Ngày 9/9/2019, ‘ExxonMobile rút khỏi Cá Voi Xanh’ – một tin tức bất ngờ lan truyền trên mạng xã hội đã khiến sôi trào dư luận và kéo theo những phán đoán đầy ngờ vực về tính thực chất của tin tức này.
Bởi nếu tin tức trên là đúng thì như bình luận của nhiều độc giả và đánh giá của giới quan sát chính trị, người Mỹ chẳng còn mặt mũi nào xứng đáng với vai trò ‘đối trọng duy nhất của Trung Quốc ở Biển Đông’. Trong khi đó, ‘đồng minh’ của Mỹ, mà thực chất là chế độ đang can đảm dựa dẫm hải quân Mỹ để khai thác dầu khí – chính thể độc đảng ở Việt Nam – sẽ mất đi một nguồn lợi khổng lồ, bởi Cá Voi Xanh hứa hẹn mang lại đến 60 tỷ Mỹ kim.
Rủi thay, cơ sở có vẻ đáng tin cậy của tin tức trên lại có nguồn từ nhà báo Huy Đức – người thường chứng tỏ có được nhiều tin tức thuộc loại thâm cung bí sử và bí mật trong triều đình cộng sản.
Cùng lúc, tin tức về ExxonMobile rút khỏi Cá Voi Xanh được nêu ra bởi vài facebooker khác. Trong khi đó, các hãng tin quốc tế có phóng viên theo dõi về tình hình Biển Đông vẫn chưa có tin gì về vấn đề hết sức nhạy cảm này.
Vậy ‘ExxonMobile rút khỏi Cá Voi Xanh’ là tin thật hay tin giả?
Dù Huy Đức là nhà báo đưa tin nội bộ có độ tin cậy cao, nhưng thật ngạc nhiên nếu quả thực tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobile chịu rút khỏi Cá Voi Xanh một cách dễ dàng đến thế.
Bởi mới vào cuối tháng 8 năm 2019, ExxonMobile đã nhận được một sự bảo đảm rất lớn từ Bộ Ngoại giao Hoa kỳ.
“Các công ty của Mỹ là những công ty hàng đầu thế giới trong việc khai thác và thăm dò các nguồn hydrocarbon, kể cả ở ngoài khơi và tại Biển Đông” và Mỹ “mạnh mẽ phản đối bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đe dọa hay cưỡng chế các quốc gia đối tác phải rút lại sự hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc hay quấy nhiễu những hoạt động hợp tác của họ” – Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa, sau vài lần trước đó, lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về hành xử ở Biển Đông với lời lẽ đanh thép hơn. Lời lên tiếng này phát ra trong bối cảnh tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc, sau khi đến mỏ Đá Chữ Thập để tiếp nhiên liệu, đã ‘trở về’ khu vực Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam để quấy phá.
Vào năm 2017, đã có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh. Suýt chút nữa thì dự án này phải hoãn lại.
Nhưng sau đó, Mỹ đã ra tay. Một hàng không mẫu hạm có tên USS Carl Vinson được giới tướng lĩnh Mỹ – Việt thống nhất cho hiện diện tại cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018 – như một thông điệp bảo vệ cho ExxonMobil và tương lai khai thác mỏ Cá Voi Xanh. Cùng lúc, cố vấn an ninh của Tổng thống Trump là John Bolton lên tiếng cứng rắn “Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không”.
Vào ngày 20/8/2019, ông John Bolton viết trên Twitter: “Việc Trung Quốc gần đây leo thang nỗ lực đe dọa để các nước khác không khai thác các tài nguyên ở Biển Đông thật đáng ngại” và “Hoa Kỳ đồng lòng với những ai chống lại các chiến thuật bắt nạt và hành vi cưỡng ép, đe dọa tới an ninh và hòa bình khu vực đó”.
Những động thái công khai trên, cùng với những hoạt động mang tính thống nhất giữa Mỹ và Việt Nam nhưng không công khai, đã dẫn tới kết quả là ExxonMobil có một số phận tươi hồng hơn hẳn thân phận hẩm hiu của đối tác Repsol (Tây Ban Nha) khi Repsol phải ‘bỏ của chạy lấy người’ đến hai lần vào năm 2017 và 2018 do bị sức ép và gây hấn của Trung Quốc. Cho tới nay, ExxonMobil vẫn tiếp tục xúc tiến kế hoạch vừa thăm dò dầu khí vừa chuẩn bị khai thác tại mỏ Cá Voi Xanh dưới sự bảo trợ của lực lượng hải quân Mỹ.
Còn nếu ‘ExxonMobile rút khỏi Cá Voi Xanh’ là tin giả thì tin này được tung ra nhằm ý đồ, hoặc một âm mưu chính trị gì? Ý đồ này có liên quan gì đến chuyến đi Mỹ dự kiến vào tháng 10 năm 2019 của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng và chủ đề ‘quan hệ đối tác chiến lược’ mà rất có thể sẽ được đặt ra ở một mức độ nào đó trong cuộc gặp Trump – Trọng?