Thảo Vy – (VNTB) – Dường như cuộc biểu tình ròng rã suốt hơn 3 tháng trời ở Hong Kong, đã khiến những nhà lãnh đạo Việt Nam thêm ngại ngần khi đề cập đến vấn đề công đoàn độc lập, đến đình công trong các bàn luận về việc sửa đổi Bộ Luật Lao động.
Những ngày vừa qua, Ban soạn thảo làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật, ban đêm vẫn còn làm chứ không chỉ ban ngày. Chúng tôi khẳng định làm với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị, bằng mọi cố gắng, khả năng ở mức cao nhất để tiếp thu, hoàn thiện Bộ luật”, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Đào Ngọc Dung nói như vậy với báo chí về chuyện sửa đổi Bộ Luật Lao động.
Có hai vấn đề ít được Ban soạn thảo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc đến là ‘đình công’, và ‘công đoàn độc lập’. Ông nói rằng hiện tại đang chỉ đạo bổ sung thêm vào hồ sơ dự án luật một số báo cáo như báo cáo về kết quả và tình hình đình công 10 năm qua.
“Cần xác định đình công chỉ được xem là vũ khí cuối cùng khi việc thương lượng thoả ước lao động tập thể không đạt được chứ nếu không sẽ khó có thể kiểm soát được tình hình…”. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích về lý do ít nhắc tới chuyện ‘đình công’ trong sửa đổi Bộ Luật Lao động.
Quan sát cuộc biểu tình diễn ra ở Hong Kong, có thể thấy nếu cho rằng việc ‘đình công’ chỉ liên quan đến ‘cơm gạo áo tiền’ như cách nghĩ của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đó là phiến diện.
Đơn cử, Chính phủ Trung Quốc hôm 9/8 đã dùng mệnh lệnh hành chính buộc Hãng Hàng không Cathay Pacific cấm các nhân viên ủng hộ hoặc tham gia biểu tình ở Hong Kong làm bất cứ công việc nào liên quan đến các chuyến bay tới Trung Quốc đại lục.
Trước đó, hôm 5/8, hàng ngàn nhân viên Cathay Pacific tại Hong Kong đã đồng loạt cáo bệnh để hưởng ứng lời kêu gọi tổng đình công của người biểu tình. Công đoàn của hãng này xác nhận nhiều người sau khi nghỉ việc đã xuống đường tham gia biểu tình. Tại sân bay quốc tế Hong Kong, các kiểm soát viên không lưu cũng đình công.
Trong ngành hàng không, cùng với Cathay Pacific đình công để xuống đường biểu tình, còn có Dragon Air, Hong Kong Airlines, Dịch vụ Hàng không Jardine. Các tổ chức công đoàn ở những ngành nghề khác ở Hong Kong cũng đã kêu gọi đình công để tham gia biểu tình, bao gồm các công đoàn trong ngành nhà hàng thực phẩm, an ninh, quản lý bất động sản, giáo viên, công nhân xây dựng, nhân viên tài chính và công chức nhà nước.
Tất cả đều không vì lý do như Bộ trưởng Đào Ngọc Dung của Việt Nam, là ‘vũ khí cuối cùng khi việc thương lượng thoả ước lao động tập thể không đạt được’. Người Hong Kong biểu tình để đòi quyền dân chủ, tự do ngôn luận và chống sự áp đặt của đảng cộng sản Trung Quốc đối với Đặc khu hành chính Hong Kong.
Ghi nhận từ hệ thống báo chí của nhà nước Việt Nam, các phóng viên chuyên trách mảng đời sống người lao động, nói rằng một trong những lý do ít được nhắc tới về ‘công đoàn độc lập’ trong các buổi góp ý sửa đổi Bộ Luật Lao động, vì nằm trong định hướng từ cấp quản lý.
“Khó thể có công đoàn độc lập trong năm tới, vì theo Tờ trình về định hướng hoạt động trọng tâm công đoàn năm 2020 mà ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra, thì chủ đề hoạt động năm 2020 là “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở”.
Theo đó, có 3 hoạt động trọng tâm: “Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Đảng, về giai cấp công nhân đối với đội ngũ đoàn viên, người lao động, thiết thực hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy vai trò của công đoàn trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở…”.
Trong khi đó thì tình cảnh chung từ mấy chục năm qua ở Việt Nam, dường như còn khát khao hơn nhiều lắm so người Hong Kong về những quyền dân chủ, như tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do bầu cử… Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hiểu rất rõ sự ‘thèm muốn’ này, nên ông mới úp mở cho rằng ‘quyết tâm chính trị’ của mình là phải tránh cho đảng cầm quyền lâm vào cảnh ‘sẽ khó có thể kiểm soát được tình hình’, nếu như dự luật sửa đổi Bộ Luật Lao động bàn thảo rộng rãi, chi tiết về quyền đình công, quyền tự do công đoàn”.
Biên tập viên C.M.T của tờ Shipping Times, nhận xét.