Paulus Lê Sơn – Web Việt Tân
Cô gái trẻ trung, xinh đẹp, đang ở độ tuổi xuân phơi phới nhưng đã đánh đổi 2920 ngày tuổi thanh xuân của mình trong chốn lao tù cộng sản vì lòng yêu nước là điều đáng khâm phục. Mấy ai làm được chuyện như vậy? Có một người đã làm được: Nguyễn Đặng Minh Mẫn.
Thật vậy, chế độ cộng sản đã đánh cắp 8 năm tuổi trẻ của Minh Mẫn giam cầm trong lao ngục chỉ vì Mẫn đã chọn lựa cho mình điều tốt đẹp nhất. Đó là đi theo tiếng gọi của tình yêu quê hương đất nước. Mẫn đã lắng nghe, thấu hiểu tiếng thở than của hồn thiêng sông núi đang bị quằn quại trước gót giầy sắt hung bạo của kẻ thù phương Bắc và bè lũ tay sai nhu nhược, hèn nhát.
Trước nỗi đau như vậy, cô gái trẻ đã quên mình để sẵn sàng dấn thân cho tổ quốc trường tồn.
HS.TS.VN dường như đã trải qua một giai đoạn lịch sử trong công cuộc của dân tộc Việt Nam chống lại chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh. Minh Mẫn đã ghi tên mình trong giai đoạn lịch sử đó. “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” đã xuất hiện ở mọi nơi trên dải đất hình chữ S để loan tin về sự xâm lược biển đảo quê hương của Trung Cộng. Và nó đã như một sự thách đố và là một điều cấm kỵ đối với cộng sản. Đã thế em lại còn khẳng định về nó, em cùng nhiều người đi khắp hang cùng ngõ hẻm để loan báo cho muôn dân được biết về nó bằng hình thức kẻ, vẽ, rải truyền đơn… để kêu gọi sự thức tỉnh và lòng yêu nước của đồng bào.
Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị nhà cầm quyền cộng sản bắt giam cùng với mẹ và anh trai của mình vào ngày 2 tháng Tám, 2011. Trong một phiên tòa diễn ra tại Nghệ An vào ngày 8 và 9 tháng Giêng, 2013, Minh Mẫn đã bị kết án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế theo cái điều gọi là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.
Mỉa mai thay, nhục nhã thay cho một cái gọi là “chính quyền” khi kết án 8 năm tù với một thiếu nữ nhỏ bé, xinh đẹp với một tấm lòng yêu nước da diết, không một tấc sắt trong tay, không có binh vận, vũ khí, cũng chẳng có một đội quân hùng mạnh sau lưng, dù chỉ là một anh lính tinh nhuệ. Thế mà chế độ này vu cáo cho tội danh nghe hết sức ảo giác.
Ngược lại sự bạc bẽo, hèn nhược và tàn ác của nhà cầm quyền, Minh Mẫn lại tự hào về sự chọn lựa và những hành động của mình đã cống hiến cho giang sơn gấm vóc.
Với bối cảnh xã hội 8 năm về trước, một con người như Minh Mẫn phải nói là của hiếm, của quý. Thực tế, sự thờ ơ vô cảm của con người đối với các biến cố của đất nước là điều không thể chối cãi. Trong một xã hội có đủ dạng người, có người thì ơ hờ, vô tâm, có người cũng biết đến nhưng thở dài ngán ngẩm, có người nhìn thấy hiện tình điêu linh nhưng chờ đợi người khác làm thay mình, có người lại muốn lãnh phần trách nhiệm để cứu nước, đổi thay xã hội…
Lòng yêu nước là sự tự nhiên trong một con người. Nó ở trong tim, trong trí, trong máu của chúng ta vậy. Lòng yêu nước đó như được trỗi dậy và thúc bách mạnh mẽ hơn chính là lúc kẻ thù xâm lược sơn hà xã tắc. Minh Mẫn không thể làm ngơ, không thể thờ ơ trước vận nước suy tàn. Có thể vì thế nên sóng, gió mặn mòi, và nỗi đau bị dày xéo trước quân thù nơi Hoàng Sa, Trường Sa thấm đẫm trong tâm hồn của cô gái trẻ.
Yêu nước đến nỗi bị đày đọa, bị cầm tù, bị tra tấn, bị tổn thương, thế nhưng người con gái trẻ đất Trà Vinh không hề nao núng. Lòng yêu nước trong Mẫn vẫn kiên trì, tính hành động trong Mẫn để bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa vẫn cứ lì. Rõ ràng sự cam kết lòng yêu nước của Mẫn không hề nhạt phai.
Minh Mẫn đã liều mạng sống mình vì phẩm giá của dân tộc, điều đó há phải là điều mà người ta đang kêu gọi hay sao. Mấy tuần nay Trung Cộng lại tiếp tục chuỗi dài xâm lược biển đảo Việt Nam qua sự kiện Bãi Tư Chính của Việt Nam. Báo chí truyền thông nhà nước kêu gọi sự đồng lòng của nhân dân để bảo vệ phẩm giá của dân tộc. Thật mỉa mai trước lời kêu gọi đó, trong khi Đảng Cộng Sản bắt bỏ tù người yêu nước chống giặc Trung Cộng xâm lược.
Chỉ còn 5 ngày nữa thôi, Minh Mẫn, một con người sống động, có thật của lòng yêu nước mãnh liệt sẽ được trả tự do sau 8 năm tù đằng đẵng chỉ vì kêu gọi và bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Minh Mẫn chính là một con người đã, đang bảo vệ phẩm giá của dân tộc Việt Nam.
Portland, OR 28/7/2019
Paulus Lê Sơn