Câu chuyện Asanzo và hàng Trung Quốc đội lốt sản xuất Việt Nam

Sản phẩm của Asanzo bày bán tại một cửa hàng. Ảnh: vietnambiz
- Quảng Cáo -

Lý Thái Hùng – Web Việt Tân

Từ lúc báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài phanh phui lối làm ăn bất chính của công ty bán hàng điện tử Asanzo của ông Phạm Văn Tam từ ngày 21 tháng Sáu cho đến nay, nghi án hàng Trung Quốc được đánh tráo bằng nhãn hiệu sản xuất tại Việt Nam đã trở thành vấn đề thời sự nóng – không thua gì cái nóng khủng khiếp đang đổ ập đến các tỉnh miền Trung hiện nay.

Trong loạt bài điều tra, báo Tuổi Trẻ đề cập đến hai nội dung chính: xuất xứ hàng hóa Asanzo, việc kê khai nộp thuế của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, linh kiện của tập đoàn điện tử Asanzo. Điều đáng nói là qua loạt bài điều tra này, người ta không chỉ rùng mình về đường dây nhập lậu hay nói rõ hơn là cách mà hàng hóa Trung Quốc đã trung chuyển vào Việt Nam để từ đó xuất khẩu sang các thị trường khác, mà còn cho thấy sự khống chế “toàn diện” các sản phẩm Trung Quốc trên thị trường Việt Nam ở mức độ chóng mặt.

Có thể là ngẫu nhiên, khi loạt bài phanh phui của báo Tuổi Trẻ gây xôn xao dư luận thì phía Hoa Kỳ cũng bắt đầu dậy sóng. Hôm thứ Tư, 26 tháng Sáu, trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên đài FOX Business, Tổng Thống Mỹ Donald Trump chỉ trích thẳng thừng: nhà cầm quyền CSVN đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ. Ông Trump nói khá mạnh rằng: “Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc.” Nhiều cơ quan thông tấn quốc tế dự kiến rằng sau Hội nghị G-20, ông Trump có thể tung biện pháp áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

- Quảng Cáo -

Những diễn biến nói trên không phải là điều bất ngờ mà đã từng được dư luận dự báo, kể từ khi cuộc chiến tranh mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bùng nổ vào tháng Bảy, 2018. Để tránh áp thuế, Trung Quốc chắc chắn là phải di dời một phần nhà máy sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; nhưng Trung Quốc vẫn phải duy trì nhà máy sản xuất để cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong thị trường Hoa Lục và đối với thị trường của một số quốc gia ngoài Hoa Kỳ như Trung Đông, Phi Châu, Âu Châu, v.v…

Nói cách khác, việc di dời nhà máy sản xuất sang Đông Nam Á và Việt Nam để tránh áp thuế chỉ là để qua mặt hải quan Hoa Kỳ, trong thực tế phần lớn nhà máy sản xuất – nhất là các mặt hàng gia công, vẫn còn tiếp tục sản xuất ở Hoa Lục. Trung Quốc lợi dụng kẽ hở của hải quan qua công đoạn Trung Chuyển (transshipment), trong đó các hàng xuất khẩu dưới dạng linh kiện sẽ đóng thuế rất thấp, và được gia công hay thay đổi ở mức tối thiểu trong một lần dừng ngắn tại một nước thứ ba và sau đó tái xuất khẩu duới dạng sản phẩm có nguồn gốc từ nước thứ ba.

Loạt bài điều tra của báo Tuổi Trẻ đã cho thấy là Tập đoàn công nghệ điện tử Asanzo chỉ mới thành lập từ tháng Mười, 2013, với ba cá nhân gồm bà Phạm Thị The, ông Phạm Văn Toản và ông Phạm Xuân Tình; cả ba chưa hề có kinh nghiệm trong ngành sản xuất điện tử trước đó, nhưng đã đưa Asanzo lớn nhanh, lớn mạnh với sức sống “phù đổng”.

Theo điều tra của báo Vietnamnet, chỉ sau một năm có mặt trên thị trường, Asanzo đã bán ra hơn 100.000 máy tivi. Năm 2015, con số này đã tăng gấp 3. Năm 2016, lượng tivi bán ra đã lên tới con số 500.000 máy, đưa tổng doanh thu của công ty lên đến hơn 2.500 tỷ đồng. Đến năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017. Hiện tại, với hơn 70 dòng sản phẩm đã đưa Asanzo lọt Top 3 trên thị trường điện tử Việt Nam, chiếm 18% thị phần cả nước.

Để có sức sống “phù đổng” như vậy, ông Phạm Văn Tam, CEO của Tập đoàn Asanzo giải thích là nhập 70% linh kiện từ Trung Quốc, 30% còn lại Asanzo tự làm ở Việt Nam. Nhưng khi báo Tuổi Trẻ hỏi 30% tự làm là những gì thì ông Tam cho biết là làm vỏ nhựa, dây nguồn điện, thùng xốp, bao bì giấy, nhân công lắp ráp… Tức là nhà máy ở Việt Nam không sản xuất gì cả mà chỉ lo việc bao bì đóng gói. Nói cách khác, Tập đoàn Asanzo nhập 100% các linh kiện từ Trung Quốc, và để lừa dối người tiêu thụ họ đã cho công nhân gỡ các nhãn hiệu “Made in China” thay vào đó dán nhãn “sản xuất tại Việt Nam” trước khi ráp lại thành sản phẩm để bán tại thị trường Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ngoài ra để tránh thuế, Tập đoàn Asanzo còn lập ra rất nhiều công ty ma để nhập các linh kiện từ Trung Quốc; nhưng tất cả các hàng hóa này sau khi vào đến Việt Nam đều tập trung chở về kho hàng của Asanzo tại Khu Công Nghiệp Vĩnh Lộc, Quận Bình Tân, TP.HCM. Theo điều tra của báo Tuổi Trẻ, từ năm 2014 đến nay có tới 19 công ty ma dưới các tên Sa Huỳnh, Trần Thoàn, Nguyên Tuấn, Khải Phong Sài Gòn, Nam Tiến, Việt Nhật… không chỉ nhập panel LCD mà còn nhập nồi cơm điện, máy xay sinh tố, bình thủy, lò nướng… từ Trung Quốc.

Nhưng điểm đáng quan ngại chính là mạng chân rết các công ty Trung Quốc đã sản xuất và chuyển các linh kiện điện tử cho những công ty ma do Tập đoàn Asanzo dựng ra để nhận hàng, và tất cả đã đi trót lọt. Nếu như không có bàn tay bên trong của hải quan Việt Nam và Trung Quốc, thì làm sao các linh kiện của Trung Quốc vừa hưởng giảm thuế trung chuyển, vừa tránh thuế nhập khẩu.

Theo điều tra của Tuổi Trẻ, có hơn 20 công ty của Trung Quốc nằm trong mạng lưới chân rết chuyển hàng cho Tập đoàn Asanzo gồm: Từ tỉnh Chiết Giang có các công ty Ninbo Vecco, Zhejiang Yueli, Cixi Wanfa Plastic, Ninbo Aux; từ tỉnh Quảng Châu có công ty Guangzhou Luckyvision, Giangzhou Lont; từ tỉnh Quảng Đông có các công ty Winstar, Guangdong Mibao, Huizhou Kaini, Guangdong Weking, Guangdong Zhangjiang, Zhonshan Silk, Shenzhen Litai, Guangdong Galanz, Dongguan City De Hui, Jipin Electrical; từ Hong Kong có các công ty Xiaolaijiao, Hoi Fu Paper, Hong Kong Konda, Xin Ying Global, Hong Kong Heng Da, Hong Kong Kangguan, …

Việc nhiều công ty Việt Nam cấu kết với công ty Trung Quốc, nhập các linh kiện từ Trung Quốc, rồi lắp ráp bán ở thị trường nội địa Việt Nam, Lào, Campuchia không phải là sự kiện mới lạ. Tuy nhiên qua sự kiện Asanzo, rõ ràng là chính sách áp thuế của Hoa Kỳ lên các mặt hàng của Trung Quốc đã có những tác dụng tồi tệ lên nhãn hiệu “made in China”, nên Asanzo từ năm 2018 đã phải gỡ tem “made in china” để thay bằng tem “sản xuất tại Việt Nam”, từ đó thổi phồng thành sản phẩm nội địa để đánh lừa người tiêu thụ ở ba nước Đông Dương. Song song, Asanzo không còn nhập các linh kiện để lắp ráp tại Việt Nam mà nhập thẳng các sản phẩm từ Trung Quốc và chỉ dán “made in Việt Nam” để sau đó xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Theo báo Wall Street Journal, cơ quan Hải Quan và Bảo Vệ Biên Giới Hoa Kỳ (Customs and Border Protection – CBP) cho biết là từ một năm qua, cơ quan này đã xác định việc trung chuyển bất hợp pháp hàng hóa Trung Quốc qua một số nước, trong đó có Việt Nam. Hoa Kỳ đã nắm được một số mấu chốt và sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt trong nay mai.

Câu chuyện Asanzo dùng hàng Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam, chỉ là một phần rất nhỏ được báo Tuổi Trẻ phanh phui của một tảng băng chìm đang đè lên xã hội Việt Nam, đó chính là sự lệ thuộc vào Trung Quốc quá lâu trên mọi lãnh vực. Trong não trạng “nô lệ“ này, chỉ khi nào bị đẩy tới hoàn cảnh hiểm nguy thì con người mới thức tỉnh về đại nạn Hán Hóa. Biết đâu đòn trừng phạt áp thuế của ông Donald Trump đối với Việt Nam sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, nhất là đối với tập đoàn “nô lệ Trung Cộng” tại Bắc Bộ Phủ Hà Nội.

Lý Thái Hùng

***

Xin vui lòng tiếp tay phá vỡ bức màn bưng bít thông tin của chế độ bằng cách SHARE bài viết trên FB của Bạn. Trân trọng cảm ơn Bạn.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here