Tuyên bố của Tổng Trọng bị phản đối
Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ ở Hà Nội, vào sáng ngày 15 tháng 10, cho biết Việt Nam giữ được biên giới với Trung Quốc bao năm qua và giờ đang đàm phán tìm tiếng nói chung.
Ông Nguyễn Phú Trọng còn được Reuters và truyền thông quốc nội dẫn lời khi ông tuyên bố rằng “xử lý mối quan hệ này không đơn giản, nặng về bên nào cũng bị phê phán”. Ông Nguyễn Phú Trọng còn nhấn mạnh “Cố gắng giữ quan hệ cho tốt nhưng cái gì thuộc về độc lập chủ quyền dân tộc, ta không bao giờ nhân nhượng, tinh thần của ta là quyết chiến, quyết thắng”.
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11, diễn ra hôm mùng 7 tháng 10, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã kêu gọi phân tích tình hình Biển Đông để có quyết sách phù hợp.
Đài RFA ghi nhận kể từ khi Bắc Kinh có động thái lấn át ở khu vực bãi Tư Chính ngoài Biển Đông suốt hơn 3 tháng qua, dân chúng tại Việt Nam trông đợi giới lãnh đạo Hà Nội chính thức thông báo những thông tin cập nhật về các diễn tiến đang xảy ra cũng như những chính sách đối phó với sự gây hấn của Trung Quốc. Thế nhưng, qua các lần tuyên bố mới nhất gần đây của người đứng đầu Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam, không những không trấn an được lòng dân mà còn gây nên sự phẫn nộ.
Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng vào tối ngày 15 tháng 10 nhận định với RFA về lời phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng trong sáng cùng ngày:
“Lời nói này không có ý nghĩa nghĩa gì cả. Hay nói chính xác đó chỉ là một lời tuyên truyền dối trá và mị dân và cho thấy tâm thế hoảng sợ của giới lãnh đạo Việt Nam.”
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng ông Trọng tự mâu thuẫn qua những lời tuyên bố của chính ông bởi vì ông Trọng khẳng khái lên tiếng rằng những gì thuộc về độc lập chủ quyền thì không bao giờ nhân nhượng trong khi trên thực tế thì tàu Trung Quốc đã xâm nhập sâu vào vùng lãnh hải và chủ quyền của Việt Nam qua việc tàu Hài Dương 8 chỉ cách bờ biển Việt Nam có lúc chỉ còn khoảng 150-160 cây số. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhấn mạnh điều này cho thấy Việt Nam đang nhân nhượng và không có một biện pháp giải quyết nào quyết liệt đối với Trung Quốc cả.
Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận dân chúng tại Việt Nam còn bày tỏ sự phản đối của họ đối với những lời tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng qua mạng xã hội. Không ít người đặt câu hỏi vì sao ông Trọng không nêu đích danh Trung Quốc tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11 hay Việt Nam “không nhân nhượng” bằng các biện pháp nào ngoài cách thức cứ tiếp tục “phản đối” suông về mặt ngoại giao như trong thời gian qua mà thôi?
Ông Võ Minh Đức, một cựu sĩ quan thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam vào tối ngày 15 tháng 10, chia sẻ với RFA về bức xúc của ông:
“Cá nhân tôi, về mặt góc độ là công dân và là một người từng khoác áo lính, tôi kịch liệt phản đối việc đó và phải có hành động cụ thể. Chẳng hạn như là kiện, hay đưa các lực lượng vũ trang ra răn đe. Phải mạnh như thế. Tất nhiên mình không gây hấn, mình không bắn họ trước đâu nhưng phải đưa ra để cho họ thấy rằng đây là vùng biển của Việt Nam, đây là chủ quyền và thềm lục địa do Việt Nam quản lý từ ngàn đời nay. Mình không gây chiến nhưng phải đưa các lực lượng quân sự và bán quân sự ra để bảo vệ, đồng thời phải lên tiếng với quốc tế.”
Cựu Đại úy Võ Minh Đức còn lý giải về chiến thuật mà Trung Quốc đang sử dụng với mưu đồ chiếm lấy bãi Tư Chính ở Biển Đông:
“Dã tâm của người Trung Quốc là họ sẽ không dùng đến động tác vũ lực đâu. Họ sẽ lấn dần theo đủ kiểu hết. Nào là từ đường lưỡi bò cho đến lùa ngư dân ra đánh cá, rồi cho tàu hải cảnh, cho giàn khoan đi…Cứ như thế. Nếu mà mình cứ im lặng riết và cứ để họ lấn từ từ và đến một lúc nào đó thì họ sẽ mặc nhiên đó không phải là vùng tranh chấp nữa mà là vùng của họ, thuộc chủ quyền của họ. Ví dụ cụ thể như bãi Tư Chính là nơi rõ ràng thuộc thềm lục địa và quyền tài phán của Việt Nam và Việt Nam đang thăm dò, khai thác dầu khí ở đó. Thế bây giờ họ biến thành vùng tranh chấp, rồi mai mốt họ sẽ biến thành vùng của họ luôn, chứ không còn là vùng tranh chấp nữa. Họ cứ lấn dần, lấn dần giống như vết dầu loang, giống như mưa lâu thấm đất vậy đó.”
“Hội nghị Diên Hồng” về tranh chấp ở bãi Tư Chính?
Một ngày trước khi Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước đăng đàn kêu gọi phân tích tình hình Biển Đông để có quyết sách phù hợp, tại buổi Tọa đàm Khoa học Vùng biển bãi Tư Chính và Luật pháp Quốc tế, diễn ra ở Hà Nội hôm mùng 6 tháng 10, các nhân sĩ trí thức cho rằng đã đến lúc Chính quyền Việt Nam phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Ban Dân vận Trung ương từng nêu ý kiến của ông với RFA rằng giới lãnh đạo Việt Nam cần thiết phải gặp gỡ và tiếp nhận ý kiến của giới nhân sĩ trí thức trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc và đó là việc cấp thiết phải làm.
Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu về Biển Đông trong một cuộc hội luận với RFA hồi đầu trung tuần tháng 10 còn cho rằng song song với biện pháp kiện Trung Quốc ra toàn án quốc tế thì Việt Nam cũng cầm xem xét điều chỉnh chính sách ngoại giao:
“Trong bối cảnh bây giờ có lẽ Việt Nam nên xem xét lại chính sách đối ngoại của mình, đặc biệt là Trung Quốc đang càng ngày càng tiếp tục lấn át Việt Nam cũng như có những hành động sai phạm không có vẻ dừng lại này. Và chính sách đối ngoại không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với một số quốc gia khác, như Lào và Campuchia chẳng hạn. Ví dụ, Việt Nam luôn coi 3 nước Đông Dương Việt Nam-Lào-Campuchia là anh em, nhưng bản thân Campuchia luôn luôn ủng hộ Trung Quốc trong tất cả những vấn đề về Biển Đông…”
Mới đây nhất, tại Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc về Thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) lần thứ 18, diễn ra ở thành phố Đà Lạt và kết thúc hôm 15 tháng 10, phái đoàn Việt Nam nhắc đến những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đặc biệt việc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đang bị xâm phạm nghiêm trọng; đồng thời đề xuất các biện pháp nhằm cải tiến phương pháp làm việc cho các vòng đàm phán sắp tới.
Luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát tình hình Việt Nam, từ Canada qua cuộc hội luận với RFA hôm đầu trung tuần tháng 10 cũng kêu gọi Hà Nội cần thực hiện chính sách đại đoàn kết quốc gia để có đủ nội lực cũng như cần phải xây dựng những giá trị chung đối với thế giới, đặc biệt trong việc bảo vệ và gìn giữ sự ổn định, hòa bình trong khu vực, nhất là tại Biển Đông.
Trong khi dân chúng Việt Nam đang trông chờ Nhà nước tổ chức một “Hội nghị Diên Hồng” để những ý kiến và tiếng nói như vừa nêu được trình bày trực tiếp với Nhà nước Việt Nam trong vấn đề cấp bách ở biển Đông, thì Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào hôm 15 tháng 10 lại chỉ trích những tiếng nói yêu nước ngoài Đảng, qua lời tuyên bố rằng “Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à? Vô trách nhiệm à?”
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng khẳng định với những tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng và cách thức đối phó hiện nay của Chính quyền Việt Nam đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông rõ ràng cho thấy dấu hiệu mà Tiến sĩ Phạm Chí Dũng dùng từ ngữ là “ Chính quyền Việt Nam đang bán nước”. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhấn mạnh:
“Rất nhiều khả năng sau Hội nghị Trung ương 11 và sau những lời nói mà tôi cho là khiếp nhượng và dối trá của Nguyễn Phú Trọng thì sẽ không có chuyện Chính quyền Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Không có chuyện đó đâu. Thậm chí ngược lại là Việt Nam có thể chấp nhận cho Trung Quốc cùng hợp tác khai thác dầu khí ở bãi Tư Chính với một tỷ lệ lớn thuộc về Trung Quốc. Có nghĩa là mời kẻ cướp vào nhà và chia đôi tài sản với nhau.”
Mặc dù lãnh đạo đất nước đang chần chừ trong việc kiện Trung Quốc thì một số người dân Việt Nam mà Đài RFA tiếp xúc đều quả quyết cho rằng họ sẵn sàng bảo vệ tổ quốc trước sự hung hăng của người láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Cựu Đại úy Võ Minh Đức nêu lên ý kiến của ông:
“Nếu họ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý hiến kế để bảo vệ lãnh thổ thì tôi sẽ là người đầu tiên sẵn sàng tái ngũ, tham gia lực lượng bảo vệ bờ cõi Việt Nam này. Còn họ trưng cầu hỏi bây giờ đánh thì chưa chắc mình thắng mà sẽ thua thì sao: Thua thì thua đường nào? Năm 1979, về mặt quân sự, về mặt thực địa ở chiến trường thì theo tôi lúc đó người Trung Quốc thua chứ không phải người Việt Nam. Họ hùng hổ tuyên bố rằng ‘sáng ăn cơm ở biên giới, trưa ăn cơm Hà Nội, chiều ăn cơm Sài Gòn’ nhưng cuối cùng họ chỉ vào sâu được 60-70 cây số thôi, chứ không vào thêm được nữa. Kẻ thù nào, quân xâm lược nào, ở đâu thì tôi không biết nhưng đối với đội quân Trung Quốc thì tôi dám chắc chắn một điều người Trung Quốc mà động binh đánh Việt Nam hoặc giới chóp bu lãnh đạo Việt Nam tổng động viên đánh Trung Quốc thì 100% người dân sẽ ủng hộ.”
Trả lời câu hỏi của chúng tôi, trong trường hợp một “Hội nghị Diên Hồng” về tranh chấp ở Biển Đông mà người dân Việt Nam trông chờ không được Nhà nước tổ chức, hầu hết giới chuyên gia lẫn người dân đều có cùng nhận xét rằng sẽ có một hậu quả trong tương lai rất lớn cho Việt Nam là không chỉ Hoàng Sa, Trường Sa mà khu vực bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam chỉ còn trong sách vở./.