Song Chi – RFA
Năm 2019 vừa mới bắt đầu chưa đến một tuần, nhưng lướt qua các trang báo chính thức trong nước cho tới các trang blog cá nhân, mạng xã hội facebook, chúng ta lại vẫn phải tiếp tục đọc thấy đầy rẫy những tin tức tiêu cực.
Những tin xấu, tin buồn thứ nhất là thông tin người chết, bị thương từ những vụ tai nạn giao thông, những vụ cướp, giết, hiếp…Trong tuần đầu tiên của Năm Mới, hầu như không có ngày nào mà không có những tin tai nạn giao thông, từ trong nội ô các tỉnh, thành cho đến trên đường quốc lộ.
Không kể những vụ may mắn chưa gây thiệt hại về người, những vụ khác không may mắn như vậy: Bình Dương “Đầu năm đi đón con, người mẹ trẻ tông vào trụ cây xanh tử vong thương tâm”, Đời Sống và Pháp Luật; trên đường quốc lộ số 13 hướng Bình Dương về TP.HCM “Đi khám thai, người phụ nữ bị xe tải cán chết thương tâm”, Báo Mới; Sài Gòn “Ôtô tông nhiều xe máy ở Sài Gòn”, VNExpress, khiến ba người bị thương, trong đó một người bị gãy chân; “Hà Nội: Ô tô tông liên hoàn, 2 vợ chồng chết thảm trên đường đi ăn cỗ về”, VietnamNet, “Lào Cai: Xe khách lật, đè chết người đi xe máy ở Sa Pa”, VietnamNet; Củ Chi: “Xe ben lật đè chết người đi xe máy băng qua đường”, Tuổi Trẻ…
Nhưng kinh hoàng nhất, ám ảnh nhất là vụ xe container lao thẳng vào đám đông xe gắn máy đang dừng chờ đèn đỏ, khiến 4 người chết, khoảng hai chục người bị thương tại chân cầu Bến Lức, Long An ngày 2.1. Những người chứng kiến tại hiện trường và những ai xem video clip cảnh tai nạn, chiếc container lao vào các gắn máy như một cơn sóng thần quét qua, cuốn tất cả xe gắn máy vào gầm, và khi nó đã đi qua thì cả một cảnh tan hoang, những chiếc xe bẹp dúm, thân người nằm la liệt, đồ đạc, mảnh vỡ văng tứ tung…chẳng khác nào cảnh khủng bố lao xe vào đám đông ở một thành phố châu Âu nào đấy! Xét nghiệm cho thấy tài xế có nồng độ cồn khá cao trong máu và dương tính với ma túy!
Từ nhiều năm nay, VN là một trong những quốc gia có số lượng vụ tai nạn giao thông xảy ra hàng năm cao. Chỉ lấy ví dụ 3 năm gần đây: “Hơn 8.200 người chết do tai nạn giao thông trong năm 2018”, VNExpress, “Năm 2017, 8.279 người chết vì tai nạn giao thông”, VOV, “8.685 người chết vì tai nạn giao thông năm 2016”, Người lao động”…
Nhưng số liệu trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 20.9.2017 thì khác “Mỗi năm Việt Nam có 15.000 người chết vì tai nạn giao thông”, theo báo Tuổi Trẻ, số liệu này do “ông Khuất Việt Hùng – phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia – cho biết tại lễ ký kết giữa Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bosch Việt Nam sáng 20-9”.
Trừ vụ khủng bố lao máy bay vào hai tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center, gọi tắt WTC) tại New York, Mỹ ngày 11.9. 2001, làm “2.996 người chết, hơn 6.000 người khác bị thương” (theo Wikipedia), các vụ khủng bố đẫm máu xảy ra ở châu Âu hay ở Mỹ cũng chỉ chết vài trăm người, nhưng tại VN thì tai nạn giao thông gây chết người hàng năm còn hơn cả chiến tranh!
Tai nạn giao thông nước nào cũng có, nhưng điều gây phẫn nộ ở đây là tai nạn đến từ những nguyên nhân chỉ có trong một quốc gia mà luật pháp lỏng lẻo, nạn tham nhũng nặng nề, ý thức chấp hành luật giao thông kém như VN: Chất lượng đường xá xấu, chật hẹp khiến các loại xe lớn và xe hai bánh cùng lưu thông trên đường, nạn tham nhũng khiến những người có trách nhiệm nhắm mắt bỏ qua chất lượng xe cộ đang lưu hành có đạt tiêu chuẩn hay không, sát hạch lỏng lẻo, cấp phép lái xe dễ dãi, xử lý sai phạm không nghiêm…Trong khi đó, áp lực công việc buộc phải chạy nhanh, chạy nhiều mới đủ sống khiến nhiều tài xế xe tải, xe container ngủ không đủ giấc, sử dụng thêm ma túy, chất kích thích cho tỉnh táo, hoặc bản thân những người ngồi sau tay lái không tôn trọng luật giao thông, tôn trọng sinh mạng của người khác nên vẫn lái xe dù đang say rượu, hay phê thuốc…Còn gì đau đớn hơn khi nạn nhân chấp hành luật giao thông, thậm chí đang dừng xe chờ đèn đỏ mà vẫn bị tông từ phía sau, và đây không phải lần thứ nhất, cũng chẳng phải lần cuối cùng? (“Dừng đèn đỏ và nỗi đau ‘đi mãi không về’ vì xe lùa từ phía sau”, Thanh Niên)
Những vụ án giết người “mở màn” đầu năm mới: “Khánh Hòa: Thanh niên 19 tuổi nghi ngáo đá giết mẹ và em ruột”, VietnamNet, “Nghi án nam thanh niên cắt cổ cô gái rồi tự sát trong phòng trọ’, Tin Tức Online, “Nam sinh lớp 11 bị nhóm thanh niên đâm tử vong trên đường đi học về”, Tiền Phong, “Chủ sạp mắm bị đâm trọng thương ngay tại chợ”, Tuổi Trẻ…Nạn ma túy “Lực lượng 363 xử lý hàng trăm người vi phạm sau một tuần hoạt động”,VNExpress…Lừa đảo, trộm cắp: “Chiêu lừa của thanh niên mua ly cà phê 17.000 đồng bằng tờ 500.000 đồng”, VNEXpress, “Tố cáo bảo vệ ga Sài Gòn nhận hàng chục triệu hứa mua vé tàu rồi biến mất”, Tuổi Trẻ, “Gần Tết, nhiều đồng hồ nước ở TP.HCM ‘không cánh mà bay’, Tuổi Trẻ…
Hiểm họa vệ sinh, an toàn trong môi trường sống “Bắt quả tang hàng chục tấn chất thải nguy hại vận chuyển trái phép”, cụ thể: “21 tấn chất thải nguy hại, chủ yếu là bụi kim loại từ quá trình sản xuất và bazớ (một loại chất thải nguy hại) bằng sắt thép”, Tuổi Trẻ; “Tạm giữ hàng trăm nghìn bao cao su, gel bôi trơn nghi hàng giả” và “Tràn lan bao cao su giả, hậu quả khó lường cho người sử dụng”, Tuổi Trẻ, “Ngăn chặn heo lở mồm long móng ‘tuồn’ vào TPHCM”, Lao Động…
Cũng như tai nạn giao thông, quốc gia nào cũng có những vụ án cướp, giết, hiếp…, những tệ nạn mặt này mặt khác nhưng ở lĩnh vực nào cũng có những tiêu cực xảy ra thì điều đó chỉ có thể xảy ra ở một quốc gia lạc hậu, dân trí thấp và có một thể chế chính trị độc tài, không minh bạch, kém hiệu quả cộng với nạn tham nhũng nghiêm trọng.
Tất cả tạo nên hình ảnh một quốc gia không bình yên, ở đó người dân dù cố thu mình lại mũ ni che tai trước hiện trạng đất nước, cố không quan tâm đến chính trị, chỉ lo làm ăn kiếm sống, thì cũng không thể có được một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Người nghèo khổ đã đành, nhưng những người giàu dù có tiền cũng không thể mua được một môi trường sống trong lành, không ô nhiễm, bệnh tật, không tránh được những cái chết oan uổng từ trên trời rơi xuống, không mua được một môi trường giáo dục, y tế có chất lượng, tử tế và nhân bản cho mình hay cho con cái.
Còn đối với những người quan tâm đến chính trị, những người bất đồng chính kiến, năm 2019 sẽ là một năm càng nhiều khó khăn.
Luật An ninh Mạng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.1, với những điều luật hà khắc nhằm bóp nghẹt chút không gian tự do ngôn luận cuối cùng của người dân. Thực tế, trong vài năm gần đây, khi ông Nguyễn Phú Trọng trở thành nhân vật trị thâu tóm mọi quyền lực chính trị trong tay thì số lượng những người bất đồng chính kiến, hoạt động dân sự ở VN bị bắt đã tăng mạnh, với những bản án cực kỳ hà khắc, trong đó bản án dành cho ông Lê Đình Lượng, nhà hoạt động dân sự bị tòa án Nghệ Án kết án 20 năm tù là mức án cao nhất từ trước đến giờ cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam!
Đọc thêm:
(“Nhân quyền Việt Nam 2018: Nhà tù trong nhà tù”, Phần I, II; RFA.
“Thống kê của Now! Campaign: Việt Nam đang giam giữ 244 tù nhân lương tâm” (Latest Count: Vietnam Holds 244 Prisoners of Conscience Now! Campaign, Press Release, January 3, 2019).
Bài báo trên trang Human Right Watch tháng 1.2017 “Việt Nam: Thêm một đợt bắt giữ những người phê phán chính phủ” (“Vietnam: New Wave of Arrests of Critics”), Human Right Watch tháng 11.2018 “Việt Nam: Hãy chấm dứt đàn áp tự do ngôn luận” (Vietnam: End Crackdown on Freedom of Expression”), Human Right Watch tháng 1.2018 “Việt Nam: Đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền”, Những người ủng hộ môi trường bị đặt vào vòng ngắm” (“Vietnam: Crackdown on Rights Activists, Pro-Environment Supporters Targeted”). Ông Brad Adams, Giám đốc Á Châu của tổ chức Human Right Watch kết luận: “There is no sign that Vietnam is slowing down its intensive crackdown on rights activists in the last 14 months,” Adams said. “International donors and trade partners should speak out forcefully on these abuses.” (“Không có dấu hiệu nào cho thấy Việt Nam đang giảm tốc độ đàn áp mạnh mẽ đối với các nhà hoạt động trong 14 tháng qua, ông Adams Adams nói. Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế nên lên tiếng mạnh mẽ về những sự lạm dụng quyền lực này)
Báo cáo năm 2018 về tình trạng tra tấn trong các nhà tù, trại tạm giam ở VN gửi đến Ủy ban chống tra tấn Liên Hiệp Quốc “Reports: Torture in Vietnam, Torture In Vietnam 2018: A Joint NGO Report To The UN Committee Against Torture”, trong đó nêu rõ: “Việt Nam đã ký Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn vào tháng 11 năm 2013. Năm năm sau, sự tàn bạo của cảnh sát, tra tấn và đánh đập chết người tiếp tục không suy giảm trên khắp Việt Nam…”
Nhưng một khi bộ luật An Ninh Mạng đi vào hiệu lực thì có thể thấy trước số lượng người bị sách nhiễu, bị bắt bớ, giam cầm từ năm 2019 sẽ càng tăng lên.
Năm Mới 2019 đã mở đầu như thế!
Sẽ không có một quốc gia nào, một thế lực ngoại bang nào có thể thay đổi được số phận, hay con đường đi của VN, mà điều đó phải do chính người VN quyết định. Chế độ độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo đã thối nát, mục ruỗng tới tận cùng, nhưng nó vẫn tồn tại chỉ vì người VN còn chấp nhận cho nó tồn tại mà thôi.