Báo chí chính thống trong những ngày gần đây tập trung vào câu chuyện 3 triệu đô la mà Phạm Nhật Vũ đưa cho nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son do ông này chuyên quyền trong vụ mua lại công ty AVG của Vũ với giá lên tới 8.889 tỉ đồng trong khi giá trị thực của AVG chỉ ước chừng 1.970 tỉ theo đánh giá của các công ty định giá sau khi vụ mua bán mờ ám này bị phanh phui. Vụ án AVG gây thất thoát cho nhà nước hơn 6.475 tỉ đồng sau khi “thổi giá”.
Bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, đều là nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, bị đề nghị truy tố về hai tội danh: “Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”. Bị can Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), bị đề nghị truy tố về tội “Đưa hối lộ”.
Người dân được báo chí cho biết đây là vụ án có số tiền hối lộ lớn nhất từ trước tới nay và người nhận hối lộ lúc còn làm Bộ trưởng và Thứ trưởng. Ông Nguyễn Bắc Son đã bất chấp việc Bộ Thông tin và Truyền thông không có chức năng xác định giá mua, cũng như hiệu quả dự án nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới là Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt dự án. Cả hai khai nhận đã tiếp tay với nhau tạo thành vụ mua bán trên giấy tờ trong thẩm quyền của hai đương sự và Phạm Nhật Vũ đã mang đến tận nhà cho Nguyễn Bắc Son 3 triệu đô la và cho Trương Minh Tuấn 200 ngàn đô la tiền mặt sau khi nhận được 95% số tiền do móc ngoặc này.
Riêng Phạm Nhật Vũ sau vụ làm ăn này bỏ túi hơn 300 triệu đô la.
Hành vi đưa và nhận hối lộ của cả ba người đã rõ nhưng vụ án có dấu hiệu “chuyển hướng” sang một con đường khác mà tội danh của cả ba can phạm có thể không làm cho họ thụ án đúng theo quy định pháp luật bởi chính Bộ công an đã lên tiếng trước báo chí về khả năng cả ba bị can có thể được xét tới những yếu tố có thể bản án của họ sẽ giảm xuống, còn giàm bao nhiêu tùy phán quyết của tòa án.
Dư luận cũng chuyển theo sự định hướng của Bộ công an và câu hỏi đặt ra cho ý đồ này là “Liệu Bộ công an có thẩm quyền khi đề nghị “áp dụng chính Chính sách Hình sự Đặc biệt đối với Phạm Nhật Vũ và Trương Minh Tuấn” hay không?
Thứ trưởng Bộ công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng: “Chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam rất cụ thể nhằm ghi nhận sự hợp tác tích cực của những người có hành vi vi phạm pháp luật và thành khẩn trong khai báo, khắc phục hậu quả. Đây là chính sách ưu việt. Chúng tôi kiến nghị áp dụng đối với những người hợp tác tích cực, khai báo thành khẩn”.
Theo nhận định của Bộ công an thì do Phạm Nhật Vũ thành khẩn khai báo, chủ động hủy bỏ thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; tự nguyện trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ MobiFone (cả gốc và lãi), có nhân thân tốt… Ngoài ra gia đình bị can Phạm Nhật Vũ được cho là có công với cách mạng, bản thân bị can có nhiều đóng góp với Giáo hội Phật giáo VN, các Hội chất độc màu da cam và các hoạt động an sinh xã hội… nên được cơ quan điều tra đề nghị quá trình truy tố, xét xử cần xem xét các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng “chính sách hình sự đặc biệt”.
Cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn mặc dù nhận của Vũ 200 ngàn đô la cũng được Bộ Công an đề nghị tương tự.
Riêng ông Nguyễn Bắc Son người chủ mưu mọi việc từ đầu đến cuối thì Cơ quan điều tra cho rằng trong quá trình điều tra, ông Son đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, hợp tác với cơ quan công an. Ông cựu bộ trưởng có nhiều thành tích được tặng thưởng bằng khen, giấy khen và hiện ông Son đang điều trị bệnh tim mạch và huyết áp.
“Hậu quả của hành vi làm trái đã được khắc phục hoàn toàn, ngoài ra ông Nguyễn Bắc Son có mong muốn nộp khắc phục số tiền nhận từ Vũ. Do đó, cơ quan điều tra đề nghị quá trình truy tố, xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ khi lượng khung hình phạt đối với ông Nguyễn Bắc Son”, kết luận điều tra nêu.
Cũng theo kết luận điều tra, ông Son xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân để khắc phục hậu quả, số tiền này chỉ là con số cực nhỏ so với 3 triệu đô la.
Cần nói thêm ông Phạm Nhật Vũ là em ruột của ông Phạm Nhật Vượng người giàu nhất Việt Nam hiện nay và ông Vượng có mối quan hệ mật thiết với những lãnh đạo cao cấp trong hệ thống chính quyền là điều khó tránh khỏi.
Ông Nguyễn Bắc Son từng nhận lãnh Huân chương lao động hạng nhì và ông Trương Minh Tuấn nổi đình nổi đám trước khi bị bắt do chủ biên quyển sách mà các đảng viên phải xem là kim chỉ nam trong việc chống lại cái tha hóa đang diễn ra trong đảng, cuốn sách có tên: “Phòng chống tự diễn biến tự chuyển hóa về tư tưởng trong cán bộ đảng viên hiện nay”
Cả ba đều là người quan trọng, hai cựu bộ trưởng là khuôn mặt, là chân dung của Đảng, riêng doanh nhân Phạm Nhật Vũ là đại diện cho một lớp người cực kỳ giàu có và sự khuynh loát hệ thống cầm quyền của họ đang làm cho khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam ngày càng sâu rộng hơn. Đồng tiền họ kiếm ra đều từ tham nhũng chính sách, móc nối và mua chuộc lãnh đạo, tìm kiếm kẻ hở của chính phủ để vẽ ra các dự án ngàn tỷ. Thiếu những đại gia này câu chuyện AVG cùng những đại án khác đã không thể xảy ra.
Nếu Tòa án cho rằng hai ông cựu Bộ trưởng có những thành tích tốt thì có lẽ thành tích nổi trội nhất của họ là số tiền kiếm được từ vụ án này chứ không phải là cái huân chương hay cuốn sách mà họ viết ra. Huân chương có được do họ cấu kết với những chân rết khác trong Bộ chính trị để tìm lời đề nghị với những khoản biếu xén không thể không có. Cuốn sách là nổ lực dọn đường cho toan tính trong đó không loại trừ khả năng biết được kết quả của ngày hôm nay.
Bản án có thể áp dụng việc thành khẩn khai báo hay trả lại số tiền thâm lạm như trường hợp ông Vũ nhưng không thể vì thế mà giảm nhẹ tới mức tối thiểu. Thước đo công lý của hệ thống tư pháp Việt Nam nằm trọn trong phán quyết cho cả ba bị can. Có thể người dân không còn háo hức chờ đợi vì niềm tin của họ đã hoàn toàn đánh mất nhưng cái mà họ chờ là độ nóng từ chiếc lò của ông Trọng có thật sự dùng để đốt kẻ đầu não hay chỉ dùng để hăm dọa những đồng chí không đứng sau lưng mình?