Nét mặt cậu bé trong ảnh dưới đây thật sáng và thông minh, đúng không, nhưng câu nói mà cậu buột miệng mới khiến chị Bùi Mai Hạnh kinh ngạc.
Chị kể. Sau gần 5 tiếng biểu tình chung với người HK dưới nắng, tôi nghe người biểu tình nói chuyện với nhau. Một cậu bé bất ngờ quay sang hỏi tôi: Cô người Phi à? Không , tôi người Việt. Cậu bảo: “We need you”. Chúng tôi cần cô. Không tin vào tai mình. Vả lại chung quanh khá ồn. Tôi hỏi lại, cháu nói gì vậy? Một phụ nữ đứng bên ghé tai tôi nói to: “Cậu bé nói “We need you”. Quá đỗi ngạc nhiên!
Làm sao một cậu bé lại có thể tự tin, tự tại và “tranh thủ kiếm đồng minh” đến thế chứ !!!
Tại sao? Tôi hỏi cậu vì quá thích cậu.
“Vì chúng tôi cần bà Lam xấu xa ấy phải từ chức. Chúng tôi không bầu cho bà ấy.” Ôi, cha mẹ ơi.
Đừng có nói là cậu ta bị nhồi sọ nhồi siếc gì nhé!
Trên trang twitter và blog của nhà báo người Anh Jonathan Samuels đang tường thuật từ hiện trường các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, tôi thấy có những câu viết ngắn và ảnh về NGƯỜI HỒNG KÔNG: “Họ thật lịch sự , tôi được một bạn trẻ nào đó che mưa khi đang bận tường thuật trực tiếp” và một ảnh khác: “Đây là đồ dùng cho người biểu tình (dung dịch muối, kính bảo hộ, băng cứu thương…) được các ủng hộ viên vô danh mang để sẵn bên ngoài cổng vào Công viên Victoria ở Hồng Kông, nơi người biểu tình sẵn sàng đối mặt đàn áp”
Còn nhà nhiếp ảnh Dave Coulson thì kể: Trong lúc ngồi chờ mưa tạnh trọng thư viện. Một cô bé viết vội và gửi tờ giấy này cho tôi: “Thân gửi báo giới. Quả là cực nhọc cho các anh. Tôi không tìm ra được từ ngữ nào cho đúng để nói lên lòng biết ơn của chúng tôi đối với sự cố gắng và tận tụy (tính chuyện nghiệp) của các anh. Xin hãy tiếp tục công tâm, chính xác (nguyên văn) và nhanh chóng loan truyền tiếng nói của dân Hong Kong đến với thế giới. Hãy giúp họ nhận ra sự thật.
Sát cánh cùng Hong Kong.
Tranh đấu cho Tự Do.
(Ký tên)
Người Hong Kong.”
Cũng mới hôm qua, tôi đọc thấy những lời “tâm tình” của một thầy giáo khi đi biểu tình (rõ ràng không phải văn phong biểu tình chuyên nghiệp). “Tôi từng nói với học trò tôi là có thể tin cảnh sát còn chính quyền cũng có quan tâm . Tôi từng tin vậy. Nhưng bây giờ tôi KHÔNG tin nữa. Vậy giờ tôi nói gì với học trò đây?”
Đó là những người HK gặp trong các cuộc biểu tình. Những công dân vô danh này chìm lẫn trong vô số người biểu tình lâu nay và trong 1,7 triệu người hôm qua.
Jonathan Samuels (1972) là một nhà báo người Anh đã có 20 năm trong nghề cũng như nhà nhiếp ảnh Dave Coulson là những nhà báo quốc tế tác nghiệp khắp thế giới, chắc không dễ yếu lòng hay rỗi hơi ghi nhận những trò “diễn” mà họ cảm kích về sự “quá lịch sự”, thực sự lễ độ, văn minh, biết điều của người HK.
Hiểu thêm vì sao cả mấy triệu người, không có lãnh tụ mà muôn người như một. Họ lo âu chuyện bị biến thành cừu, và càng hãi sợ chuyện bị chấm điểm từ ý nghĩ trong đầu, đến cử chỉ nơi công cộng, hành vi nơi làm việc và cả trong nhà riêng. Hơn ai hết họ không cần chiêm nghiệm, tưởng tượng cũng hiểu là họ nhất thiết phải sống chết giữ cho được, đòi cho được thứ oxy thiết yếu nhất của đời sống: TỰ DO !