Ngày 10 tháng 6 năm 2018, hàng ngàn người dân tại một số địa phương là Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu và Sài Gòn xuống đường biểu tình phản đối Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế và Dự thảo Luật An ninh mạng. Những cuộc biểu tình rầm rộ đã khiến hàng trăm người bị bắt và có ít nhất 127 người đã bị kết án tù với các tội như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Nhiều người biểu tình đã bị đánh dã man, trong đó có cả Việt Kiều. Với nhiều người tham gia biểu tình, ký ức của cuộc biểu tình 1 năm trước vẫn còn đậm nét.
Ký ức còn đậm
Anh Đàm Ngọc Tuyên, một người tham gia biểu tình ở Sài Gòn khi trao đổi với RFA hôm 7/6/2019, nhớ lại:
“Mình nhớ hôm đó hơn 10 giờ ngày 10/6, mình cũng ở trong đoàn biểu tình ở khu vực công viên Hoàng Văn Thụ thì không khí rất hừng hực nhiệt huyết. Sau đó mình có quay trở lại khu vực nhà thờ Đức Bà, mình có thấy có rất nhiều người bị ngăn chặn thành từng nhóm nhỏ, có nhiều người bị bắt. Người em trai của mình cũng bị sử dụng bạo lực khi đem nước vô cho những người bị bắt.”
Luật Đặc khu là tên gọi vắn tắt của Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã vấp phải phản đối của người dân khi trình làng tại Quốc hội vào tháng 6/2018. Sở dĩ người dân phản đối vì cho rằng sao chép từ Trung Quốc. Ngoài ra thời hạn thuê đất lên đến 99 năm đối với các trường hợp đặc biệt cũng là một điểm bị người dân phản đối.
Năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng gây nhiều tranh cãi. Chính phủ Việt Nam hy vọng luật mới sẽ giúp bảo đảm an toàn an ninh mạng cho Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng luật này nhằm đàn áp tự do ngôn luận.
Nhạc sĩ Lê Thiệu, người cũng tham gia biểu tình ở Sài Gòn hôm 10/6/2018 để phản đối Luật đặc khu và Luật an ninh mạng, kể lại với chúng tôi việc bắt bớ người biểu tình mà ông chứng kiến khi đó:
“Chính tôi thấy mấy người đeo khẩu trang đứng trên lề đường, chỉ huy mấy người đeo khẩu trang khác đi bắt người, người đầu tiên tôi thấy họ kêu bắt là Trần Bang, có hai người tới kẹp nách Anh Trần Bang đi. Tôi còn nhớ Anh Trần Bang nói để tôi tự đi.”
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 7/6/2019, ông Trần Bang cho biết:
“Hôm đấy tôi biểu tình ở chỗ Nhà thờ Đức Bà, trước Bưu điện Thành phố, lúc đấy tôi mặt áo nâu, trên ngực có khẩu hiệu chống luật an ninh mạng, chúng tôi làm thao tác giống như đang bị trói tay, bịt mồm… chúng tôi đứng trên vỉa hè… sau đó họ quát Trần bang và xông vào đánh phủ đầu và bắt tôi lên xe cùng những người khác và đưa về phường Đa Kao. Về đó tôi mệt nằm lim dim thì có một an ninh mặc thường phục đánh vào tai và vào đầu tôi…”
Không những bị đánh ông Trần Bang còn cho biết công an phường Đa Kao cho Hội cờ đỏ đóng vai dân vào đấu tố ông:
“Họ nói tôi nhận tiền để biểu tình, họ nói nếu không có công an bảo vệ tôi thì họ đã xé xác tôi rồi, rất hỗn hào, láo toét. Nó đấu tố, nó đổ nước vào mình, nó vọc và xé khẩu hiệu của mình. Nó quay phim và live stream mình. Nó làm mình liên tưởng đến cải cách ruộng đất.”
Theo báo chí trong nước, khoảng 310 người bị bắt giữ tại Thành phố Hồ Chí Minh sau những cuộc biểu tình vào ngày 10,11/6/2018.
Ông Huỳnh Tấn Tuyên, một Phật tử thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam Tống Nhất ở Vũng Tàu kể lại cho chúng tôi hôm 7/6/2019 về việc ông bị đánh khi biểu tình ở Sài Gòn:
“Hôm tôi biểu tình 10/6, có một nhóm an ninh đặc biệt theo dõi tôi, khi tôi bị đi chậm lại phía sau thì nó kêu to ‘bắt thằng này’, và khoảng 20 người an ninh ngăn dòng người và bắt tôi. Tôi là người bị bắt đầu tiên trong cuộc biểu tình đó, họ đưa tôi lên một chiếc xe gần đó. Khi lên xe thì tôi bị một nhóm người mặc thường phục đánh tôi bằng cây ba trắc. Và người kế tiếp đánh tôi gãy răng cửa máu chảy nhiều lắm.”
Tạị Hà Nội, theo ghi nhận của những người chứng kiến, có khoảng 150 đến 200 người tham gia biểu tình ở khu vực trung tâm thành phố. An ninh và công an cũng được huy động để đàn áp biểu tình theo các hình ảnh và video lan truyền trên mạng. Nhà hoạt động Trịnh Hiển khi trao đổi với RFA trước đây cho biết, có ít nhất khoảng 10 người bị túm tóc, lôi lên xe buýt ngay trước tượng đài vua Lý Thái Tổ.
Biểu tình cũng nổ ra ở thành phố biển Nha Trang nhưng có phần ôn hòa hơn các địa phương khác. Theo Chị Nguyễn Lai, một người biểu tình tại Nha Trang, người biểu tình mang theo cờ và khẩu hiệu tập trung tại Quảng trường 2/4 Trần Phú. Chị nhớ lại:
“Ngày 10/6/2018 là ngày Chị có mặt biểu tình cùng mọi người ở Nha Trang, Chị không ngờ lượng người đi biểu tình rất đông. Lâu nay cứ nghĩ dân Nha Trang hiền hòa không quan tâm hiện tình đất nước nhưng luật đặc khu cho thuê đất 99 năm đụng đến non sông đất nước thì mình mới hiểu được lòng dân lúc đó. Sau đó một ngày thì mình có nghe có một số người bị bắt trong khu vực đồng bò, đồng muối vì đốt xe và đánh người Trung Quốc, nhưng sau đó họ cũng thả ra.”
Biểu tình chống hai dự luật Đặc Khu và An Ninh Mạng cũng nổ ra tại tại tỉnh Bình Thuận trong các ngày 10 và 11 tháng 6. Theo AFP, cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ ít nhất 100 người trong vụ biểu tình tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Những người biểu tình tại đây đã dùng bom xăng tự chế phóng hỏa đốt một số trụ sở cơ quan Nhà nước; cũng như ném gạch đá vào lực lượng cảnh sát cơ động khiến hằng chục nhân viên công lực bị thương.
Những ngày sau đó, khu vực Bình Thuận gần như bị cô lập, khi công an, an ninh tìm kiếm bắt bớ người biểu tình. Anh Đàm Ngọc Tuyên nhớ lại:
“Ngoài ở Sài Gòn, sau 3 ngày mình có đến Phan Thiết, lúc đó ở Phan Thiết và Phan Rí xảy ra tình trạng người dân bị đàn áp rất dữ. Không thể diễn tả hết việc chính quyền sử dụng bạo lực và đe dọa người dân ở khu vực đó. Tôi thấy rất khó diễn tả không khí lúc đó, hầu như người dân không ai dám nhắc đến từ ‘biểu tình’.”
Đàn áp sau biểu tình
Một tuần sau đó, vào ngày 17/6/2018, nhiều nơi tại Việt Nam, người dân tiếp tục kêu gọi nhau xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ Hà Nội cho Trung Quốc đầu tư vào các đặc khu kinh tế. Tuy nhiên tại Sài Gòn khi đó, được cho là giống như ban bố tình trạng khẩn cấp khi có khủng bố. Cuộc biểu tình bị ngăn chặn ngay từ đầu, nhiều người bị bắt và bị đánh.
Cô Nguyễn Ngọc Lụa, người bị bắt đưa về trụ sở Công an Phường Bến Nghé hôm 17/6/2018, trong một lần trả lời RFA cho biết:
“Những người bị đưa vào, trên mặt họ đều có máu. Chúng tôi ở phía ngoài, còn người ở bên trong khi bị đánh kêu lên ‘Cứu tôi với, công an đánh tôi’. Tôi cảm thấy họ đánh rất đau nên tôi nói với họ ‘Đừng đánh anh đó nữa; đó là người anh em của chúng tôi chứ không phải người Trung Quốc đâu mà đánh. Chúng tôi đứng lên yêu cầu đừng đánh thì họ dùng dui cui đánh và nói ‘Ngồi xuống, tụi bây chống phá hả!”
Theo số liệu thống kê của trang The 88 Project mới đây, có đến 127 bị bắt giam giữ hoặc hoặc có nguy cơ bị bắt giam giữ sau khi tham gia biểu tình hồi tháng 6 năm 2018. Trong số đó, có 92 người bị tuyên án tù.
Trong số 127 người vừa nói, có 80 người ở tỉnh Bình Thuận, 23 người ở tỉnh Đồng Nai và 22 người tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do không có phương tiện truyền thông độc lập ở Việt Nam, nhiều khả năng con số người đang ở tù hoặc bị quấy rối do tham gia vào các cuộc biểu tình còn cao hơn con số thống kê.
Hầu hết tất cả những người bị cầm tù đã bị buộc tội hoặc xét xử theo Điều 318 của Bộ luật Hình sự 2015 vì tội gây rối trật tự công cộng. Nhiều người đã bị xét xử mà không có luật sư, và hầu hết tất cả đã bị xét xử trong một ngày với 10 hoặc 15 tù nhân khác.
Trang Asia Times cho rằng, cuộc biểu tình tháng 6 năm 2018, ngoài việc phản đối Trung Quốc còn thể hiện những vấn đề về dân chủ và nhân quyền, rõ ràng đang ngày càng có nhiều người Việt Nam đặt nghi vấn về tính chính danh của Đảng Cộng sản cầm quyền./.