Loại bỏ Trung Quốc khỏi các gói thầu để phản đối chúng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

- Quảng Cáo -

Nguyen Ngoc Chu|

Chúng ta biết mục tiêu không khoan nhượng của Trung quốc Cộng sản là độc chiếm Biển Đông Nam Á. Chúng ta biết kế sách “ Nhảy vào đất người biến thành vùng tranh chấp”. Chúng ta không lạ mẹo “ Tằm ăn dâu”.

Thế nhưng, tại sao chúng ta biết ý đồ và sách lược của Trung quốc Cộng sản mà vẫn không ngăn chặn được?

Ấy là bởi vì chúng ta níu kéo đồng ý thức hệ viển vông. Ấy là vì chúng ta chưa giải phóng nội lực. Ấy là vì chúng ta chưa dứt khoát trong tìm kiếm sức mạnh quốc tế.

Sách lược của Bắc Kinh đối với Hà Nội rất rõ ràng: “ Lấn chiếm. Dừng xoa dịu. Lấn chiếm. Dừng xoa dịu… và cứ tiếp tục tiến”.
Điều mà Bắc Kinh đã làm và sẽ làm, là lấn chiếm từ từ, không ồ ạt, để đối phương không quá phẫn uất đến nỗi phải bỏ hẳn sang bên khác.
- Quảng Cáo -

I. SỰ BẤT LỢI TRONG CHUYẾN ĐI TRUNG QUỐC CỦA ÔNG VÕ VĂN THƯỞNG

Tàu Trung quốc ngang nhiên thăm dò địa chất ở bãi Tư chính của Việt Nam đã nhiều ngày mà Việt Nam không có cách nào để đuổi đi được. Trung quốc thích thì đến. Trung quốc thích thì đi.

Đã thế, Việt Nam lại còn nhẫn nhịn cam chịu khi vẫn cứ cử các đoàn ngoại giao sang thăm Trung quốc nhằm giữ đại cục. Chuyến thăm của bà Ngân đã không có tác dụng gì, thiết nghĩ phải rút ngay bài học. Nhưng không. Ông Thưởng vẫn tiếp tục sang Trung quốc. Ngoài “Lấy đại cục làm trọng”, chắc là Việt Nam thực hiện kế sách “ Còn nước còn tát”.

Phải sòng phẳng rằng, không có gì mà phải hợp tác, học hỏi về lý luận với ĐCS Trung quốc cả. Chưa nói đến lỗi thời, thì khái niệm ĐCS thời Marx – Lenin không có gì chung với ĐCS Trung quốc bây giờ, ngoại trừ sự toàn trị. Và Trung quốc bây giờ cũng không có gì chung với phạm trù XHCN của Marx và Lenin. Trung quốc hiện nay là một con quái vật đầu cộng sản, bụng phong kiến, chân kinh tế thị trường.

Thiết nghĩ, mục đích chuyến công du của ông Thưởng là quan hệ đại cục đã được sắp đặt từ trước, nhân đó mà đề nghị Trung quốc không xâm phạm bãi Tư Chính – mới là mục đích thứ hai.

Nhưng tiếc thay, cũng như trường hợp lời đề nghị của bà Ngân, Trung quốc bỏ ngoài tai lời đề nghị của ông Thưởng.
Dù cho có dự định tốt đẹp, thì cuối cùng chuyến đi của ông Thưởng đã không cứu vãn được tình thế, lại hạ thấp Việt Nam sâu hơn ở thế nhẫn nhịn cầu hòa.

Buồn và nguy hơn là đã mang đến cho Trung quốc một tự tin hành động. Trung quốc biết rằng Việt Nam không thể rời bỏ được Trung quốc cho dù Trung quốc có lấn chiếm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở mức độ nào, miễn là không quá ồ ạt và không xảy ra chiến tranh.

Bắc Kinh nhìn rất rõ hai yếu huyệt của Hà Nội. Thứ nhất là tránh đối đầu xung đột vũ trang nên nhẫn nhịn. Thứ hai là rời bỏ Trung quốc thì lo sợ sẽ dẫn đến nguy cơ lung lay chế độ.

Điều đó lý giải tại sao kế sách “ Tằm ăn dâu” của Bắc Kinh sẽ thành công trong lấn chiếm thêm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Sách lược của Bắc Kinh đối với Hà Nội rất rõ ràng: “ Lấn chiếm. Dừng xoa dịu. Lấn chiếm. Dừng xoa dịu… và cứ tiếp tục tiến”.

Điều mà Bắc Kinh đã làm và sẽ làm, là lấn chiếm từ từ, không ồ ạt, để đối phương không quá phẫn uất đến nỗi phải bỏ hẳn sang bên khác.

Còn nữa, Bắc Kinh đã làm và sẽ làm, là chèn ép nhiều nhất có thể, không nổ súng, cùng lắm nổ súng lẻ tẻ, nhưng không đến mức nổ súng lớn.

Đối chọi kẻ thù ngàn năm mà để chúng nhìn thấy trước phản ứng của mình thì đó là tai họa.

II. 5 PHƯƠNG TIỆN NGĂN CHẶN TRUNG QUỐC XÂM PHẠM VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ VIỆT NAM

Từ những điều trên, muốn ngăn chặn sự ngông cuồng “thích đến thì đến, thích đi thì đi” của Trung quốc thì phía Việt Nam phải chủ động biến hóa hành vi của mình, buộc Trung quốc phải thay đổi cách đối phó. Trong số nhiều biện pháp thì 5 điều sau đây cần áp dụng trước để ngăn chặn sự ngông cuồng của Trung quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Chừng nào Việt Nam còn bám vào tình đồng chí với Trung quốc, thì chừng đó ngư dân Việt Nam còn bị mất ngư trường và Việt Nam sẽ còn mất thêm biển đảo nữa.
Tình đồng chí là chiếc áo khoác. Quyền lực không bằng quyền lợi Dân tộc. Người sáng suốt tự biết mà hành xử.
  1. VỀ MẶT PHÁP LÝ, PHẢI KIỆN TRUNG QUỐC RA TÒA ÁN QUỐC TẾ

Chứa đựng 5 điểm lợi lớn sau đây.

Một là, để khẳng định tính chính nghĩa của Việt Nam và tính côn đồ xâm lược của Trung quốc.

Hai là, để cộng đồng quốc tế thấy rõ sự ngang ngược của Trung quốc mà đồng lòng ủng hộ Việt Nam ngăn chặn sự lộng hành của Trung quốc.

Ba là, để nhân dân Việt Nam và lãnh đạo Việt Nam thấy rõ tính chính nghĩa theo luật pháp quốc tế, thấy sự ủng hộ quốc tế, mà quyết tâm đấu tranh chống Trung quốc xâm lược.

Bốn là, để nhân dân Trung quốc thấy rõ sự ngang ngược chà đạp luật pháp quốc tế của chính quyền cộng sản Bắc Kinh, mà không hậu thuẫn cho các hành động phi nghĩa của chính quyền cộng sản Bắc Kinh.

Năm là, để cho những người Trung quốc bị chính quyền cộng sản Bắc Kinh đẩy đi xâm lược nhận thức ra lẽ phải, rồi run sợ trước hành động phi nghĩa của mình.

Đừng nghĩ rằng Trung quốc dễ dàng sổ toẹt lên phán quyết của Tòa án Quốc tế. Thế giới này không chỉ mình Trung quốc. Trung quốc không thể sống một mình khi bất cần thế giới còn lại. Nếu Trung quốc sống một mình không cần thế giới còn lại, thì thế giới còn lại tồn tại mà không cần đến Trung quốc.

Chuyện kiện ra Tòa án là việc bình thường trong quan hệ quốc tế. Các nước Mỹ và Liên minh châu Âu tuy là đồng minh, nhưng vẫn thường xuyên kiện nhau ra Tòa án Quốc tế. Đừng sợ rằng Trung quốc sẽ làm căng. Chính sự đớn hèn mới tạo nên lợi thế cho Trung quốc. Nếu không can đảm thì chủ quyền biển đảo sẽ tiếp tục mất.

  1. PHẢN ỨNG LOẠI BỎ KHỎI CÁC GÓI THẦU CAO TỐC BẮC – NAM

Loại bỏ Trung quốc ở tất cả các gói thầu cao tốc Bắc – Nam. Và tuyên bố không cho Trung quốc tham gia các gói thầu sắp tới vì xâm lược vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Sự tham gia của Trung quốc vào thị trường Việt Nam phụ thuộc vào hành vi của Trung quốc ngoài biển đảo.

Đừng sợ Trung quốc sẽ cắt nguồn vay tài chính. Trung quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn khi dừng hợp tác toàn diện với Việt Nam. Thách đố Trung quốc cũng không dám bỏ mất hoàn toàn thị trường và đối tác Việt Nam.

  1. KÊU GỌI SỰ ỦNG HỘ CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ

Trước hết là sự hiển diện của lực lượng tuần tra và hải quân Mỹ. Tiếp đến là lực lượng tuần tra và hải quân các nước khác.
Sự ngang ngược của Trung quốc chỉ có thể giảm bớt khi sự hợp tác của Việt Nam với Mỹ gia tăng. Đây là điều không bàn cãi.

  1. GẤP RÚT TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VÀ HẢI QUÂN VIỆT NAM

Đây là nhân tố quyết định. Mà bàn về nó không chỉ trong mấy trang và không chỉ một lần.

  1. TÌNH ĐỒNG CHÍ LÀ CHIÉC ÁO KHOÁC

Việt Nam phải thông báo cho Trung quốc rõ ràng, rằng quyền lợi Dân tộc là tối thượng; Tình đồng chí chỉ là cái áo khoác; Vất bỏ nó lúc nào cũng sẵn sàng.

Có được thông điệp rõ ràng như thế tức là đã vứt bỏ yếu huyệt thứ 2 – buộc Trung quốc phải hành xử khác. Chừng nào Việt Nam còn bám vào tình đồng chí với Trung quốc, thì chừng đó ngư dân Việt Nam còn bị mất ngư trường và Việt Nam sẽ còn mất thêm biển đảo nữa.

LỜI NHẮN

1.Lịch sử Trung quốc cho thấy những bộ tộc nhỏ hàng trăm năm thay nhau đô hộ Trung quốc. Đó là người Hung nô, người Kim, người Liêu, người Mông cổ, người Mãn thanh, người Nhật bản.

Việt nam đã đối mặt với sự xâm lược của Trung quốc cả ngàn năm. Lần nào Trung quốc cũng chuốc lấy thất bại.

Trung quốc là kẻ “mềm nắn rắn buông”. Với Trung quốc phải sòng phẳng đối mặt. Van xin chỉ chuốc lấy kiếp nô lệ.

2.Không có tranh chấp, không có bất đồng, chỉ có Trung quốc xâm chiếm biển đảo và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Đây là điều quán triệt xuyên suốt trong nội dung và ngôn từ khi đề cập đến sự xâm lược của Trung quốc trên biển của Việt Nam. Không được nhầm lẫn trong cách dùng từ ở đây.

3.Có được sự đồng lòng của cả trăm triệu dân thì không việc gì phải sợ Cộng sản Bắc Kinh. Hãy vứt bỏ chiếc áo khoác “đồng chí Bắc Kinh” để có được sự đồng lòng của toàn dân.

4.Không biết mắc tội còn không tha thứ. Huống chi biết vẫn cố tình mắc tội thì kiếp họa không chỉ một đời mà còn liên lụy đến muôn đời con cháu.

5.Tình đồng chí là chiếc áo khoác. Quyền lực không bằng quyền lợi Dân tộc. Người sáng suốt tự biết mà hành xử./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here