tôi cũng không biết chính xác cái tháp này có từ khi nào, nhưng từ khi lớn lên thì nó đã cao lừng lững đứng ở đó rồi. Không giống như cái tháp nước bằng bê tông bên khu Trung Tự, tháp nước Kim Liên làm hoàn toàn bằng thép, hình cầu, trụ bên dưới cũng bằng thép, và xung quanh bên dưới quả cầu có những sợi dây cáp rất lớn giằng néo xuống đất. Cái tháp ý cao và đẹp lắm. Mỗi buổi chiều về khi ánh nắng xuống thấp thì nó lại toả ra thứ ánh sáng bạc trắng, lấp lánh trên nền trời xanh ngắt, trông xa giống như một quả kinh khí cầu sắp sửa bay lên. Nếu đứng ở ngay dưới chân tháp nhìn lên thì cả khối trụ thép đỡ dưới quả cầu đó trông như một con tàu vũ trụ khổng lồ mà trẻ con chúng tôi hay nhìn thấy trong các tạp chí in màu của Liên Xô. Ngày đó thời bao cấp, nên làm gì có những khu giải trí, khu vui chơi hay các trò chơi điện tử cho trẻ con như bây giờ. Vì thế cái tháp nước Kim Liên và khu vực xung quanh đó trông như một bãi phóng tàu vũ trụ, rất tuyệt để trẻ con đến chơi nhiều trò, chơi mê chơi mải mỗi lúc đi học về.
Thế rồi một lần thằng bạn cùng học rủ tôi trèo lên tháp nước. Bình thường để lên tháp này người ta có làm một cái cửa bằng thép bên hông, có bậc thang thép bên ngoài dẫn lên, lúc nào cũng khoá im ỉm. Nhưng có một điều bí mật là bên dưới khối trụ thép này có một khe hở nhỏ ngay sát dưới nền. Cái khe này rất hẹp, hình nan quạt, trẻ con 10 tuổi như chúng tôi lúc đó lại thừa sức chui lọt qua đây để vào bên trong lòng tháp. Tôi cũng từng đôi lần ghé mắt nhìn vào đó, nhưng chưa từng dám chui lên vì trong đó tối lắm. Bên trong chỉ có một cái thang sắt, dốc đứng, bám theo lòng ống thép chạy thẳng lên đỉnh. Nay có người rủ rê nên tôi hứng chí đồng ý ngay.
Một buổi chiều tan học sớm, tôi cùng thằng bạn quyết chí trèo lên khám phá tháp nước. Cái khe hở khá hẹp, nên chúng tôi phải bỏ cả cặp sách cho đỡ vướng rồi giấu ở bụi khoai nước gần đó. Hai thằng nhóc 10 tuổi rình lúc văng vắng không có người lớn để luồn người qua khe hở sát đất rồi bắt đầu trèo dần lên.
Chao ôi nó mệt. Lòng trụ thép dưới đài nước tối như bưng. Chúng tôi bám theo cái thang sắt dựng đứng trong lòng tháp leo dần lên cao, vừa leo vừa thở. Ở trên cao chỉ có duy nhất một cái đốm tròn sáng sáng, nom như bóng trăng ngày rằm soi đường cho chúng tôi trèo. Sau mấy lần thở dốc rồi ngừng nghỉ, chúng tôi mới tới được đỉnh tháp. Cả một bầu trời tuyệt đẹp, mở rộng bao la đập ngay vào đôi mắt của tôi. Đây là hồ rau muống Kim Liên. Kia là khu chuyên gia Liên Xô. Xa xa nữa là những hàng cây xanh ngát của công viên Lê Nin. Đằng kia nữa có một rặng núi mờ mờ mà mãi sau này lớn lên tôi mới biết đó là núi Tản Viên ở Ba Vì. Cái khu tập thể chúng tôi ở nhìn từ trên cao xuống nom như những cái bao diêm xinh xinh xếp ngay ngắn bên dưới.
Cứ thế hai thằng ranh con chúng tôi ngồi vắt vẻo trên đỉnh quả cầu thép để ngắm cảnh và tán chuyện mãi rồi mới leo xuống. Chính vì ấn tượng tuyệt đẹp đó nên lúc về nhà tôi đã buột mồm khoe ra với người lớn và bị mắng một trận nhớ đời. Sau này tôi mới biết cái tháp cao đến 60m, cao gấp 4 lần những ngôi nhà tập thể trong khu, oắt con dám leo lên thì thật là kinh dị, bị mắng là phải.
Vì chuyện đó, có lần bố tôi kể cái tháp nước đó được dựng lên từ những năm đầu 1970 khi mới hình thành khu tập thể Kim Liên. Người ta bơm nước lên cao, trữ vào đó để rồi có ống nước chạy xuống cấp nước đến từng khối nhà trong khu. Tưởng thế thôi nhưng sau này tôi mới biết hoá ra cái tháp nước ấy chỉ để làm cảnh. Đó là quà tặng của nhân dân Hungary xã hội chủ nghĩa anh em xây dựng tặng nhân dân Việt Nam anh hùng trong thời kỳ vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam. Ban đầu tháp nước được thiết kế để cấp nước cho mấy dãy nhà khu D nằm sau trường tiểu học Kim Liên. Nhưng có lẽ là vì đồ cho tặng nên người ta làm quấy quá cho xong. Ống nước cấp lên quá bé, ống dẫn nước xuống quá to, lại không có van hãm, cấp đi lung tung. Bơm nước lên bao nhiêu lại chảy đi hết chỉ tổ tốn công. Thế là nó đứng làm cảnh ở đó từ năm 1971 khi vừa làm xong cho đến 40 năm sau mới bị phá đi. Chính vì vậy cái tháp nước đó mới không có ai canh giữ, để trẻ con chúng tôi tha hồ leo trèo nghịch ngợm tự do như vậy.
Không có nước cấp từ tháp, trong các khu nhà tập thể thực ra là dùng nước bơm từ trạm ở đâu đó mà tôi cũng không biết. Nước rất yếu, nên ngay từ khi tôi bé tý thì đã biết đến cái máy nước công cộng dưới sân chung tầng 1. Toà nhà nào cũng có hai ba cái vòi nước như thế theo từng cầu thang. Xung quanh vòi kê mấy miếng bê tông hình tam giác để ngồi hứng nước. Nhà ở tầng 1 đôi chỗ thì có nước bơm vào vòi trong khu vệ sinh chung thường xuyên. Những nhà ở tầng 2 thì ban đêm có thể có chút nước chảy lên, nhưng nước bé tẹo như trẻ con đái dầm. Nên có canh hứng được ít nào cũng không đủ, cả khu phải xuống nhà xách nước, giặt giũ… thậm chí tắm luôn ở đó. Để trữ nước sinh hoạt thì những gia đình trên cao phải sắm những thùng phuy lớn để dùng dần.
Nhà tôi ở tầng 3 nên rồi cũng không tránh khỏi việc phải đi xách nước. Trẻ con cả khu sau giờ học buổi sáng đến chiều về là phải đi xách nước. Mỗi đứa hàng ngày phải xách khoảng mươi chuyến lên tầng, mỗi chuyến 2 thùng nước to nhỏ tuỳ theo sức. Khổ nhưng mà vui vì đó là cơ hội cả xóm quây quần chia sẻ với nhau.
Thế rồi sau này Hà Nội xuất hiện máy bơm củ chìm của Nga, được đưa về Việt Nam theo những thùng đồ của người đi xuất khẩu lao động. Có máy bơm cũng đỡ, nhưng tôi nhớ là phải thức đêm để canh lúc vắng người dưới máy nước. Lúc đó ít người dùng nên nước mạnh, có thể hút thoải mái mà không sợ cạn nước hứng trong chậu.
Mấy năm sau nữa thời mở cửa, những máy bơm ly tâm hiện đại hơn bắt đầu du nhập vào Hà Nội. Nhà nhà sắm máy bơm nước. Người người tự lắp đường ống riêng bơm nước lên nhà. Máy bơm nối thẳng vào hệ thống cấp nước mà không phải thả củ bơm vào chậu như trước. Trong khu Kim Liên ở những khối nhà có mái bằng, người ta còn trèo cả lên mái tự xây những bể nước con con để cấp nước cho gia đình mình. Ai có điều kiện còn đóng những thùng nước vuông vuông, xám xám bằng tôn hoa hàn thiếc, vì loại bể này vừa nhẹ, vừa không thấm nước như những bể xây bằng gạch thông thường. Cả khu tập thể bắt đầu xuất hiện chằng chịt đường ống riêng, bám lấy mặt ngoài những toà nhà, nhưng ai cũng vui vì từ nay thoải mái có nước để dùng. Kim Liên nói riêng và Hà Nội nói chung trở thành cường quốc máy bơm hùng mạnh nhất hành tinh.
Cứ thế tuổi thơ của tôi trôi đi, với những kỷ niệm “nghèo nhưng bình yên” như ai đó đã từng nói. Còn cái tháp nước vẫn đứng đó, già nua, vô tích sự, nhưng vẫn rất đẹp trong con mắt của chúng tôi đến mãi sau này. Đọc sách của Vũ Công Chiến bây giờ mới biết năm 2008 nó bị đập đi, khi tôi đã chuyển đến nơi ở khác nên hoàn toàn không biết. Tôi tiếc lắm nên lục tung cả ảnh gia đình và trên mạng lên để tìm hình ảnh cái tháp nước xưa cũ đó nhưng không thấy. Bạn nào có ảnh tháp nước này thì cho tôi xin lại nhé.
Đó là chuyện thời bao cấp, chắc các bạn trẻ hơn tôi không thể hình dung ra hết. Nhưng nếu nhìn kỹ vào cuộc sống hiện nay tôi thấy thực ra hiện tại cũng chả khá hơn gì. Hà Nội và các thành phố lớn ngày càng chật chội. Người ta có thể giàu có hơn, sắm sanh xe cộ nhà cửa xênh xang, nhưng vẫn phải lo đối phó với đủ thứ khói bụi, ô nhiễm, tắc đường khắp nơi… Trẻ con không có chỗ chơi, người già không có nơi yên tĩnh để nghỉ. Đến ngay nước sạch có để mà bơm cũng là một điều quý giá. Thử hỏi xem có nơi nào lại nhiều máy bơm, nhiều bể nước inox, nhiều máy lọc nước như ở Việt Nam? Rồi còn vụ bụi mịn ở Hà Nội, Sài Gòn vừa qua nữa, nhà nhà đổ đi mua máy lọc không khí. Ôi chao, kể ra thì không hết chuyện đáng lo. Chắc gì bây giờ mọi người sống đã bình an và hạnh phúc hơn những kẻ sống qua thời bao cấp như chúng tôi hồi đó.
Tự dưng động đến chuyện cũ thành ra tôi lại nhớ đến cái tháp nước năm nào. Nó đứng đó vô tích sự thì dù to đẹp rồi cũng đến lúc phải bỏ đi. Và đất nước này sẽ phải đập bỏ nhiều thứ vô tích sự còn to hơn nữa, mới mong có tương lai yên bình.