Mạnh Kim – VOA
Câu chuyện Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu (Nam Định) đứng trước khả năng bị phá để xây mới vào ngày 13-5-2019 đang gây phản ứng bất bình gay gắt. Câu chuyện Nhà thờ Bùi Chu còn làm dấy lên câu hỏi về việc bảo vệ di sản trước làn sóng phá hoại di sản không chỉ đối với nhà thờ và đình chùa cổ mà còn nhiều kiến trúc cổ khác…
Trong vụ Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu, ông Martin Rama, chánh kinh tế gia Ngân hàng Thế giới đặc trách khu vực Nam Á, một công dân Uruguay, đã gửi bức thư thống thiết đến các vị chức sắc giáo hội Bùi Chu:
“Tôi hiểu rất rõ lý do để thay thế những tòa nhà cũ này. Cải tạo chúng sẽ rất tốn kém. Với sự lâu đời và tình trạng hư hỏng tồi tệ, có nguy cơ dầm hoặc vữa rơi xuống từ trần nhà có thể khiến hàng loạt giáo dân vô tội cầu nguyện trong nhà thờ bị thương, thậm chí thiệt mạng. Chính phủ thì không cung cấp các nguồn lực để chăm sóc đúng cách cho các tòa kiến trúc già nua này và không có sẵn đất ở gần đó để xây dựng các công trình mới. Bên cạnh đó, hầu hết nhà thờ không có mặt trong danh sách di sản cần được bảo vệ, và do đó, Giáo hội Công giáo có quyền hợp pháp để loại bỏ chúng.
Tất cả điều này là hoàn toàn đúng, nhưng tôi sợ rằng lịch sử sẽ không nhìn nhận đúng đắn với quyết định này. Việt Nam chưa phải là một nước giàu, và dễ hiểu được rằng người dân đặt sự tiện lợi lên trước di sản. Không ai có thể chỉ trích họ vì điều đó. Nhưng tôi không hoài nghi rằng Việt Nam rồi sẽ thịnh vượng. Các thế hệ sau sẽ đi ra nước ngoài, thưởng ngoạn các thành phố châu Âu, được tiếp xúc với tư duy thế giới… Và sớm muộn họ sẽ nhìn lại, nhớ về đất nước xinh đẹp mà họ đã lớn lên và đặt câu hỏi rằng ai phải chịu trách nhiệm cho sự mất mát những đặc sắc của đất nước. Thỉnh nguyện những giá trị mạnh mẽ tương tự và sự nhạy cảm sâu sắc mà Giáo hội Công giáo là hiện thân, họ có thể buồn bã nghi ngờ những quyết định của cha ông mình”…
Cách đây hai năm, 2017, một “nhà chúa” diễm lệ cổ kính – Nhà thờ Trà Cổ (Quảng Ninh), tồn tại với tuế nguyệt từ thế kỷ 19 – đã đau đớn “thể xác” trước những nhát búa vô tri. Làn sóng “trùng tu” bằng việc đập cũ-xây mới đối với các kiến trúc nhà thờ thật ra đang diễn ra nhiều nơi. Trong bài “Bảo tồn văn hóa vật thể Công giáo”, tạp chí Đồng Hành (số 8, tháng 4-2017) đã dẫn lời tác giả Nguyễn Hồng Dương trong cuốn Nhà thờ Công giáo Việt Nam (Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội 2003) như sau:
“Sự hiện diện của các cơ sở thờ tự Công Giáo đã làm cho nghệ thuật kiến trúc Việt Nam đa dạng. Qua những ngôi nhà thờ này, chúng ta không chỉ biết về một loại hình kiến trúc cơ sở thờ tự Công Giáo mà còn biết được sự tài ba khéo léo của ông cha ta, bởi hầu hết các thánh đường đều thấm đượm công sức, nhiều khi cả xương máu của người Việt. Nhà thờ Công Giáo mang phong cách Á Đông là thể hiện sự sáng tạo trong nghệ thuật kiến trúc Việt Nam. Đó là những di sản lịch sử văn hóa quí giá của cha ông ta cần được trân trọng gìn giữ. Nơi nhà thờ Công Giáo còn lưu giữ những tranh ảnh, tượng về Chúa, về Đức Maria, về các thánh, lưu giữ những điêu khắc trên các chất liệu khác nhau do ông cha ta tác tạo. Những nhà nghiên cứu về nghệ thuật tranh tượng, điêu khắc Việt Nam không thể không nghiên cứu nó”.
Những giá trị văn hóa ấy đã được “tiếp nhận” bằng những “nhận thức” kỳ lạ: hoặc đập nát để xây mới hoặc sơn phết lòe loẹt bất chấp thẩm mỹ phổ thông huống hồ thẩm mỹ kiến trúc tôn giáo. Cho đến nay, chỉ có một nhà thờ ở Việt Nam được xếp hạng di tích quốc gia và được bảo vệ theo Luật Di sản Văn hóa. Đó là Nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình. Từ năm 2005, nhà nước Việt Nam đã chọn ngày 23-11 làm “Ngày Di sản văn hóa Việt Nam”, với “mục đích nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tuy nhiên, nói thì như thế nhưng ai làm gì và làm như thế nào thì gần như chẳng ai kiểm soát. Cách đây hai năm, 2017, lăng mộ của bà Trần Thị Nga – mẹ vua Dục Đức – đã bị “kẻ gian đập phá, đào bới nghiêm trọng”. Trước đó, mộ bà tài nhân họ Lê – phi tần của vua Tự Đức – cũng bị một công ty tự ý san phẳng để thực hiện dự án bãi đỗ xe. Chính quyền địa phương không biết gì về chuyện này? Và rồi người ta xử lý ra sao? Lờ cả làng. Huề cả làng!
Tổng cộng, Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích, trong đó khoảng 3.300 di tích xếp hạng Quốc gia và 13 di tích xếp hạng Quốc gia Đặc biệt. Việt Nam cũng có 25 di sản thế giới được Unesco công nhận. Nhiều di tích như thế nhưng văn hóa di sản của đất nước không nằm trong ý thức văn hóa và bảo vệ văn hóa. Chính sách bảo vệ di sản văn hóa đôi khi được giới hạn trong khuôn khổ phòng họp, tại các diễn đàn, tại những hội thảo “nhận được nhiều ý kiến đóng góp hữu ích của các chuyên gia”. Ngoài Luật Di sản Văn hóa, công tác và nhiệm vụ bảo vệ di sản còn được “bổ sung kịp thời” với nhiều “nghị định”, “thông tư hướng dẫn”, rồi còn các “quy chế quản lý để bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử”… nhưng cuối cùng nhiều vụ vi phạm vẫn không được “kịp thời ngăn chặn”. Điều cần “kịp thời ngăn chặn” bây giờ là xóa bỏ những quy định chồng chéo, vừa trùng lắp vừa gây “xung đột” với nhau, trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan bảo tồn di sản văn hóa, chẳng hạn Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và Luật Du lịch.
Việc “gìn giữ di sản văn hóa” đôi khi còn buồn cười ở chỗ người ta than thiếu tiền để duy tu nhưng người ta thừa tiền để tổ chức những lễ hội xúng xính xiêm y trong chương trình “đậm đặc không gian văn hóa dân gian” nào đó được tổ chức lòe loẹt và ồn ào với sự “có mặt quý giá” của các đồng chí lãnh đạo Đảng-Nhà nước đến để phát biểu suông về “nhiệm vụ và sứ mạng” bảo vệ di sản. Đó là chưa kể kiến thức và năng lực của “cán bộ” và “chuyên gia văn hóa”. Mới đây, không ít người đã không thể nén giận khi nhìn thấy kiệt tác Vườn xuân Trung-Nam-Bắc, được công nhận là “bảo vật quốc gia”, đã loang lỗ tèm lem sau khi được “vệ sinh”! Ai chịu trách nhiệm đây? Làm sao có thể chữa lại được kiệt tác sơn mài này mà họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã bỏ công thực hiện suốt 20 năm ròng mới hoàn thành (1969-1989)!
Câu chuyện bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam phải nói là chuyện nhiều tập, mỗi tập đều chứa đầy nỗi đau và nỗi buồn hơn là tự hào và hãnh diện. Câu chuyện bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam thậm chí vang động đến mức các chuyên gia nước ngoài cũng phải lên tiếng. Thế nhưng, khi mà văn hóa con người đang tuột xuống đáy, văn hóa di sản dường như chẳng có “lý do” gì để được chú ý đúng mức và được nhận thức tử tế đúng mực.