Lý Thái Hùng – Web Việt Tân
Không phải nắm quân đội và vũ khí trong tay là có thể dẹp được đám đông phản kháng dễ dàng. Sự kiện Hong Kong hiện nay đang đặt cho ông Tập Cận Bình và lãnh đạo Bắc Kinh ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Dùng quân đội đàn áp hay là cứ thả nổi với thời gian?
Bắc Kinh đã cho tung ra những hình ảnh xe tăng, xe chở binh lính tập trung tại Thẩm Quyến, thành phố sát nách với Hong Kong, như một đe dọa sẵn sàng tràn vào Hong Kong để dẹp người biểu tình, khiến dư luận lo ngại là Bắc Kinh sẽ biến Hong Kong thành một biển máu Thiên An Môn 2, từng xảy ra cách nay đúng 30 năm.
Là một chế độ độc tài sắt máu, coi mạng sống của người dân không ra gì, nhưng tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay rất khó để lấy biện pháp man rợ như 30 năm trước đây vì Hong Kong không phải là Thiên An Môn mà là thành phố thương mại quốc tế. Những gì xảy ra ở đây có thể gây chấn động toàn cầu và nhất là có thể tạo ra hiện tượng sụp đổ domino nền thương mại của nhiều thành phố lớn bên trong Hoa Lục.
Nhưng điểm then chốt và quan trọng khiến cho quân đội của Trung Quốc chần chừ là vì khó đánh úp vào Hong Kong như Lộ Quân 27 từ Tân Cương đã được điều về Bắc Kinh để đánh úp vào Quảng Trường Thiên An Môn rạng sáng ngày 4 tháng 6 năm 1989. Họ không biết được bộ chỉ huy của lực lượng biểu tình tại Hong Kong là ai và ở đâu, nếu không muốn nói cách khác, đầu não của lực lượng này chính là mấy triệu triệu cư dân Hong Kong đang tràn ngập mọi nẻo đường đảo quốc.
Phải nói là chiến thuật đấu tranh của lực lượng dân chủ tại Hong Kong lần này, đúng như tên gọi “be water” đã khiến cho chính lãnh đạo Bắc Kinh lúng túng đối phó. Họ dùng vũ lực tấn công người biểu tình là những thanh niên, thanh nữ tay không, chỉ tạo thêm sự phẫn nộ của công luận và khiến thế giới đứng về phía người dân Hong Kong nhiều hơn. Sự lúng túng này càng thấy rõ hơn khi cảnh sát Hong Kong hôm 30 tháng 8 đã bắt cóc hai thủ lãnh trẻ là anh Joshua Wong và cô Agnes Chow, nhưng sau đó vài giờ thì cho cả hai tại ngoại và phải ra hầu tòa vì buộc tội kích động và tổ chức tham gia hội họp trái phép vào ngày 21 tháng 6.
Sau vụ bắt cóc nói trên, bỉnh bút Andrew Nagorski, cựu phóng viên và biên tập viên của Tuần Báo Newsweek, đã có một bài viết cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ áp dụng kịch bản Ba Lan vào năm 1981. Đó là ra lệnh thiết quân luật để truy bắt toàn bộ thành phần lãnh đạo và ủng hộ phong trào dân chủ tại Hong Kong như chính quyền Wojciech Jaruzelski của Ba Lan đã làm: thiết quân luật vào ngày 13 tháng 12 năm 1981, nhưng ngay đêm 12 tháng 12, cho công an đặc biệt có tên là ZONO truy lùng và bắt giữ hơn 6.000 thành viên lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết ở cấp trung ương và địa phương.
Thiết quân luật mà nhà cầm quyền Cộng sản Ba Lan đã phải tiến hành sau khi yêu cầu lãnh tụ Leonid Brezhnev, Tổng Bí Thư Liên Xô vào lúc đó, đưa Hồng Quân Liên Xô vào Ba Lan để trấn áp sự phát triển quá mạnh mẽ của Công Đoàn Đoàn Kết, nhưng ông Brezhnev đã chần chừ, không đáp ứng ngay. Sự lớn mạnh một cách nhanh chóng của Công Đoàn Đoàn Kết – lên gần 3 triệu thành viên sau hơn 1 năm công khai hoạt động, từ tháng 5-1980 đến tháng 10 năm 1981 – không chỉ làm cho chính quyền Ba Lan e sợ mà còn khiến cho Điện Kremlin hoảng hốt vì nó có nguy cơ khích động làn sóng dân chủ hóa ở những quốc gia khác như Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức.
Lý do Liên Xô chần chừ đưa Hồng Quân vào trấn áp là vì Điện Kremlin lúc đó đang điên đầu giải quyết việc Hồng Quân bị sa lầy tại A Phú Hãn, sau khi đưa 200 ngàn quân vượt biên giới chiếm đóng nước này vào năm 1979. Cuối cùng, lãnh đạo Ba Lan đã không thể chờ quyết định của Điện Cẩm Linh, mà đã phải đưa 14 ngàn quân nhân bổ xung vào lực lượng công an sau 3 tháng huấn luyện về nghiệp vụ trấn áp đối lập với một biệt danh là nhóm an ninh đặc nhiệm ZONO. Nhóm này ngoài nhiệm vụ bắt giữ 6.000 thành viên Công Đoàn Đoàn Kết vào tháng 12 năm 1981, còn có nhiệm vụ trấn áp các cuộc đình công khác của công nhân kéo dài đến cuối năm 1985.
Liệu Bắc Kinh có dùng kịch bản Ba Lan năm 1981, huấn luyện cấp tốc lực lượng quân đội đang đóng tại Thẩm Quyến để sau đó, tung vào Hong Kong bắt giữ hàng ngàn thành viên lãnh đạo trong thành phần giới chức, lao động, sinh viên, buôn bán, trước khi ra lệnh thiết quân luật hay không? Giải pháp này có thể bớt đổ máu như ở Thiên An Môn và giúp cho Bắc Kinh có thể khống chế ngay những cuộc biểu tình to lớn hiện nay. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm bợ, vì người dân Hong Kong đã có ý thức đấu tranh cao độ, hết đợt này bị bắt giữ thì đợt khác sẽ tự động đứng lên, và Hong Kong sẽ tiếp tục chìm trong biểu tình và hỗn loạn.
Rõ ràng là dùng quân đội trấn áp hay dùng thiết quân luật để khống chế dòng người biểu tình tại Hong Kong đều không có kết quả, nếu không nói những biện pháp bạo lực này là giải pháp tồi tệ nhất cho Bắc Kinh. Trong khi đó, người biểu tình tại Hong Kong đưa ra 5 yêu sách: Rút lại dự luật dẫn độ; Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức Đặc khu trưởng; miễn truy tố những người bị bắt giữ trong cuộc biểu tình; tiến hành điều tra độc lập về cáo buộc cảnh sát dùng vũ lực đàn áp; bầu cử tự do.
Trong 5 yêu sách này, có bốn cái đặt ra cho chính quyến Hong Kong và hôm mồng 4 tháng 9, chính quyền Hong Kong đã đáp ứng yêu sách số 1 khi bà Lâm họp báo tuyên bố rút lại Dự luật dẫn độ. Riêng yêu sách thứ năm – cải cách chính trị và bầu cử tự do – là yêu sách vượt lên trên khả năng của Hong Kong vì nằm trong tay chính quyền Bắc Kinh.
Nói cách khác, yêu sách bầu cử tự do chính là mấu chốt quan trọng để buộc chính quyền Bắc Kinh chấm dứt việc khuynh loát hai cuộc bầu cử: lãnh đạo đặc khu và bầu cử nghị viện Hong Kong. Từ năm 2014, Bắc Kinh đã thay đổi cách bầu cử lãnh đạo đặc khu không theo lối bầu phổ thông trực tiếp như chính quyền Anh đã đề nghị trước khi trao trả đặc khu vào năm 1997. Thay vào đó Bắc Kinh cho lập một Ủy ban gồm 1.200 thành viên (Tuyển cử ủy viên hội), với đa số là người của Bắc Kinh kiểm soát, có trách nhiệm chọn ra từ hai đến ba ứng cử viên chính thức, tranh cử chức vụ đứng đầu đặc khu, để sau đó đưa ra cho cử tri bỏ phiếu.
Quy định “đảng cử dân bầu” này chặn đứng khả năng thực thi các nguyên tắc hướng đến dân chủ trong Luật cơ bản (Basic Law), hay Hiến pháp của Hong Kong. Theo quyết định từ Bắc Kinh, tất cả các đảng phái chính trị tại Hong Kong, hay cử tri Hong Kong, dù với số lượng bao nhiêu đi chăng nữa, đều không có quyền trực tiếp cử người ra tranh chức lãnh đạo đặc khu.
Bắc Kinh cũng đã thao túng quy chế bầu cử Nghị Viện hiện nay bằng cách chia làm hai khối gồm 70 người. Khối thứ nhất gồm 35 nghị viên do cử tri 5 quận của Hong Kong bầu lên trực tiếp. Khối thứ hai cũng gồm 35 nghị viên nhưng có 30 người được đại diện của khoảng 30 nhóm ngành nghề, và 5 người còn lại do 400 thành viên các hội đồng địa phương bầu chọn. Bắc Kinh cài người của họ vào trong hai khối này và nhất là chiếm quá bán trong số nghị viên đại diện các nghành nghề. Chính vì vậy mà các biểu quyết của Nghị Viện đều theo ý muốn của Bắc Kinh hơn là đáp ứng mong muốn của người dân Hong Kong.
Để tháo gỡ bế tắc hiện nay, chỉ có một giải pháp duy nhất là Bắc Kinh phải để cho chính quyền Hong Kong đối thoại với lực lượng đấu tranh qua hình thức hội nghị bàn tròn như đảng Cộng sản Ba Lan đã phải ngồi xuống thảo luận với Công Đoàn Đoàn Kết qua 92 phiên đàm phán, kéo dài trong 3 tháng để duyệt xét lại toàn bộ các vấn đề bầu cử, cơ chế nghị viên, sinh hoạt chính trị… trước khi bầu cử tự do vào tháng 6-1989. Đây là giải pháp vừa tránh đổ máu, vừa không gây thêm tổn hại về tiềm lực kinh tế của Hong Kong bởi những cuộc biểu tình đã kéo dài trong hai tháng qua.
Đã đến lúc Bắc Kinh phải cân nhắc giữa tham vọng quyền lực chính trị – muốn kiểm soát toàn bộ Hong Kong, và quyền lợi kinh tế đi đôi với sự ổn định mà đặc khu này có thể đem lại cho Trung Quốc.