Con mèo nhỏ hay con hổ mới?

- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 tổ chức ngày 17/1 tại Hà Nội, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình hùng hồn phát biểu: “Chúng ta cần làm gì để Việt Nam không phải chỉ là ‘một con mèo nhỏ’ mà phải trở thành ‘một con hổ mới’ của Châu Á.”

Không phải bây giờ mà đã từ lâu, các lãnh đạo CSVN luôn ôm ấp giấc mơ hoá rồng, hoá hổ để coi đó như sự thành công của xã hội chủ nghĩa ưu việt. Vì thế, kể từ ngày đặt chân vào nền kinh tế thị trường, những người cộng sản tự cho mình khôn ngoan khi gắn liền sự thay đổi từ nền kinh tế bao cấp thêm một cái đuôi “định hướng” cho chắc ăn. Định hướng xã hội chủ nghĩa để không đi chệch khỏi con đường kinh tế chỉ huy đã có sẵn, đồng thời để làm an lòng những đầu óc còn hoang mang trước con đường “đổi mới hay là chết”.

Với mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp và hiện đại vào năm 2020, Việt Nam trong vòng một thời gian ngắn đã ồ ạt thành lập các tập đoàn kinh tế và tổng công ty mà lãnh đạo Việt Nam lúc đó coi như những “quả đấm thép” tung vào thành trì kinh tế lạc hậu. Tất cả lao vào hoạt động rầm rộ với những món vay khổng lồ khá dễ dàng từ những định chế tài chính quốc tế và những quốc gia thân hữu. Nhưng những quả đấm thép ấy cũng làm chính phủ nhanh chóng vỡ mặt, một phần vì trình độ quản lý non kém của cán bộ đầu ngành, một phần vì bầy sâu tham nhũng có cơ hội công khai hoành hành trong một môi trường quá béo bở.

- Quảng Cáo -

Phá sản và nợ nần không lối thoát, nền kinh tế Việt Nam lao đao như con thuyền trong cơn bão tố, cứ loay hoay ở vị trí của một con mèo nhỏ chỉ đủ sức bắt chuột nhắt kiếm ăn qua ngày. Cho dù có những lời tuyên bố lạc quan về mức tăng trưởng tưởng tượng, thực chất đó là nền kinh tế lấy “gia công” cho nước ngoài làm chính. Nó hoàn toàn dựa trên sức lao động của công nhân trình độ thấp hay nói đúng hơn là Việt Nam chỉ bán sức lao động của người dân để kiếm ăn.

Do duy trì định hướng xã hội chủ nghĩa lấy quốc doanh làm chủ đạo, sự tan rã của các quả đấm thép đồng nghĩa với kinh tế quốc doanh phá sản trong khi tư doanh thì sống thoi thóp chờ thời. Giấc mơ công nghiệp hoá và hiện đại hoá cuối cùng cũng được công khai thừa nhận là thất bại trước quốc hội khoá 13 năm 2016 để biến thành kế hoạch 5 năm 2016-2020!

Nhưng để vực dậy tinh thần của cán bộ đảng viên đang chìm trong những mối nghi ngờ về khả năng hoá rồng, thỉnh thoảng người ta cứ nghe ông Nguyễn Xuân Phúc hô hào khắp nơi theo kiểu “Việt Nam phải là thủ phủ tôm của thế giới” hay “Đà Nẵng phải là thành phố độc đáo, độc nhất vô nhị trên toàn thế giới.” Trong lúc ấy, nhiệm vụ của Tổng cục Thống kê là hào hứng đưa ra những con số đầy sáng tạo về GDP và thu nhập đầu người mỗi năm mỗi tăng, bất chấp thực tế chính phủ đang tính toán quơ quào từng đồng của bà bán trà đá vỉa hè.

Giờ đây Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình rao giảng rằng để Việt Nam hóa rồng, hoá cọp thì nền kinh tế phải duy trì tốc độ cao và tính cách ổn định. Đó là điều mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế trong chính phủ đều biết mà không cách nào làm được. Có lẽ ông Bình cũng đang nôn nóng sánh vai với 4 con rồng Châu Á nên dạy dỗ thêm, muốn làm được điều này thì phải “đột phá về thể chế”, có thể hiểu là sự cởi trói những ràng buộc do cơ chế quan liêu, sản sinh bởi giáo điều kinh tế Mác-Lênin.

Không riêng Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Xuân Phúc, mà ngay cả Nguyễn Phú Trọng mỗi khi có dịp đều ra rả nhắc đến đột phá thể chế, hay cải tổ cơ chế. Nhưng trước giờ họ chỉ nói bằng mồm mà không dám hành động vì trong lòng vẫn sợ “chệch hướng”. Kiên quyết bảo vệ màu sắc chuyên chính vô sản nên từ bỏ con đường kinh tế chỉ huy là điều mà đảng không bao giờ dám nghĩ tới.

“Đột phá thể chế” không có gì khác hơn là ứng dụng ngay thẳng bài học về kinh tế thị trường, cắt bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa, chôn vùi nhiệm vụ chủ đạo lỗi thời của kinh tế quốc doanh và không ngừng nâng cao vai trò kinh tế tư doanh. Đó là những điều đơn giản mà đảng cương quyết không làm, cương quyết đóng kín con đường tiến lên của đất nước.

Và quan trọng hơn hết, muốn tháo gỡ sự ràng buộc trong cơ chế lỗi thời, điều quyết định là cải cách thể chế chính trị tận gốc rễ. Không dám tiến hành cuộc phẩu thuật căn bệnh ung thư độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, sẽ không có “đột phá về thể chế” như ông Bình mong muốn. Chừng nào đảng còn ôm chặt những giáo điều xơ cứng để chỉ đạo thì nền kinh tế Việt Nam chẳng những dậm chân tại chỗ mà còn nhanh chóng bước vào con đường lạc hậu triền miên.

Sở dĩ hiện nay người ta có thể nhận thấy kinh tế Việt Nam có chút tăng trưởng khả quan, đó là nhờ đầu tư FDI của nước ngoài và một số doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Ngược lại kinh tế quốc doanh ngày càng đi vào chỗ hoàn toàn lụn bại, chẳng những không đóng góp được gì mà còn là nơi hoang phí tiền thuế của dân. Thế nhưng đó cũng là nơi mà những con sâu chúa trong đảng dễ dàng bốc hốt nhất để vun quén núi tài sản của chúng ngày càng cao.

Cho nên trong thực tế, phải nói kinh tế Việt Nam đích thực là những con chuột nhắt đang đục khoét và đánh cắp tài nguyên đất nước để sống còn. Cách mạng bốn không và giấc mơ hoá hổ, hoá rồng cuối cùng chỉ là một cơn ác mộng.

Phạm Nhật Bình

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here