Dân chủ là gì? Để nói về dân chủ, tôi xin đưa ra 2 góc nhìn: góc nhìn thứ nhất, dân chủ nghĩa là ai cũng góp được tiếng nói, mà là tiếng nói được ghi nhận; góc nhìn thứ 2, đó là một hệ những quy tắc hay những sự ràng buộc nào đấy sao cho, không để xảy ra hiện tượng một cá nhân nào có thể dùng tập thể làm công cụ cho mình, hoặc không để thiểu số chi phối và điều khiển đa số. Tôi lại thích nói về dân chủ theo góc nhìn thứ 2. Vì sao?
Vì từ góc nhìn thứ 2, nó cho ta 2 điều kiện để đạt được dân chủ: thứ thất, là phải đưa quy tắc lên tối thượng, con người phải luôn đứng dưới quy tắc ấy; thứ nhì là tất cả mọi người đều ý thức thượng tôn quy tắc ấy.
Nói về tính thượng tôn luật chơi, nếu là một tổ chức nhỏ và đơn giản như trận đấu bóng đá chẳng hạn, thì quy tắc ấy được giao cho đối tượng trung gian nắm – đó là trọng tài. Khi cá nhân nắm luật, sự trung thực vẫn phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân đó. Cho nên, trên một bình diện rộng và phức tạp như điều hành quốc gia, thì luật không thể giao cho cá nhân nắm. Vì sao? Vì nếu cá nhân nào nắm luật chơi, thì chắc chắn kẻ đó sẽ biến luật thành công cụ cho mình. Mà một khi luật thành công cụ của ai thì quyền lực sẽ tụ về người đó, và thế là lại sinh ra độc tài.
Như vậy chúng ta thấy gì? Nếu tập trung quyền lực quá lớn, thì quyền lực đó sẽ biến pháp luật thành công cụ cho cá nhân hoặc một tổ chức. Cho nên, với nền chính trị tập quyền, không bao giờ có sự thượng tôn pháp luật. Đó là vì sao những thể chế chính trị phân quyền mới có pháp quyền, còn những thể chế chính trị tập quyền thì chỉ có pháp luật công cụ mà thôi. Cho nên không phải muốn có pháp quyền thì phải thiết lập một thể chế chính trị như thế nào? Là tam quyền phân lập như Âu Mỹ hay tập quyền về tay ĐCS như CHXHCNVN? Thể chế chính trị là nguyên nhân, còn pháp quyền hay pháp luật bị biến thành công cụ chỉ là kết quả.
Cộng Sản rêu rao câu “pháp quyền XHCN”, tất nhiên đó là một câu nói mị dân vì nó ngược với thực tế. Nhưng ở góc độ khác, ta thấy đây là câu nói bừa, nói dốt được người Cộng Sản nói ra mà họ chẳng hiểu gì cả. Vì thực tế qua xúc tiếp với những anh Mác Lê, tôi thấy mấy anh ấy thực sự nghĩ rằng, pháp quyền là thượng tôn pháp luật, hết. Họ vẫn hót say sưa rằng “nếu con người biết thượng tôn pháp luật thì sẽ có nhà nước pháp quyền”. Họ không hề hiểu rằng, nhu cầu thâu tóm quyền lực nó thuộc về đặc tính những con người ham mê quyền lực. Mà ham mê quyền lực là thuộc về bản chất của người làm chính trị. Cho nên để có pháp quyền không ai lại cậy vào ý thức lãnh đạo mà phải thiết lập thể chế. Tam quyền phân lập vừa trao cho lãnh đạo một thứ quyền lực không trọn vẹn, vừa dùng nhánh quyền lực khác kiểm soát quyền lực trong tay lãnh đạo, để đảm bảo không cá nhân nào đủ khả năng biến luật pháp thành công cụ riêng.
Cho nên, đã là XHCN thì đó là một thể chế tập trung quyền lực về tay một nhóm người rất nhỏ trong ĐCS, mà tập quyền thì pháp luật sẽ bị biến thành công cụ, mà một khi pháp luật là công cụ cho nhóm người nào đấy thì làm gì có pháp quyền? Như vậy “Pháp quyền” và “XHCN” không thể đứng chung nhau được. Mãi mãi không được./.