Sau khi triển khai vô số các dự án chống ngập tiêu tốn mấy chục ngàn tỷ, Sài Gòn ngập vẫn hoàn ngập, chị gì đó bèn hiến kế mỗi nhà sắm vài cái lu hứng nước chống ngập.
Chị Lu nói cái này Nhật Bản cũng đang làm, ý là phải hứng nước mưa. Để tỏ lòng tôn trọng phụ nữ, có đại gia lên tiếng ủng hộ ý tưởng của chị, nói cái lu mà chị Lu nói là “hình tượng để miêu tả làm sao không dồn nước mưa về chỗ ngập chứ không có nghĩa mỗi nhà có ít nhất một cái lu”.
Xin nói ngay là ở nhiều nước vẫn có chính sách đối với việc dùng nước mưa, nhưng việc này chỉ có ý nghĩa sau một loạt các biện pháp căn bản, trong đó quan trọng nhất là:
1-Hệ thống thoát nước liên tục được cải thiện cho phù hợp với sự gia tăng lưu lượng dân cư.
2- Hệ thống hồ, ao làm nhiệm vụ chứa nước tự nhiên phải được bảo vệ triệt để.
3- Bảo đảm mặt bằng rút nước tự nhiên ở mức tối đa có thể bằng cách: Đánh thuế xây dựng cao theo tỷ lệ bê tông hóa, từ một chuyện nhỏ nhất như làm con đường cho ô tô đi qua vườn vào ga ra, nếu chỉ đổ bê tông trên đường bánh xe sẽ chịu thuế thấp hơn bê tông toàn bộ con đường.
4- Cuối cùng mới là chính sách khuyến khích sử dụng nước mưa. Ở một số nước, nếu gia đình có xây dựng bể chứa nước mưa trên mái nhà dùng để rửa ráy tưới tắm thì nhà nước sẽ áp dụng giá nước dùng để uống thấp hơn những gia đình không xây bể nước mưa.
Các vị đại gia ủng hộ ý tưởng của chị Lu lưu ý: Cái lu rất khác với cái bể, và dù trí tưởng tượng có bay bổng tới đâu thì cái lu cũng không thể trở thành hình tượng miêu tả việc không dồn nước mưa về chỗ ngập. Với tình trạng bê tông hóa tràn lan, với tình trạng hệ thống ao hồ tự nhiên bị san lấp gần hết để lấy đất làm dự án thì cái bể cũng giống như cái lu, chẳng mảy may có một chút xíu tác dụng gì.
Với cái đà này, không ai tin rằng sau khi dự án chống ngập 10 ngàn tỷ đưa vào sử dụng Sài Gòn sẽ bớt ngập, cũng như ba mươi mấy ngàn tỷ đồng đã chi để chống ngập, càng chống càng ngập. Năm năm nữa, mười năm nữa, hai mươi năm nữa cũng chẳng có hy vọng gì.
Nhiều quan chức của ta rất sính cúng bái và cầu đồng, sao không cầu một cái lu thần để mỗi lần mưa xuống thả lu ra hút một phát cho cạn hết nước ?