Chỉ tăng giá một tháng, thu về tầm 2.600 tỷ!
Tháng này, nhà tôi trả tiền điện chênh 300 nghìn đồng mặc dù không dùng máy lạnh, không dùng bình nước nóng bằng điện. Có cái tủ lạnh, vài cái quạt, một số bóng đèn tắt bật cũng chẳng khác mấy tháng trước. Người bạn bên Quận 2. Các tháng trước, tiền điện nhà chị chỉ tầm 10,5 đến 11 triệu đồng. Tháng vừa rồi vọt lên 18 triệu. Những con số chênh lệch ấy suốt một tháng qua, bạn biết ENV thu về bao nhiêu không: tầm 2,600 tỷ!
Theo thống kê Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam hiện có gần 94 triệu dân, với khoảng 26 triệu hộ. (Nguồn: Báo Nhân dân). Tôi chưa có con số thống kê hiện Việt Nam có bao nhiêu doanh nghiệp, chắc cũng không dưới nửa triệu.
Tính sơ sơ cào bằng giàu nghèo, doanh nghiệp cộng dân thường, cho một tháng tăng giá điện vừa qua – tôi chỉ tính trung bình (con số có thể không chính xác), mỗi một hộ gia đình tăng 100.000 đồng tiền điện: 100.000 x 26 triệu hộ, EVN trong một tháng qua thu về ngót nghét 2600 tỷ đồng. Một con số vô cùng dễ thương, dễ mến và khó mơ đối với bất cứ một doanh nghiệp nào.
Nếu theo con số mà ông Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra về số lỗ năm 2017 của EVN là 5.117 tỷ (con số chưa khách quan vì thanh tra còn phải xem đúng hay sai), thì chỉ một cái búng tay của Thanos tăng giá điện, đã bù hơn phân nửa cho một năm lỗ.
EVN cứ theo đà này chắc chắn sẽ trở thành tập đoàn hùng mạnh nhất Việt Nam, thậm chí là thế giới, với doanh thu khủng đến như vậy. Đặc biệt là vào mùa nắng nóng của cả hai miền.
So với bất cứ doanh nghiệp nào trên thế giới, EVN đã có một lợi thế đầu ra vô cùng khủng khiếp, chẳng cần đi tìm, chẳng cần đi kêu gọi. Cộng với việc được Chính phủ chiều chuộng hết sức, đòi gì được nấy, muốn gì được nấy, gần như EVN đã trở thành một ông trời con ở xứ sở còn nhiều khốn khó này.
Được ưu ái đủ đường thì phải mang lãi về chứ sao mang lỗ về ?
Con số công trình thuỷ điện đang vận hành trên cả nước là 385 công trình (con số trên web EVN). Như bạn thấy những năm qua, người người thi nhau làm thuỷ điện, nhà nhà thi nhau làm thuỷ điện (người người, nhà nhà của EVN thôi, chứ đố dân đen được chui vào mà làm). Với dung tích 56 tỷ m3, chiếm 86% dung tích các hồ chứa cả nước, EVN đã án ngự hầu hết trên các lá phổi xứ Việt. Tính đến 2018, cả nước có 818 dự án thủy điện.
Vâng, làm lỗ nhiều thế, nhưng EVN vẫn tích cực “phát triển sự lỗ”, biết bao cánh rừng ngã xuống, nước đầu nguồn bị chặn. Biết bao nhiêu nhà dân đến mùa lũ là tan hoang ngập ngụa, chết người hại của, tài sản bập bềnh, trâu bò chết đuối, hoa màu tan hoang, cũng để cho EVN xả lũ.
Chứ những tưởng được Chính phủ hết sức tạo điều kiện; chứ những tưởng để dân phải sa cơ lỡ vận hy sinh người và của, thì EVN phải mang về một cục lãi khổng lồ để xây dựng đất nước chứ hà cớ gì lại mang về một cục lỗ to đùng để hại dân?
Chỉ chênh lệch phí vận chuyễn một dự án đã 1.341 tỷ và những con số khủng
Tháng 11/2018, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương đưa ra 2 con số: Tổng doanh thu bán điện năm 2017 từ điện của EVN là 289.954 tỷ trong đó chi phí sản xuất là 291.278 tỷ đồng. Như vậy, kinh doanh điện đang bị lỗ. Và nếu cộng tất cả nguồn thu và chi của năm 2017 thì EVN thua lỗ 2.219 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 28/12/2017, Bộ Tài Chính đưa ra quyết định truy thu 1.935 tỷ đồng do phát hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam hạch toán sai một số khoản chi phí. Và đây, chỉ một “khoản nhỏ” thôi nhé, với dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ, và chỉ là cước phí vận chuyển cho dự án thôi, đã hạch toán sai 1341 tỷ đồng. Con số này do Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện, năm 2015.
Vâng, EVN lỗ thì đè cổ dân ra thu cho đủ. Nhưng có mấy ai trả lời được, lỗ vì những “cái nhỏ nhỏ” như cước phí vận tải đến 1.341 tỷ, thì bao năm qua, EVN có đến là bao nhiêu “cái nhỏ nhỏ” như thế mà không được phát hiện hoặc vì một lý do gì đó để cuối cùng dân lại là người phải gánh?
Có lẽ, tôi cần đưa thêm những con số của hôm nay trên báo chí nữa: Theo kết luận thanh tra, tính đến hết năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ có gần 77.000 tỉ đồng. Việc EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Đáng chú ý, mặc dù đầu tư ra ngoài cả trăm ngàn tỉ đồng nhưng EVN không thu được đồng lãi nào mà lỗ đến 2.195 tỉ đồng.
Việc kinh doanh thua lỗ này còn tập trung tại bảy công ty 100% vốn của EVN gồm các tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam; Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, TP.HCM; Công ty Nhiệt điện Uông Bí, Cần Thơ, với số tiền lỗ hơn 3.648 tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ xác định EVN đầu tư cả nghìn tỉ đồng vào những lĩnh vực nhiều rủi ro như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán
Đối với các đơn vị thành viên của EVN, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra, xác định vi phạm không kém gì công ty mẹ khi đầu tư tràn lan ra ngoài và thua lỗ nghiêm trọng. Điển hình là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) không bảo toàn được vốn nhà nước do phải thực hiện kế hoạch lỗ EVN giao. Theo đó, tính đến hết năm 2011 đơn vị này lỗ 3.145 tỉ đồng.
Có một con số đáng chú ý về “chi phí đầu tư điện” là 595 tỷ đồng, thực tế, đó là tiền xây biệt thự cho cán bộ và sân chơi tennis. Trong sáu dự án nguồn điện gồm nhiệt điện Ô Môn 1, nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhiệt điện Hải Phòng 1, nhiệt điện Quảng Ninh 1, đều có hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”. Tuy nhiên, trên thực tế đó là 355.000 m2 đất được xây dựng gồm nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis. Toàn bộ chi phí này sẽ được trừ trong…tiền bán điện.
Chưa hết, tiền lãi cũng được tính là…chi phí sản xuất điện. Công ty mẹ EVN còn hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án dẫn đến tiền lãi thu được biến thành tiền nằm trong giá thành sản xuất kinh doanh, làm tăng chi phí sản xuất điện.
Còn thêm một vụ đầy “khôn ngoan” là “biếu không” Viettel gần 10.000 tỉ đồng
Đối với việc đầu tư vào EVN Telecom, đến thời điểm bàn giao tài sản cho Viettel, EVN đã đầu tư vào công ty này hơn 2.425 tỉ đồng và EVN Telecom đã lỗ đến gần 3.000 tỉ đồng dẫn đến việc mất vốn nhà nước toàn bộ số tiền đã đầu tư. Nguyên nhân thua lỗ được xác định do lãnh đạo EVN và EVN Telecom đã có khuyết điểm trong việc tổ chức nghiên cứu đánh giá, lựa chọn công nghệ, mô hình tổ chức kinh doanh chưa phù hợp, các tổng công ty điện lực vừa kinh doanh điện vừa kinh doanh viễn thông nên không chuyên nghiệp.
Tất tần tật bây giờ là dân trả.
Đến giờ tôi không hiểu: EVN kinh doanh kiểu gì, mà khách hàng có sẵn, có tuyệt đối cả toàn dân, được Chính phủ tạo mọi điều kiện, được dân hy sinh đủ đường, mà vẫn lỗ. Và người bù lỗ lại chính là người mua điện của EVN – cái kiểu kinh doanh chống lại loài người như thế này vẫn được nghiễm nhiên tồn tại ư?