Bị giam lỏng vì phản đối ‘BOT bẩn’ ở TP. HCM, nhóm tài xế sẽ kiện

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh làm việc với công an hôm 15/1/2019
- Quảng Cáo -

Tin VOA

Nhóm 4 người mới đây phản đối một trạm thu phí ở thành phố Hồ Chí Minh nói với VOA hôm 15/1 rằng họ sẽ “đi kiện” về việc họ bị một đám đông hàng trăm người “giam lỏng” và “làm hư hại” 3 chiếc ô tô của nhóm vào ngày 14/1.

Nhà báo trẻ Trương Châu Hữu Danh, một trong 4 người, cho VOA biết sự việc xảy ra tại trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ An Sương-An Lạc, một trạm được lập ra theo hình thức hợp đồng xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT) và nằm trên đoạn Quốc lộ 1 chạy qua quận Bình Tân, Tp. HCM.

Hồi tháng 12/2018, trạm này đã nhiều lần “thất thủ”, phải cho xe cộ đi qua mà không thu phí vì các lái xe phản đối với lý do là trạm đã hết thời hạn thu phí từ cuối năm 2017.

- Quảng Cáo -

Theo lời anh Trương Châu Hữu Danh, người nổi tiếng với các hoạt động vạch mặt các trạm BOT đặt sai vị trí hoặc thu phí bất hợp lý, vào hồi 2h chiều 14/1, khi nhóm của anh đến trạm An Sương-An Lạc và đặt các câu hỏi “mục đích của trạm là gì?” và “trạm thu phí gì?”, nhóm đã bị bao vây và sau đó bị xe cẩu đưa đến một nơi khác cách trạm 50 mét.

Anh Danh cáo buộc rằng đám đông bao vây lên đến “500, 600 người mặc đồng phục, trong đó có nhiều công an mắc sắc phục”. Nơi mà nhóm của anh bị đưa đến và cô lập với rào thép gai được mô tả là lối vào một nhà máy. Ngoài anh Danh, những người còn lại gồm anh Huỳnh Long, chị Ngô Oanh Phương và một phụ nữ nữa.

“Việc họ sử dụng một lực lượng quá đông để đối phó với những người chẳng có gì ghê gớm là giống như một trận đánh cân não, tôi thấy nó buồn cười”, anh Danh nói với VOA. Ngoài ra, anh cho biết việc cẩu xe đã làm các xe của nhóm “bị hư hại nặng”.

Trong bối cảnh mà nhóm cáo buộc là bị “giam lỏng”, khi anh Huỳnh Long ra khỏi xe để đi vệ sinh vào tối 14/1, anh đã bị “đưa đi mất tích”. Diễn biến này làm những người còn lại trong nhóm lo lắng, “không dám ăn uống cũng như ra khỏi xe để đi vệ sinh”, theo lời kể của anh Danh qua phần tường thuật trực tiếp trên trang Facebook cá nhân kéo dài nhiều giờ, thu hút hàng trăm ngàn lượt người xem.

Đến sáng 15/1, một số nhân viên công an đã làm việc với nhóm về sự việc, anh Danh cho hay. Cuộc làm việc kéo dài nhiều giờ cho đến chiều cùng ngày, kết thúc với việc công an lập biên bản cho rằng 2 lái xe đã “gây ùn tắc giao thông” và “không chấp hành mệnh lệnh của người điều khiển giao thông, người thi hành công vụ”.

“Hai tài xế không chấp nhận là họ có các hành vi đó và họ đã ghi rõ vào biên bản là không có sai phạm gì cả. Nếu nhà chức trách ra quyết định xử phạt, họ sẽ kiện ra tòa,” anh Danh nói với VOA.

Trong khi đó, dù nhóm trình bày và đề nghị công an lập biên bản về việc họ bị giữ trái phép và xe cộ bị hư hại khi bị cẩu đi, công an đã không lập biên bản. Anh Danh cho biết thêm:

“Họ vẫn chưa ghi nhận, họ chỉ ghi nhận bằng lời nói, bằng miệng thôi. Còn ghi nhận bằng đơn thì họ yêu cầu phải tới cơ quan [công an]. Ngày mai [16/1], mọi người [chúng tôi] sẽ đến cơ quan để tố cáo hai hành vi. Thứ nhất là hủy hoại tài sản, thứ hai là giam giữ người trái pháp luật”.

Dân phòng sừng sộ và văng tục với những người không mua vé khi qua trạm BOT An Sương – An Lạc. (Hình: Trích từ video www.youtube.com/watch?v=UvWxG0JQ43g)

Vào cuối buổi chiều 15/1, anh Danh cho VOA hay nhóm đã rời khỏi nơi bị giam lỏng một cách an toàn.

Anh Huỳnh Long, người bị “bắt đi mất tích trước đó”, đã quay trở lại với nhóm và không bị hề hấn gì. Qua Facebook, anh Long đưa ra thông tin rằng một số người không rõ danh tính đã bắt anh đi, đồng thời trấn áp về mặt tinh thần, hăm dọa, kể cả đe dọa làm hại đến tính mạng của anh.

VOA cố gắng liên lạc với nhà chức trách quận Bình Tân để kiểm chứng thông tin và lắng nghe ý kiến của họ, nhưng không kết nối được liên lạc.

Các trạm BOT đặt sai vị trí hoặc thu phí vô lý là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam trong suốt gần 2 năm qua, với nhiều cuộc phản đối lớn diễn ra ở một loạt địa phương trên khắp đất nước.

Nhiều trạm BOT đã miễn hoặc giảm phí khi các tài xế có những hành động phản kháng thẳng thừng, táo bạo hơn trong một số thời gian của năm 2018. Trước đó, các vụ phản đối bắt đầu nổ ra vào mùa hè năm 2017.

Tuy nhiên, các tài xế tích cực tham gia các hoạt động phản đối cho rằng các trạm BOT chỉ tìm cách thực hiện những động thái “xoa dịu”, ít có khả năng các trạm đó sẽ đóng cửa hoặc di dời.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here