Những ngày lễ tết là thời gian thể hiện rõ nét những vấn đề tệ hại thuộc về tâm tính phần đông người Việt: uống bia, rượu quá nhiều và nài ép người khác một cách vô độ; đánh cãi, xô xát vì va chạm hay lời qua tiếng lại; xả rác vô tội vạ ở đình, chùa cũng như nạn lừa đảo, chặt chém, trộm cắp hoành hành ngay tại nơi cửa phật, đền thánh; cướp giật, dẫm đạp nhau để giành lộc nơi thờ phụng tâm linh (cái nơi cần sự tôn nghiêm và văn hoá nhất lại là nơi minh chứng rõ nhất của thói vô văn hoá và phỉ báng tâm linh nhất).
Một xã hội mà ai cũng như ai đều mâm cao cỗ đầy dâng lễ (như một hình thức hối lộ) tới thánh thần, phật trì thì trong đời sống thường ngày những kẻ như vậy cũng sẽ sẵn sàng dùng tiền bạc, lợi ích hối lộ kẻ có quyền thế để đạt được mục đích của mình. Cái tâm địa xấu xa (tham, sân), cái nhận thức tối tăm (si) còn bủa vây trong trí não thì không có thần thánh nào phù hộ hay ban phước lộc cho được.
Còn nhiều trò mê tín dị đoan lầm lạc như bói toán, hầu bóng…vẫn được nhiều nơi, nhiều người coi như một cứu cánh hữu hiệu để giải hoá các vấn đề mà trong đời sống họ gặp phải nhưng ngu dốt và không có cơ chế để giải quyết khiến họ mê muội cuồng tín vào những trò tâm linh quái dị.
Hơn nữa, về nguyên lý chuẩn tắc, không chức sắc tôn giáo nào sẽ tham gia vào hoạt động hoặc thiết chế chính trị nào trong một nhà nước, dù là nhà sư hay linh mục, vì bổn phận của họ là phục vụ các đức tin đối với Phật hay Thượng đế với các giáo lý của mình. Đằng này, quốc hội của ta lại có cả các vị sư sãi làm đại biểu. Ngay cả thời hưng thịnh phật giáo nhất thời Trần, các nhà sư cũng chỉ với vai trò là những người thuyết giáo hoặc làm cố vấn, thày dạy phật pháp đối với vua chúa, quan lại, chứ không đảm nhận chức vị nào trong triều đình. Thậm chí hiện nay nhiều nhà sư còn là đảng viên kỳ cựu và nhiều người tham gia hoạt động chính trị trong bộ máy công quyền. Thật cám cảnh hết chỗ nói./.