Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với 27 chuyên gia kinh tế hàng đầu nhằm tổng hợp hóa góp ý vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới và định hướng phát triển xa hơn.
Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Phúc đã ‘đề nghị các chuyên gia kinh tế có các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, nêu cả những khiếm khuyết, tồn tại phải tháo gỡ và tầm nhìn phát triển kinh tế xã hội thời gian tới’.
Trí thức ở Việt Nam có rất là nhiều, và chuyên gia nhiều như lá mùa đông… Và cái Việt Nam đang thiếu, không phải là ‘chuyên gia, trí thức’, hay là sự góp ý thẳng thắn và tâm huyết, mà chính là sự lắng nghe và ghi nhận của tầng lớp lãnh đạo cao cấp Hà Nội.
Và khi ông Nguyễn Xuân Phúc thao thao bất tuyệt về cuộc cách mạng 4.0, hay những cải cách thể chế, hóa rồng hay cô gái đẹp bừng tỉnh sau giấc mộng dài,… thì hiện thực là không gì cả, khi ve áo ông vẫn còn chiếc huy hiệu Đảng, và đằng sau ông là sự chỉ đạo toàn diện – tuyệt đối của cụ Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHXHCNVN.
Những người Cộng sản, với sự kiêu ngạo và tự tôn về gây dựng chính quyền, gìn giữ chinh quyền bằng nòng súng chưa bao giờ coi trí thức (hay chuyên gia) thực sự tâm huyết là một nguồn tin để lắng nghe và học hỏi. Họ coi đó là một đối tượng cứng đầu, phản động khi góp ý đụng chạm đến quyền lực của chính đảng, nơi mà giới lãnh đạo cao cấp luôn mang trên ve áo một huy hiệu cờ đỏ búa liềm.
Góp ý Hiến pháp 2013 cho đến những sự kiện gần đây của giới trí thức đòi quyền con người, góp ý thẳng thắn về các vấn đề tư hữu ruộng đất, phi chính trị hóa quân đội, ra luật về đảng đều bị vị Tổng bí thư (nay kiêm thêm chức danh Chủ tịch nước) điểm mặt chỉ tên: thành phần bất hảo. Và kể từ khi người đứng dầu một đảng độc tôn quyền lực tại Việt Nam dán nhãn như thế, thì mọi góp ý dù là hữu hảo nhất cũng đều là những góp ý ác ý từ phía chính quyền.
Khi góp ý không được thẳng thắn, không được chạm vào các ngõ ngách, thì góp ý đó trở thành một thứ văn vẻ, hoa lá tô điểm cho cái gọi là ‘sự lắng nghe của chính quyền trước tâm tư, nguyện vọng của giới trí thức’. Một tưởng chừng rất dân chủ nhưng đầy tính huyễn hoặc của dân chủ.
Nguyễn Trung, một nhà ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam ở một số nước, cộng tác viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng cũng phải thừa nhận trong một lá thư ngày 9.8.2015 rằng: lập trường kiên định “độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội”, “xây dựng Hiến pháp 2013 phải thể hiện Cương lĩnh của Đảng”, “quân đội và công an phải trung thành với Đảng”, xếp tất cả những ý kiến trái chiều trong nhân dân vào “các thế lực thù địch” để trấn áp.
Và thực tế, hiện nay, khi Luật an ninh mạng 2018 đã tiếp tục khẳng định tính chất ‘trấn áp’ đó dưới thời quyền lực của ông Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Hãy xem lá thư ngày 9.8.1995 của ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), một người có tư tưởng cấp tiến và đổi mới, một người chịu khó lắng nghe giới trí thức và có tầm nhìn về hòa giải dân tộc viết gì.
‘Trên chặng đường mới này của đất nước, hơn bao giờ hết là đảng cầm quyền, Đảng ta cần giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ…’.
Thế nhưng, thay vì giương cao ngọn cờ dân tộc và dân tộc, dưới thời đại của ông Nguyễn Phú Trọng, Đảng cầm quyền đã giương cao lá cờ Đảng, và xếp tất cả mọi yếu tố ‘dân chủ’ thành một thể loại cần phải loại bỏ.
Trong một tư duy đơn giản, nếu coi Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người có tư duy đổi mới, thì những người chống lại quan điểm của ông phải là ‘thủ cựu, giáo điều’. Và ông Nguyễn Phú Trọng xứng đáng được xếp vào danh sách dài đó…
Nhưng gì ông Nguyễn Phú Trọng phủ bóng, bằng quyền lực chuyên chính của mình đã khiến cho các nỗ lực cải cách trong Bộ máy Nhà nước bị kìm hãm,… Giá trị của sự ‘lắng nghe trí thức’ từ phía nội các Chính phủ bị mờ nhạt. Tái lặp lại câu chuyện ‘nói rất nhiều, nhưng làm không được bao nhiều’, vì bởi lẽ Đảng đang lãnh đạo toàn diện.
Khi mà sự ‘lắng nghe trí thức’ chỉ dừng mức hình thức, thì khi đó, các ý kiến ‘tâm huyết, thẳng thắn’ hoặc chỉ dừng ở mức khép nép, hoặc chỉ dừng ở trong cuộc họp đó. Sự cải cách dựa trên thuộc tính khép nép của góp ý nếu có chỉ chắp vá một bộ quần áo rác rưới của chế độ. Nhưng chừng đó cũng đủ đánh lừa không ít vị… nhân sĩ trí thức.
Củng cố xây dựng Đảng với sự tập trung quyền lực của hai chức vụ có thể hoàn tất trong vòng 1 nhiệm kỳ, nhưng nắm bắt vận hội cho cả một dân tộc có thể đánh mất trong một thời gian ngắn hơn thế, có thể là 1 ngày, 1 tháng, 1 năm… Hoặc đơn thuần là bằng một luật định, một chỉ đạo ‘hà khắc, định kiến’ đối với nhu cầu mở rộng tự do, dân chủ trong dân chúng.
Do vậy, khi nhìn thấy các tin tức về nội các Nguyễn Xuân Phúc, thể hiện sự tâm huyết, người viết luôn nghi ngờ giá trị thực đằng sau đó, bởi lẽ, người đứng đầu Đảng dù xuất phát từ một văn sĩ thuộc trường đại học bậc nhất miền Bắc, nhưng ông ta lại tỏ ra ‘đố kỵ’ trước trí thức bởi sự đam mê quyền lực và mộng tưởng giữ trọn quyền lực trong đảng.
Và khi ông Nguyễn Xuân Phúc thao thao bất tuyệt về cuộc cách mạng 4.0, hay những cải cách thể chế, hóa rồng hay cô gái đẹp bừng tỉnh sau giấc mộng dài,… thì hiện thực là không gì cả, khi ve áo ông vẫn còn chiếc huy hiệu Đảng, và đằng sau ông là sự chỉ đạo toàn diện – tuyệt đối của cụ Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHXHCNVN.
Giấc mộng ‘hóa rồng’ vững chắc từ cải cách thể chế, mở rộng dân chủ là giấc mộng còn xa vời, không chỉ đối với di sản của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, mà còn là nhiều người nhân sĩ trí thức huyết lòng và thực tâm với dân tộc khác…