Diên Vỹ – (VNTB) – Tàu hải cảnh Trung Quốc và Việt Nam đụng độ nhau vì tàu khảo sát của Trung Quốc hiện đang hoạt động ở khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông.
Tàu hải cảnh của Trung Quốc và Việt Nam đối đầu với nhau hơn một tuần ở Biển Đông, có nguy cơ xảy ra cuộc đụng độ lớn nhất giữa hai quốc gia kể từ năm năm qua.
Vụ việc này có thể gây ra một làn sóng chống Trung Quốc ở Việt Nam như trong năm 2014, khi Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu vào khu vực đang tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa.
Sáu tàu tuần cảnh có vũ trang – hai của Trung Quốc và bốn của Việt Nam – đã để quan sát lẫn nhau khi đi tuần tra quanh bãi Tư Chính ở quần đảo Trường Sa kể từ tuần trước. Khoảng một chục tàu đã hiện diện trong vùng lân cận theo tin từ các trang web theo dõi hàng hải hôm thứ năm.
Vụ va chạm xảy ra bất chấp cam kết hồi tháng 5 của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Việt Nam nhằm giải quyết tranh chấp hàng hải bằng đàm phán.
Ryan Martinson, một giáo sư trợ lý tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ ở Newport, Rhode Island, đăng lên Twitter hôm thứ Sáu rằng tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã hiện diện ở vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam ở Biến Đông về phía tây đảo Trường Sa kể từ hôm thứ Tư ngày 3 tháng 7. Tuy nhiên cho tới nay không có tin tức chính thống nào được đưa ra về các cuộc xung đột này và chính phủ cả hai nước đều không đưa ra bình luận gì.
Vụ “khảo sát’ diễn ra ở bãi Tư Chính cho tới nay đã là 10 ngày. Thế nhưng một ngày sau đó, ngày 4/7/2019, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn nới với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam rằng Hà Nội “luôn coi trọng việc củng cố tình hữu nghị truyền thống và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.”
Vụ việc vẫn còn đang căng thẳng nhưng bà Ngân vẫn lên đường thực hiện chuyến công du Trung Quốc bốn ngày thế cho “ông Trọng đang ốm.”
Ở Trung Quốc, bà Chủ tịch Quốc Hội khi hội kiến người đồng nhiệm Trung Quốc Lật Chiến Thư cũng vẫn khẳng định rằng “Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng việc gìn giữ, kế thừa và phát huy tình đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt – Trung” từ thời ông Hồ ông Mao cho tới hàng loạt các lãnh đạo kế nhiệm của hai bên đã “dày công vun đắp” và đó chính là “tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.”
|
Bà Chủ tịch Quốc Hội khi hội kiến người đồng nhiệm Trung Quốc Lật Chiến Thư |
Theo báo chí nhà nước, bà Ngân và ông Lật đã cam kết tuân thủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”và tiếp tục “kiên trì giải quyết vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Hôm thứ Sáu, khi gặp mặt Tập Cận Bình, bà Kim Ngân cũng không làm phật lòng Tập chút nào khi hai bên cùng đồng lòng củng cố tình hữu nghị và hợp tắc sâu rộng để nâng mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Các cam kết này có vẻ như rất thừa vì phía Trung Quốc hết lần này tới lần khác đã có các hành động khiêu khích, thách thức chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Bà Chủ tịch Quốc Hội đã không có lời phản đối hay thậm chí cũng chẳng đề cập gì đến vụ tàu Hải Dương 8 đang ở bãi Tư Chính và căng thẳng trên biển hiện đang diễn ra ngoài những ngôn từ cũ rích.
Hà Nội vẫn luôn phải giữ mồm giữ miệng với Bắc Kinh mà không dám lên tiếng cật lực phản đối ở cấp cao nhất mà chỉ dám mở miệng thông qua người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao sau khi sự việc đã rồi.
Trong khi đó ở nhà, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm bất ngờ vào ngày 11 tháng & tới Trung tâm chỉ huy Cảnh sát biển và nói chuyện trực tuyến qua vệ tinh với các tàu hải cảnh đang làm nhiệm vụ ở Biển Đông. Chuyến thăm này có vẻ rất hữu ý trong tình hình dầu sôi lửa bỏng ở Biển Đông.
Báo chí nhà nước, Bộ Ngoại giao và lãnh đạo nhà nước vẫn lặng câm trước sự kiện này. Có lẽ họ sợ một khi tin tức được lọt ra trên báo chí chính thống, thì tinh thần bài Trung vốn chưa bao giờ nguội lạnh lại có thể làm mồi châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống Trung Quốc từ bắc chí nam.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nặng nề vào doanh nghiệp Trung Quốc đang trải dài khắp các tỉnh thành trên cả nước, nếu có bất cứ một cuộc biểu tình chống Trung Quốc nào xảy ra thì các công ty Trung Quốc một lần nữa sẽ trở thành nơi trút cơn phẫn nộ của người Việt như đã từng xảy ra hồi năm 2014 với sự kiện dàn khoan HY981 vốn đã làm cho quan hệ Việt Trung bị sứt mẻ trầm trọng sau đó và phải mất một thời gian mới có thể “khôi phục” lại được.