nguyenlanthang – RFA
Nhà tôi vốn ở trong ngõ nhỏ khá sâu. Thế nên khá nhiều lần tôi đi lại trong ngõ gặp chuyện bực mình thế này. Thường thì mọi người ở trong xóm mỗi khi đi đâu phải dắt xe ra khỏi nhà, khoá cổng lại, rồi mới nổ máy xe đi. Người ý tứ thì ngay khi dắt xe ra, họ luôn dẹp xe vào sát tường rồi mới quay vào khoá cổng. Hành động này tuy nhỏ thôi, nhưng là để nếu có ai qua lại trong ngõ lúc đó thì đỡ bị vướng đường. Nhưng có người thì chẳng bao giờ để ý chuyện ấy, cứ dắt xe ra ngõ là để quay ngang đường choáng hết lối đi, và điều kỳ lạ tôi thấy rằng hầu hết những trường hợp này là trẻ con. Tất nhiên là khi tôi phải phanh xe lại chờ cũng hơi khó chịu, nhưng đều kiên nhẫn đợi mấy cháu khoá cổng cho xong. Thực ra các cháu cũng ngoan thôi, nhưng có lẽ không được chỉ bảo cách ứng xử cẩn thận, và cũng không nhận ra việc đang làm phiền người khác vì chuyện nhỏ đó.
Chuyện vặt vãnh là vậy, nhưng tôi cho rằng thực ra nó là dấu hiệu của một vấn đề rất lớn trong xã hội chúng ta, đó là vấn đề giáo dục con người. Không chỉ là tri thức trong sách vở mà những kỹ năng giao tiếp và ứng xử hàng ngày là những điều quan trọng để mỗi người tạo lập được sự giao tiếp tốt, có mối quan hệ tốt với những người xung quanh. Khả năng quan hệ, kỹ năng giao tiếp là chìa khoá quan trọng nhất để cho ta có một cuộc đời thành đạt và hạnh phúc. Tôi thách bất cứ vị nào phản bác câu nói này: “Không một ai trên đời này dù rất giỏi giang mà không có mối quan hệ tốt lại có thể thành công trong cuộc sống”.
Những năm gần đây, tuy vấn đề giáo dục con người rất được quan tâm, nhưng có lẽ dư luận cũng như báo chí chỉ chú trọng vào những vấn nạn giáo dục xuống cấp trong nhà trường, chứ chưa để ý nhiều đến việc giáo dục trong gia đình. Tuần nào, tháng nào ở đâu đó cũng xảy ra chuyện bạo lực học đường, nào thì trò đánh nhau, thầy đánh trò, rồi lại cả chuyện trò đánh lại thầy. Hơn bao giờ hết, xã hội đang đòi hỏi phải chấn chỉnh lại những chuyện này trong học đường. Tuy nhiên theo tôi thì những chuyện đó ta không thể xem xét vấn đề trong mối quan hệ khép kín là chuyện thầy với trò, mà còn phải xét đến nhiều khía cạnh khác như vai trò của gia đình, của nhà trường, của lãnh đạo ngành giáo dục và trên hết là vai trò của nhà nước trong chuyện này. Tuy vậy trong các nhân tố tôi vừa nêu ra đây thì có lẽ ai cũng đồng tình rằng, vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục con người chính là gia đình. Không có những biện pháp phối hợp giữa gia đình và thầy cô, chắc chắn sẽ xảy ra những xung đột, và rồi điều đáng tiếc sẽ xảy ra, không ai được lợi gì trong chuyện đó cả.
Mới đây thôi có một vụ việc là một cô giáo đã bắt học trò quỳ trong lớp suốt giờ giảng. Sau khi hình ảnh đó được chụp lại và lan truyền trên mạng xã hội thì một làn sóng phẫn nộ bùng lên. Cô giáo bị đình chỉ. Rất nhiều cha mẹ lên án. Có người còn tuyên bố: con tao mà thế này thì tao giết… rất căng thẳng. Tuy vậy có một ý kiến như thế này: Quỳ không chết, con hư mới chết! Đó là tiêu đề của một bài báo mà tôi cho là rất hay, do tác giả Nam Nguyễn đăng trên báo Thời Đại số ra gần đây. Người khen cũng nhiều mà người phê phán bài báo này cũng lắm. Thôi thì dạy con là việc mỗi nhà, tôi cũng không dám phán xét gì ai khác với ý mình, nhưng xin được kể câu chuyện của chính tôi ngày xưa, để mong quý vị gần xa qua câu chuyện này có được cho mình một sự lựa chọn đúng đắn trong việc dạy con của mình.
Hồi bé lúc hơn 10 tuổi tôi nghịch lắm. Nghịch kinh thiên động địa. Nghịch nhất cả họ. Nghịch đến độ đến tận bây giờ mỗi dịp giỗ chạp trong nhà, mọi người còn kể lại những truyền thuyết đó. Số là hồi đó nhà nghèo, mẹ tôi phải đi Liên Xô xuất khẩu lao động từ lúc tôi học lớp 1. Ở nhà với bố và ông bà nội, thế nên dù cũng được cả nhà quan tâm chiều chuộng, nhưng tôi vẫn là một đứa trẻ thiếu vắng mẹ mất mấy năm giai đoạn đầu đời. Đến khi mẹ về hẳn Việt Nam thì lúc này tôi đã học lớp 5. Lúc đó tôi học cũng bình bình trong lớp, nhưng mải chơi và ngỗ ngược vì vốn được chiều. Thế nên dù tư chất chả kém gì ai, nhưng tôi chưa bao giờ học đạt đến mức khá ở trong lớp. Là gia đình có truyền thống học hành, nên mẹ tôi buồn và xấu hổ lắm. Thế rồi không biết sao mẹ bàn với bố và gửi tôi vào một lớp học thêm ở gần nhà. Đó là một ông thầy dạy toán, nhà ở cuối B16 khu tập thể Kim Liên. Ông thầy này thì nổi tiếng vô cùng “hung ác”. Lớp học trong căn hộ tập thể rất chật trên tầng 2, khoảng 30 đứa học trò lít nhít ngồi co chân dưới đất, trước mặt là cái ghế đẩu làm bàn học. Vậy mà cả lũ im thin thít nghe giảng và làm bài, vì lơ mơ là chết đòn với ông ấy. Nói chuyện riêng, bị quật. Không làm bài tập về nhà, bị quật. Quật bằng thước gỗ lim đến tím tay chứ không phải vớ vẩn đâu. Bố mẹ nào không chấp nhận cách giáo dục này thì đừng mơ việc mang con đến lớp của ông ý. Lúc ban đầu tôi cũng bị đánh ghê lắm. Bố mẹ im lặng. Ông bà nội cũng im lặng. Tôi chỉ còn một con đường để tránh đòn roi là tập trung vào học cho tốt, và chịu vào khuôn phép của thầy. Một tháng sau điều kỳ diệu đã xảy ra. Tôi liên tục được điểm 10 môn toán và kết quả các môn học khác khá hẳn lên. Cho đến tận bây giờ, tôi không bao giờ nhớ những phần thưởng mà mình đạt được do học tốt, mà chỉ nhớ những đòn roi mà mình phải chịu khi chểnh mảng học hành.
Sau này khi lớn lên, tôi mới nghiệm thấy mình vô cùng may mắn khi được bố mẹ ép vào cái lớp học thêm nhỏ đó. Không có kỷ luật hà khắc đó, tôi đã không thể thành người.
Nói đến đây chắc nhiều bạn có lẽ vẫn chưa đồng tình với ý kiến của tôi. Các bạn có thể viện dẫn những lý lẽ của Kỷ luật không nước mắt, của phương pháp giáo dục Montessori hay của nhiều phương pháp giáo dục hiện đại khác để phản bác quan điểm của tôi. Xin thưa rằng thực ra tôi cũng rất đồng tình với các quan điểm giáo dục đó, nhưng quan trọng là, nó chỉ hiệu quả khi ta áp dụng nó trong một môi trường hoàn hảo, và đứa trẻ còn nhỏ, chưa định hình kịp các tính cách xấu ở trong mình. Nhân cách đứa trẻ hình thành ngay từ khi lọt lòng. Ngay từ khi bé nằm nôi, hễ đứa nào được bế ẵm ngay khi khóc, chắc chắn đứa trẻ đó sẽ hay ăn vạ và lâu dần sẽ hình thành sự ích kỷ, luôn đòi hỏi ở người khác, mà không bao giờ ý thức được trách nhiệm, được thái độ của mình với người xung quanh. Mỗi người chúng ta khi có gia đình ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất. Nhưng luôn có những biến cố trong cuộc đời làm ta không thể toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Thiếu sự quan tâm của người lớn chính là lúc nguy hiểm nhất làm đứa trẻ sinh hư. Tình trạng phó mặc đứa trẻ cho ông bà, cho người giúp việc và cho nhà trường là điều diễn ra rất phổ biến trong xã hội chúng ta.
Khi câu chuyện cô giáo bắt học sinh quỳ trong lớp nổ ra, tôi có tâm sự với một cô giáo đang dạy tiểu học và cô ý nói thế này, xin được trích nguyên văn một đoạn:
<<<…Em làm giáo viên, 9 năm trước nhiệt huyết lắm anh. Nhưng giờ thì em hết rồi. Nếu em như cô giáo kia, em tự xin nghỉ, chứ em không để ai có thể kỉ luật em. Vì quản lí ngành giáo dục chẳng ai đủ tư cách để kỉ luật 1 người giáo viên như thế. Là cấp quản lí, nhưng họ sợ cấp trên, cấp trên nữa. Có 1 việc gì đó thì cứ giáo viên mà đè ra kỉ luật để làm yên lặng dư luận. Em dạy cấp 1 nên em không biết các cấp trên như thế nào. Nhưng giáo dục nó hư ngay từ cấp 1. Giáo viên không có quyền dạy học sinh, không có quyền cho học sinh ở lại lớp, không có quyền nói lên chính kiến dạy như thế nào, học sách ra làm sao, mà chỉ có mấy ông cấp trên, cấp quản lí quyết định hết.
Mới vừa xảy ra 1 chuyện thế này, có 1 giáo viên tát học sinh, nhưng là học sinh đã dàn dựng sẵn, để quay clip up lên mạng chơi. Thế là cô bị nghỉ dạy và hiệu trưởng cũng như các cấp không hề tìm hiểu rõ sự việc. Thực ra là, có 2 em học sinh, 1 em thủ sẵn điện thoại, 1 em hát tục tĩu. “mặt cô như cái mâm, mặt cô như….”. Cô yêu cầu học sinh không hát nữa. Nó vẫn tiếp tục hát. Thế là cô nổi nóng tát luôn…
…nhiều phụ huynh con quậy, con hư, con trốn học. Em mời 3 lần không đến. Em tới tận nhà không tiếp. Tiền ăn của con không nộp, em phải nộp, vậy đó. Nhưng đụng tới con họ, hay giáo viên mất bình tĩnh 1 xí thôi, là họ lên thẳng hiệu trưởng, và giáo viên thì coi như phải này kia xin lỗi…
…1 lớp 30 đứa, phải giỏi 29 thì phụ huynh và nhà trường mới chịu. Thi giáo viên giỏi thì như diễn kịch. Những giáo viên dạy lớp cá biệt thì toàn là “giáo viên không giỏi”, là không giỏi nói ngọt nên toàn bị đè vào các lớp đó. Ai có đảng thì được ưu tiên. Ai có đảng mới được làm tổ trưởng, quản lí, dù dốt đặc. Em nào bố mẹ quà cáp cô hậu hĩnh thì nghiễm nhiên nhất nhì ba lớp. Giáo viên nào ý kiến muốn 1 – 2 em ở lại lớp là xác định trước đi, năm sau nhai lớp xương xẩu. Xét thi đua thì bè phái… Bởi vậy, ngày còn nhỏ ước mơ, nhiệt huyết học để thành giáo viên. Giờ qua 9 năm, coi như không còn tâm huyết gì nữa. Nếu 1 ngày nào đó mất tình tĩnh, tát 1 em học sinh nào đó, bị phụ huynh thưa kiện, thì em sẵn sàng nghỉ dạy. Còn bây giờ theo nghề giáo phải bình tĩnh để giữ danh dự cho bản thân và gia đình mình, dù rằng nhiều lúc LƯƠNG TÂM cắn rứt vì mình làm chưa hết lương tâm của 1 người thầy…>>>
Trên đây chỉ là một phần tâm sự của một cô giáo tiểu học với tôi thôi. Còn rất nhiều vấn đề nữa mà cô nói và khuyên tôi nên vào nhóm Facebook “Chúng tôi là giáo viên tiểu học” để tìm hiểu tâm tư. Tôi đã xin phép cô giáo đăng lại nội dung tâm sự này, qua đó để quý vị gần xa hiểu rõ câu chuyện trong ngành giáo dục, bình tĩnh xét đoán vấn đề, và hơn hết là thấy được trách nhiệm của mình trong việc dạy dỗ con cái. Tôi đã từng nói thế này: “Những đứa phải quỳ ở lớp thì tôi cho rằng lỗi ở bố mẹ trước tiên. Trẻ con được dạy tử tế ở nhà thì chả bao giờ ra trường làm phiền đến ai. Khổ cái là các vị chiều con thì không bao giờ thấy lỗi ở mình, chỉ biết đổ lỗi cho cả thế giới thôi. Ờ thôi tuỳ, cứ để lúc già cả phải chịu cảnh con hư, con phá gia chi tử mới thấy cái cảnh!”. Tôi biết có những vấn đề trong ngành giáo dục nước ta, và tôi cũng muốn có sự công bằng. Nhưng khi sự việc xảy ra, xin hãy nhìn nhiều chiều, hãy thấy trách nhiệm của mình với con cái, và thấy trách nhiệm của các vị lãnh đạo chứ đừng đổ hết lên đầu một giáo viên nào đó. Có bạn hỏi tôi rằng: “Nhưng ý anh là sao? Đồng ý hay k chuyện quỳ một cái ở lớp.”. Tôi đã nói thế này: “con anh mà đáng phải quỳ thì anh cũng đến lớp quỳ cùng con luôn”.
Chúng ta rồi ai cũng sẽ chết đi. Nhà cao cửa rộng rồi cũng không thể mang theo. Dù bạn là xe ôm hay quét rác ngoài đường, nhưng những đứa con của bạn chính là di sản của bạn để lại trên cuộc đời này. Nếu con bạn là một người thành đạt và hạnh phúc thì xã hội sẽ luôn nhớ đến bạn, tác giả của tuyệt phẩm này. Xin hãy cẩn thận và chăm chú nuôi dạy con cái mình, vì đó chính là công việc trọng đại nhất của cuộc đời bạn./.