Một con kênh chứa toàn nước thải đầy chất ô nhiễm. Muốn sạch, người ta đào cho nó hệ thống cống bên dưới kênh, nước từ sông lớn vào hòa với nước ô nhiễm rồi xả xuống cống ngầm cho thoát ra sông lớn. Nguyên tắc, cho nước sạch vào pha loãng nước bẩn rồi xả, cứ như vậy qua thời gian con kênh nước bẩn sẽ trong sạch dần. Tạm gọi đó là nguyên tắc tự làm sạch.
Vâng, đây là mô hình làm sạch những con kênh dơ bẩn. Nó cũng tựa như chuyện mở cửa một nền kinh tế vậy. Việt Nam bao năm đóng cửa không giao thương buôn bán với những nước tiến bộ, nền kinh tế trong nước lạc hậu và đưa nhân dân đến sự đói rách cùng cực. Năm 1986 buộc phải mở cửa, khi mở cửa nhà đầu tư những đất nước tiến bộ vào rửa bớt cái dơ bẩn cặn bã của nền kinh tế đất nước. Những doanh nghiệp đầu tư có nguồn vốn nước ngoài người ta gọi theo tiếng Anh là FDI (Foreign Direct Investment). Đó chính là dòng nước mát mang đến cho nền kinh tế đất nước.
Như vậy, khi FDI đổ vào, điều quan trọng là đất nước ấy sẽ đón nhận được gì? Nếu là nhà quản lý đất nước thì cần phải đạt 2 yếu tố sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp quốc nội tiếp nhận công nghệ và dần thay thế FDI để xây dựng một nội lực đất nước tốt hơn nhằm tiến tới việc tiệm cận với các nước tiến bộ đã từng nhảy vào đầu tư cho đất nước mình. Lấy ví dụ, Hyundai những ngày đầu bước vào ngành công nghiệp ô tô, họ là doanh nghiệp lắp ráp ô tô cho Mitsubishi Nhật, nhưng về sau họ tự thân sản xuất ô tô và hiện nay Hyundai đã vượt Mitsubishi trên thị trường thế giới. Chỉ có nắm bắt công nghệ, thì từ đất nước lạc hậu mới vươn vai đứng dậy thành cường quốc kinh tế hùng mạnh. Lúc đó, dòng nước mát FDI mới rửa sạch hoàn toàn sự lạc hậu của đất nước, tựa như nguyên tắc tự làm sạch của con kênh bẩn kia. Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore là minh chứng.
Thứ nhì, nhờ có FDI họ sẽ đóng thuế cho nhà nước để tăng GDP. Yếu tố thứ nhì rất dễ đạt được, chỉ cần thu hút FDI thì nhà nước nào cũng được thu thêm thuế, rất đơn giản. Như vậy nếu không tần dụng FDI theo yếu tố thứ nhất, mà chỉ chăm chú vào yếu tố thứ nhì thì dù có FDI rót vào cỡ nào, nền kinh tế nước đó cũng chẳng bao giờ khá hơn được. Việt Nam là một minh chứng.
Như vậy, với Hàn Quốc khi FDI vào thì họ đã đón nhận công nghệ và doanh nghiệp của họ đã bắt kịp được sự phát triển của thế giới văn minh. Nói cho dễ hiểu là chính phủ Hàn Quốc biết chắc lọc cái tinh túy của FDI làm của riêng cho mình. Để làm được điều đó, chính quyền Hàn Quốc đã phải làm cho bộ máy nhà nước của họ trong sạch đồng thời phải chọn được lãnh đạo có tài quản trị. Riêng với Việt Nam, bộ máy nhà nước tham nhũng và nhà lãnh đạo bất tài, thậm chí rất dốt và bảo thủ nên chẳng có chính sách nào để doanh nghiệp trong nước bắt lấy công nghệ thành công.
Ở đây chúng ta nhận ra điều gì? Khi FDI rót vào Việt Nam, nhà nước CS hoàn toàn bất lực, họ không hề không biết chắc lọc cái tinh túy của FDI mà chỉ biết hớp lấy những thứ xoàng xĩnh nhất của nó là thuế. Như vậy rõ ràng nhà nước CS đợi FDI để làm gì? Chỉ để kiếm thêm tiền thuế cho chính phủ khè nhân dân, hết.
Có một điều, không phải nguồn FDI nào cũng mang lại lợi thế cho Việt Nam. Nó phụ thuộc chất lượng của nguồn FDI đó. Ví dụ như Boeing, Intel, Apple của Mỹ nhảy vào thì FDI đó là chất lượng. Nhưng nếu FDI đó như Formosa đóng thuế Việt Nam tỷ đô phá môi trường Việt Nam 10 tỷ đô thì cuối cùng rước nó vào chỉ mang họa.
Hiện nay với nền tảng pháp lý rối rắm chậm thay đổi, tham nhũng tràn lan, chất lượng lao động không cải thiện thì FDI chất lượng sẽ thu hẹp là điều chắc chắn. Nếu FDI có tăng đột biến thì chắc chắn đó là FDI từ ông Trung Cộng. Với FDI từ Trung Cộng thì chẳng có gì vui, nền kinh tế Việt nam sẽ hứng chịu nhiều hậu quả khôn lường mà thôi./.