- canhco’s blog – RFA
Chiều ngày 14 tháng 4, tin từ trang facebook của nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà đã gây chấn động cho cư dân mạng. Chấn động vì không nơi nào khác có bản tin này, kể cả các trang báo lề phải: Ông TBT kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từ Kiên Giang được đưa về Bệnh viện Chợ Rẫy vì bị một chứng bệnh nào đó liên quan đến não.
Nhìn lại các nguồn tin cùng ngày vào buổi sáng hôm 14.4, một bài của báo Thanh Niên cho biết ông Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm tỉnh Kiên Giang, làm việc với ông Nguyễn Thanh Nghị là con ruột với nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về nhiều vấn đề phát triển tỉnh Kiên Giang và sau đó sự việc xảy ra.
Một tuần lễ sau, báo Asia Times ngày 22 tháng 4 đăng một bài viết của David Hutt có tựa “Phải chăng Ông Trọng đang trên giường bệnh?” đưa ra dữ kiện cho rằng ông TBT Nguyễn Phú Trọng đối diện với cái chết trước mặt trong đó đặt câu hỏi: “Và nếu vậy thì điều đó có ý nghĩa gì đối với quốc gia chìm trong bí mật và chia rẽ chính trị trước sự kế thừa lãnh đạo chưa quyết định vào năm 2021?”
Hai ngày trước đó, 20/04/2019 tạp chí The Diplomat đăng bài báo của TS Nguyễn Khắc Giang, Đại học Victoria Wellington, New Zealand và là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam (VEPR) với hàng tựa “Việt Nam đang sa vào một cuộc khủng hoảng kế nhiệm?” Ngay phía dưới tựa đề là hàng tít: “Không kể đến những tin đồn về tình trạng sức khỏe, câu hỏi lớn vẫn là ai sẽ kế nhiệm Nguyễn Phú Trọng”.
Cùng với tin tức về sức khỏe ông Trọng chưa được kiểm chứng, gần như toàn bộ hệ thống báo chí Việt Nam cho biết “Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” lần thứ hai tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 25-27/4/2019.” Đây là kế hoạch mà ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thực hiện đã được báo chí tiết lộ trước đó, nay được Thủ tướng Phúc thay thế có lẽ là một tin tức phần nào xác nhận ông Trọng vẫn còn nằm trong bệnh viện.
Những chỉ dấu này cho thấy sức khỏe ông TBT kiêm Chủ tịch nước có vấn đề và giới quan sát quốc tế cho rằng việc quan trọng sắp tới chính là người kế nhiệm, làm sao để guống máy không bị trục trặc và nhất là không để việc khủng hoảng lãnh đạo xảy ra.
Tuy nhiên dân chúng Việt Nam lại nhìn vấn đề ở một hướng khác, gần như không ai quan tâm việc chọn người kế nhiệm mà sự quan tâm gần như đồng nhất của đa số người dân là “Chiếc lò của ông Trọng sẽ được xử lý như thế nào nếu ông Trọng không còn khả năng làm việc?”
Dân chúng không phải là những người vui mừng nhất trước mệnh hệ của ông Trọng mà một bộ phận không nhỏ ngay trong chính quyền hiện nay mới là những người nhảy cẫng lên trước sự sụp đổ này. Đó là những cái tên trong danh sách cần được cho vào lò sau vụ án Mobifone mua AVG và đường dây gây án đang dần dần bị lật tẩy bởi phe ông Trọng trong đó có công chúa của cựu trào Nguyễn Tấn Dũng, người đàn bà tay hòm chìa khóa của gia tộc họ Nguyễn tại Kiên Giang: Nguyễn Thanh Phượng.
Khi Phạm Nhật Vũ chính thức bị bắt thì dư luận cho rằng chiếc thòng lọng bao vây Kiên Giang không còn là ẩn số. Để đạt được kết quả này phe ông Trọng đã hao tốn bao công sức, chặt vây cánh của ông Dũng đến nỗi bất kể “sĩ diện quốc gia” khi ra tay bắt giữ và mang Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam để có bằng chứng cho vào lò thanh củi gộc Đinh La Thăng cùng những tên tòng phạm khác. Hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị nhốt đã cho thấy ý chí trả thù của ông Trọng không gì lay chuyển nổi và mọi diễn tiến trong vụ AVG chứng tỏ cơ quan điều tra dưới sự trực tiếp điều hành của Tổng Bí Thư đã chứng minh rằng cái lò mà ông đã và đang sử dụng không thể xem thường.
Cảm giác bị trói chặt tay chân chờ ngày lên thớt thật không dễ chịu chút nào. Cả nhà ông Nguyễn Tấn Dũng nếu không ngồi trên lửa thì cũng không khác gì bị nước dâng tới bẹn trong một trận lụt mà đường chân trời không thấy ở đâu cả. Phe cánh ngày càng rụng bớt và nếu Nguyễn Thanh Phượng bị chính thức triệu tập thì bản thân nguyên Thủ tướng cũng sẽ không thoát khỏi vòng hệ lụy.
Cái lò của ông Trọng tuy có lúc tưởng chừng như sắp tắt thật ra đó là lúc chuẩn bị cho một đợt bùng cháy khác sau khi đã gom góp những thanh củi gộc bất kể tươi khô. Ông Trọng ngày càng chứng tỏ vô cùng lợi hại hơn khi đã đi gần như tới đích. Có thể trong tay ban chuyên án của ông đã có đầy đủ mọi chứng cớ nhưng ông vẫn chưa dám vọng động vì phe của ông Dũng vẫn còn chân rết nguy hiểm trong guồng máy mà ông đang nắm giữ. “Chó cùng cắn dậu” là điều mà phe ông Trọng cẩn thận ngăn ngừa thế nhưng mọi chuyện đã vượt ra ngoài dự kiến của ông và phe phái. Tai biến của cơ thể ông chính là tai biến cho cả guồng máy mà ông đang vận động. Nếu cơ thể ông bị vỡ mạch máu thì guồng máy sẽ có triệu chứng vỡ trận bởi phe cũ và mới, bởi quyền lực đồng tiền và quyền lục chính trị, có thể nó sẽ thay đổi bộ mặt của thể chế nếu sự việc bị đẩy tới tận cùng.
Bờ vực tử sinh của ông Trọng và chiếc lò tâm huyết của ông đang chờ đợi sự thành công hay không của Quân y viện 108, nơi ông hoàn toàn không còn kiểm soát cơ thể của mình nói chi đến kiểm soát một nhân vật quá nhiều mưu sĩ chung quanh đang ra sức bảo vệ cho vùng đất mà ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước vừa đặt chân xuống đã bị thổ thần dằn mặt.
Phải một thời gian nữa thì báo chí mới loan tin sự cố của ông Trọng bởi Ban tuyên giáo đang bận tìm uyển ngữ để áp dụng sau khi ông Trọng tỉnh dậy hoặc vĩnh viễn ra đi. Và quan tâm nhất của Ban bí thư hiện nay không phải là sức khỏe của ông mà là rục rịch tìm người nào có tâm gan đốt lò như ông để thay thế.
Chỉ e là điều không tưởng vì hiện nay nhìn trước xem sau mặc dù ông Trọng bị dân chúng xem thường nhưng không còn ai vượt qua được sự “xem thường” ấy để có thể thay ông Trọng tiếp tục công việc đầy hiểm nguy là đốt lò. Một điều quan trọng hơn: không ai có thù sâu với ông nguyên Thủ tướng để thay ông Trọng làm cái công việc treo cổ người mình không ghét ngoại trừ phe nhóm của ông Trọng còn quá mạnh để tiếp tục thúc đẩy người kế nhiệm ông làm tiếp công việc mà ông đang làm dang dở.