“Đảng và Nhà nước ta nếu còn mạnh tiền, chắc không có chuyện cứ mãi đánh trống bỏ dùi vụ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận!”.
“Đã vậy lại còn vung vít tuyên bố chuẩn bị làm cao tốc Lạng Sơn – Cao Bằng, Hòa Bình – Mộc Châu hôm họp chính phủ 24 tháng 7 rồi. Dân miền Tây tụi tui nói chắc mấy ông ngoài ấy hồi nhỏ sống gần kho đạn, nên lớn lên khi làm quan, họ thích nổ!”. Đội trưởng của một nhà thầu đang thi công tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, ‘cà rỡn’ như vậy với người viết trong buổi sáng cuối tuần cà phê ở công viên Lạc Hồng, Mỹ Tho.
Những tuyên bố hùng hồn…
Trong phiên họp khác cũng của chính phủ hôm chiều 25-7, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục tuyên bố mạnh miệng rằng, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ phải cơ bản thông xe trong năm 2020 và khánh thành vào đầu năm 2021.
Thực tế thì vốn công cho các dự án hiện tại còn chưa xoay xở được, nói gì chuyện loạt dự án khủng khác như ‘chém gió’ của người xứ Quảng – Nguyễn Xuân Phúc.
Hơn chục năm qua, từ đời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Nguyễn Xuân Phúc, hết lần này tới lần khác, không biết bao nhiêu lời hứa từ ngon ngọt tới hùng hồn, rằng con đường kỳ vọng, con đường thời đại, con đường tầm vóc và phát triển này sẽ hoàn thành vào năm a, b, c, d…; con đường được gọi là khởi đầu cho đồng bằng sông Cửu Long cất cánh, nhưng, “Ổng có biết công nhân đã phải giăng băng rôn biểu tình yêu cầu bên thầu phụ tụi tui trả tiền công?.
Mấy ông trên chính phủ đã khiến các nhà thầu phụ lâm cảnh nợ lương công nhân, nợ tiền vật liệu xây dựng; nợ tiền huy động gia đình, người thân, ngân hàng… suốt 4 tháng trời”. Vị đội trưởng của một nhà thầu bực dọc nói.
Cộng hưởng bức xúc, một biên tập viên báo Ấp Bắc cùng cà phê sáng ở Lạc Hồng giải thích, ở dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, ở phần vốn tư thì các nhà đầu tư, nhà thầu đã bỏ vào đây nghe đâu khoảng 3.000 tỉ đồng. Trong khi đó, phần vốn công của chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc chưa thấy góp đồng nào.
“Báo chí bọn tôi đưa tin Chính phủ đã trình Quốc hội phê chuẩn cho dự án 2.186 tỉ đồng và Quốc hội đã đồng ý. Thế nhưng trên thực tế thì đã nhiều tháng qua, đồng tiền phê chuẩn ấy bặt vô âm tín, dù dự án khát vốn từng ngày để trả lương công nhân, trả tiền nguyên vật liệu mà phần đối tác tư đã chi trước.
Tất cả sự việc này thể hiện rõ ở báo cáo tuần của UBND tỉnh Tiền Giang. Nên nhớ là Tiền Giang từng có một thứ trưởng Bộ Tài chính đi lên từ chủ tịch tỉnh Tiền Giang, vậy mà chuyện vốn công đã duyệt cho một dự án vẫn cứ treo lên treo xuống ở giải ngân. Có lẽ đúng là Đảng và Nhà nước mình đã cạn tiền rồi…”. Biên tập viên báo Ấp Bắc nhận xét.
Đi kiếm thủ tướng để… tháo gỡ (!?)
Cũng theo vị biên tập viên báo Ấp Bắc, sáng hôm 24-7, ông Trần Văn Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã cho biết phía chính phủ đổ thừa rằng do chưa có văn bản phê duyệt của Quốc hội nên họ chưa lập kế hoạch chi được. “Để xúc tiến nhanh hơn, UBND tỉnh Tiền Giang đã đăng ký lịch làm việc trực tiếp với Thủ tướng, Thường trực Chính phủ để tìm giải pháp tháo gỡ”. Ông Trần Văn Dũng phân bua.
Dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51 km, với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, nối tiếp đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, và điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Với tổng vốn đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng, dự án được khởi công lần đầu cách đây 10 năm, nhưng không thi công.
Năm 2019, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tái khởi động, triển khai theo hình thức đối tác công tư có tổng mức đầu tư theo phương án điều chỉnh là hơn 12.000 tỉ đồng. Tính đến hạ tuần tháng 7-2019, theo báo cáo thì nhà đầu tư, nhà thầu đã bỏ ra trên dưới 3.000 tỷ đồng; trong đó nhà đầu tư đã chi 2.500 tỉ đồng. Trong hơn 3 tháng khởi công trở lại tính từ đầu tháng 4-2019 đến nay, đã tăng khối lượng thi công từ 10% của 10 năm trước đó lên 25% tổng khối lượng thi công.
“Nhà thầu Tuấn Lộc đã bỏ ra hơn 500 tỷ và giờ không còn đủ tiền trả lương cho công nhân ở dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Cứ đà này, còn tư nhân nào dám ký kết làm ăn theo hình thức đối tác công tư nữa…”. Vị đội trưởng của một nhà thầu phụ, nhận xét.
Quản trị quốc gia ở thế độc quyền nên ‘chém gió’ sao cũng đặng!
Trở ngược thời gian. Từ đầu nhiệm kỳ này, sửa đổi chút đỉnh từ tuyên bố trước đó của người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng về “Nhà nước kiến tạo”, đến lượt mình, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh về “Chính phủ kiến tạo”.
Ở kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa 14, khi đăng đàn trả lời chất vấn được trực tiếp truyền hình vào chiều ngày 18-11-2017, ông Phúc nói rằng có 4 nội dung chính của ‘Chính phủ kiến tạo’ (tóm lược): Thứ nhất, đó phải là một chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế.
Thứ hai, là Nhà nước không làm thay thị trường, những khu vực nào thị trường có thể làm được, doanh nghiệp tư nhân có thể làm được thì Nhà nước không can thiệp, mà thay vào đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm. Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào những khu vực các doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư.
Thứ ba, chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD [Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, tiếng Anh: Organization for Economic Co-operation and Development; viết tắt: OECD, tiếng Pháp: Organisation de coopération et de développement économiques, OCDE có mục đích là để tìm ra các chính sách phát triển kinh tế cùng phúc lợi của người dân].
Thứ tư là chính phủ cũng phải nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương, đặc biệt phải thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc. Cần xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử đến tòa án điện tử…
“Như trên tôi đã nêu, chính phủ kiến tạo là chính phủ chủ động hơn trong xây dựng thể chế, pháp luật chứ không chỉ điều hành trên những gì pháp luật có sẵn!”. Ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, và phát biểu này được đăng ở rất nhiều bài báo tường thuật thời điểm ấy.
Thực tế thì… Tuy nhiên cũng khó trách ông Nguyễn Xuân Phúc. Góc khuất thể chế được lộ ra khi có mâu thuẫn giữa kinh tế thị trường và thể chế chính trị hiện hành./.