Trước các thông tin tù nhân được phóng thích như trường hợp ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), ông Cù Huy Hà Vũ, luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thu Hà, cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) … chúng ta có bao giờ đặt dấu hỏi họ đã được trả tự do, thoát tình cảnh câu thúc thân thể theo thủ tục pháp luật nào?
Câu giải thích thường nghe từ chính quyền cho các trường hợp phóng thích là vì lý do nhân đạo! Rõ ràng, câu giải thích này chỉ đề cặp về tính chất sự việc chứ không nêu được cơ sở pháp lý nào cho những hành vi phóng thích tù nhân!
Với các tù nhân thông thường, sau khi mãn hạn tù, họ được trả tự do và mặc nhiên không còn bị xem là tội phạm nữa. Nhưng với các trường hợp vừa kể trên, từ tình cảnh đang thụ án với tư cách là phạm nhân tại trại giam, họ được phóng thích đưa đi xuất cảnh như là một cách miễn chấp hành hình phạt. Điều đáng nói là họ không được xóa bỏ tư cách tội phạm tại VN, nơi kết án họ. Bởi lẽ đơn giản, bản án kết tội họ vẫn còn hiệu lực pháp luật! Nếu họ cần lập lý lịch tư pháp, chắc chắn rằng trong mục nhân thân vẫn phải ghi nhận họ là người đã có tiền án, tiền sự và đang thụ án.
Đối với những người được phóng thích, họ chỉ có thể phục hồi đầy đủ tư cách công dân và được coi là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự khi mà đi đôi với việc phóng thích, thì bản án kết tội họ phải được hủy bằng thủ tục giám đốc thẩm, hoặc tái thẩm từ một phán quyết của toà án cấp có thẩm quyền.
Trở lại câu hỏi về cơ sở pháp lý của việc phóng thích tù nhân, ta có thể có câu trả lời khá bất ngờ: Không có cơ sở pháp lý nào cả. Vì lẽ, không có một quy định nào cho phép việc chính quyền phóng thích, tha bổng một người đang thụ án cả. Phóng thích, tha bổng hay miễn chấp hành hình phạt không phải là một thủ tục tố tụng mà là một hành vi phi tố tụng, không chỉ thế, phi luật pháp. Thuần túy, nó là một hành vi phát sinh từ các động cơ chính trị mà có. Nếu được phép đặt tên, ta sẽ gọi thủ tục đó bằng hỗn danh “Ông cố nội luật pháp”.
Theo quy định tố tụng, duy nhất chỉ có một trường hợp cơ quan hành pháp được quyền thay đổi phán quyết của tòa án là ân xá một phạm nhân bị tuyên án từ hình phạt tử hình chuyển thành hình phạt chung thân mà thôi.
Thế nhưng, qua việc phóng thích tù nhân hoặc tha bổng, miễn chấp hành hình phạt cho thấy một thực tế phi pháp lý hiện nay, rằng với những tác động chính trị thì cơ quan hành pháp có thể vượt thẩm quyền luật định để thay đổi, thậm chí, đình chỉ vĩnh viễn hiệu lực phán quyết tài phán.
Trong trường hợp khác nổi tiếng đối với ông Trịnh Vĩnh Bình. Công chúng có dịp chứng kiến sự phân tranh công lý giữa hai bản án. Một bản án trong nước vẫn còn nguyên hiệu lực có nội dung phán quyết rằng ông Trịnh Vĩnh Bình là một tội phạm hình sự và một bản án khác của cơ quan tài phán quốc tế có nội dung phủ nhận hoàn toàn bản án trong nước. Trong đó, còn quy định cả khoản bồi thường mà chính phủ Việt Nam phải gánh chịu. Với sự phân tranh công lý của hai bản án, thì bản án của cơ quan tài phán quốc tế đã chiếm thế thượng phong với khả năng bủa vây tài sản của chính phủ VN để bảo đảm thi hành án. Mọi toan tính “xù” thi hành án trong phạm vi đối với quốc tế là bất khả thi. Trong khi đó, bản án trong nước đành chịu phận lép vế vì hầu như không có khả năng buộc ông Trịnh Vĩnh Bình phải thụ án tù giam.
Giả thiết thú vị về vấn đề pháp lý được đặt ra. Khi các vị đã từng được phóng thích như : Ông Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), ông Cù Huy Hà Vũ, luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thu Hà, cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) hay cả ông Trịnh Vĩnh Bình … trở về VN thăm quê hương, sinh sống, thì chính quyền sẽ hành xử như thế nào với họ? Có thể buộc họ tiếp tục chấp hành hình phạt? Có thể cấp lại Căn cước công dân cho họ? Có thể để họ thực hiện quyền bầu cử, ứng cử các cơ quan dân cử … trong hoàn cảnh khi mà họ vẫn bị coi là tội phạm hình sự vì bản án tuyên họ phạm tội vẫn còn tồn tại nguyên vẹn về phương diện hiệu lực pháp lý.
Tuy vậy, đã có một “án lệ” điển hình mang tính cách tham khảo là trường hợp của cô Lê Thu Hà (nhóm Hội Anh Em Dân Chủ). Cô bị tuyên án và được phóng thích xuất cảnh đi Đức vào thượng tuần tháng 06/2018, đến tháng 11/2018 thì cô trở về VN và không được chính quyền VN cho phép nhập cảnh, mặc dù, về phương diện pháp lý thì cô Hà vẫn là công dân VN. Buộc lòng, cô phải trở lại Đức và sinh sống tại đó cho đến nay!?
Việc từ chối cho chính công dân VN nhập cảnh vào VN là đi ngược lại với quyền hiến định của công dân. Nói khác, đó cũng lại là một thủ tục thuộc loại “Ông cố nội luật pháp” trong vô số các “Ông cố nội luật pháp” đang tồn tại song hành cùng với luật pháp thành văn do quốc hội ban hành.
Trước thực tế đó, việc cần bổ cứu, luật hóa vấn đề để bảo đảm nguyên tắc nhà nước pháp quyền, rằng mọi hành xử của chính quyền đều dựa trên cơ sở pháp lý cũng là một giải pháp khá nan giải. Bởi lẽ, sự luật hóa vấn đề có tính chất ưu quyền cũng vô hình chung phủ nhận nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật.
Thế nên, trong hoàn cảnh đó, bộ mặt hoàn chỉnh của luật pháp xứ này chỉ có thể đầy đủ khi mà sự liệt kê phải nhất thiết bảo đảm bao gồm các “Ông cố nội luật pháp”: Hiến pháp, bộ luật, luật, nghị định, thông tư, quyết định và ông cố nội luật pháp. Trong đó, ông cố nội luật pháp có vị trí ngang bằng, hoặc thậm chí, cao hơn hiến pháp./.