Đỗ Đăng Liêu – Web Việt Tân
Biển Đông
Việt Nam gọi nó là Biển Đông, với ý nghĩa đây là vùng biển ở về phía Đông của Việt Nam.
Trung Quốc gọi nó là Biển Hoa Nam (South China Sea) với ý nghĩa đây là vùng biển ở về phía Nam của Trung Quốc.
Muốn gọi sao thì tùy nhưng đều phải nhìn nhận đây là vùng biển thuộc địa phận quốc tế, và như thế nó không phải là của Việt Nam mà cũng chẳng phải của Trung Quốc, và đã như thế từ bao đời nay, và tàu bè mọi quốc gia trên thế giới vẫn luôn có quyền đi lại tự do trên hải phận quốc tế ở vùng biển này.
Nhưng, vùng biển này bỗng trở thành vấn đề kể từ khi Trung Quốc đột nhiên ngang ngược gọi nó là sân nhà của họ, và buộc ai muốn đi qua đó thì phải xin phép họ.
Vấn đề khởi đi từ sự ngang ngược vô lý đó!
Những vi phạm, xâm phạm và thái độ gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông
Bao quanh Biển Đông không chỉ có Trung Quốc và Việt Nam mà còn có Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân. Do đó, đối với 4 quốc gia kể trên việc khoanh vùng nhận vơ của Trung Quốc là một hành động ức hiếp trực tiếp về lý, tự nhận là của mình cái không phải là của mình. Đối với cả thế giới còn lại thì đó là hành động ngang ngược và thách thức, chẳng khác nào bảo Mặt Trăng là của riêng mình và cấm không ai được lên đó!
Dĩ nhiên, nếu hành vi ngang ngược và sai trái đó phát sinh từ một nước nhỏ bé thì chắc chẳng ai để ý. Nhưng nó lại phát xuất từ Trung Quốc, là quốc gia đông dân nhất, với mức phát triển kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới, và đang dùng cả hai phương tiện đó làm vũ khí để áp lực cả thế giới, đặc biệt và nặng nề nhất là những quốc gia trong vùng, nhỏ, ít dân và yếu hơn với ý đồ rõ ràng là muốn làm bá chủ thế giới.
Việt Nam là nạn nhân trực tiếp và thê thảm nhất của mộng bá quyền của Trung Quốc. Việt Nam đã bị Trung Cộng lấn đất ở biên giới phía Bắc, bị chiếm mất Quần Đảo Hoàng Sa, một phần Quần Đảo Trường Sa, ngư dân Việt Nam bị Trung Cộng ức hiếp, trấn lột, giết hại, cấm khai thác hải sản và cùng lúc Trung Cộng xả thải gây ô nhiễm trầm trọng dọc mấy trăm cây số bờ biển Việt Nam.
Tất cả những hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Cộng đều có sự đồng tình, tiếp tay của Đảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam theo một thỏa thuận giữa hai đảng cộng sản là Hiệp Ước Thành Đô 1990 (mà Đảng Cộng Sản Việt Nam chưa một lần mở miệng phủ nhận) với nội dung cốt lõi là Cộng Sản Việt Nam thoả thuận để Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc vào năm 2020.
Người Việt có câu nói cửa miệng là “thừa khi bên Tàu có loạn”, ý rằng họ đang có vấn đề khó khăn trong nội bộ, không còn tâm trí để nghĩ đến chuyện xâm lấn nước ta, nên mình có thể yên tâm lo chuyện của mình.
Khổ nỗi, kể từ khi Hồ Chí Minh nhập cảng lý thuyết cộng sản vào Việt Nam với vai trò một chư hầu của cộng sản quốc tế, và với việc lãnh tụ Trung Cộng Mao Trạch Đông nắm quyền độc trị ở Trung Quốc, thì không những “nước Tàu không có loạn” mà ngược lại để hết tâm trí nhắm vào việc xâm lăng Việt Nam. Cho nên, kể từ đó, Việt Nam, từ ý thức hệ, chính trị, kinh tế, địa lý, quân sự, xã hội, văn hoá,… ngày một lệ thuộc nặng nề hơn vào Trung Quốc.
Đặc biệt về lãnh vực quân sự trên Biển Đông, Trung Quốc đã nhiều lần chủ ý phô trương sức mạnh quân sự qua việc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, xây dựng các căn cứ quân sự trên Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như trên các đảo nhân tạo với những trang bị vũ khí chiến tranh chứng tỏ Trung Quốc sẵn sàng chiến tranh nếu bị cản trở trong ý đồ làm bá chủ của họ.
Phản ứng của thế giới
Cách đây hơn 200 năm, Đại Đế Napoléon Bonaparte của Pháp đã có câu nói có tính tiên tri là “Hãy để Trung Hoa ngủ yên, vì khi họ thức dậy thì cả thế giới sẽ run sợ!” (Napoléon Ier: “Laissez donc la Chine dormir, car lorsque la Chine s’éveillera le monde entier tremblera”.)
Lời tiên tri đã thành sự thật, và thế giới đang run sợ, chí ít là rất lo lắng.
Mặc dầu chưa phải là vô địch thế giới về quân sự, chưa có khả năng tấn công cao, đặc biệt đối với các cường quốc quân sự số một thế giới như Mỹ, Nga,… Trung Cộng có thừa khả năng để áp đảo các nước nhỏ láng giềng như Lào, Khmer, Mã Lai, Nam Dương,… và nhất là Việt Nam Cộng Sản.
Trước nguy cơ đó, các quốc gia Đông Nam Á đã có nhiều nỗ lực để kết hợp sức mạnh để chống trả sức mạnh uy hiếp của người khổng lồ Trung Cộng tuy rằng không mấy thành công vì những đòn đánh lẻ và chia rẽ của Trung Quốc.
Dĩ nhiên, vì cũng bị thiệt hại quyền lợi lớn lao vì hành vi ngang ngược của Trung Cộng, thế giới, nhất là Hoa Kỳ, không thể ngồi nhìn Trung Cộng múa gậy vườn hoang.
Trên lãnh vực chính trị và ngoại giao, nhiều hành động với mục tiêu cô lập Trung Quốc đã được thực hiện tuy rằng cũng có lúc không thành công, chẳng hạn như Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 11 quốc gia.
Bộ Tứ Kim Cương
Cách đây 11 năm, vào năm 2007, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cũng trong mục tiêu kiểm soát và ngăn chận nguy cơ bành trướng rất đáng ngại của Trung Cộng, đã đưa ra ý tưởng và vận động thành lập một hành lang để các nền dân chủ của Châu Á xích lại gần nhau, viễn ảnh về một Châu Á rộng lớn hơn, vươn đến Mỹ và Úc, nơi con người, hàng hóa, kiến thức được luân chuyển trong tự do và thịnh vượng.
Ý tưởng này được sự ủng hộ của Mỹ, Úc, Ấn Độ, dẫn đến cuộc tập trận chung trên Vịnh Bengal vào Tháng 9, 2007. Rất tiếc là sau đó, Úc và Ấn Độ đã rút ra và kế hoạch này bị ngưng lại.
Khi trở lại làm Thủ Tướng Nhật lần thứ nhì vào năm 2012 ông Abe đã một lần nữa kêu gọi việc phát triển cụ thể cái gọi là “kim cương an ninh dân chủ Châu Á” bao gồm 4 nước Nhật, Mỹ, Ấn Độ và Úc.
Nhưng phải chờ đến năm 2017, với cảm nhận rõ hơn về hiểm họa Trung Cộng tiếp theo phát biểu của Chủ Tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh việc Trung Cộng sẽ thành siêu cường và nắm vai trò lãnh đạo thế giới, song song với việc Trung Cộng công bố kế hoạch “Vành đai, Con đường” bao gồm nhiều dự án cơ sở hạ tầng trải dài từ Nam Á đến Châu Âu, tạo ảnh hưởng rộng lớn của Trung Quốc, Ấn Độ và Úc đã tuyên bố ủng hộ việc thành lập “Bộ Tứ Kim Cương”.
Bên lề cuộc họp Thượng Đỉnh ASEAN vào năm 2017, bốn nước Nhật, Mỹ, Ấn và Úc đã họp với mục tiêu cho hồi sinh Bộ Tứ Kim Cương nhưng đã không đi đến được kết quả cụ thể vì vẫn còn hiện hữu một số khác biệt quan điểm giữa 4 quốc gia. Tuy nhiên, theo những nhận định tích cực thì Bộ Tứ Kim Cương coi như đã trở lại, và với cái nhìn địa chính trị mới về Ấn Độ – Thái Bình Dương thay thế cho Châu Á – Thái Bình Dương, người ta tin rằng những nước trong khu vực đã sẵn lòng cùng đối phó với sự bành trướng nguy hiểm của Trung Quốc và bổ túc cho sự thiếu sót mới đây của Mỹ trong vai trò lãnh đạo so với trước đây đến từ quan niệm đòi hỏi mọi quốc gia phải đóng góp “đồng đều”.
Vì bản chất của nguy cơ Trung Quốc song song với quyền lợi trực tiếp của các quốc gia liên hệ, cuộc đối đầu tay đôi giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ dần dần được thay thế và ngày một cụ thể hơn bằng sự đối đầu giữa Trung Quốc và Bộ Tứ Kim Cương với sự hỗ trợ ngày một rộng rãi hơn của các quốc gia trong khu vực.
Thái độ của Cộng Sản Việt Nam
Một sự thật đã rành rành là Đảng và Nhà Nước CSVN đã bị Trung Cộng không chế tới mức không còn có thể “cựa quậy” được nữa.
CSVN cũng biết rằng để thoát ra khỏi sự khống chế của Trung Cộng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào Mỹ, và cách cụ thể nhất là ủng hộ Bộ Tứ Kim Cương. Tuy nhiên, vì bị khống chế trên căn bản những quyền lợi cá nhân, những người lãnh đạo CSVN không còn khả năng tự thoát ra khỏi vòng kim cô của Trung Cộng.
Lối thoát duy nhất cho nước Việt Nam để không rơi vào vòng nô lệ Trung Cộng là sự ra đi của Đảng và Nhà Nước CSVN.
Và để được như vậy thì cần sự tỉnh thức của người dân Việt, và nói riêng là những người cán bộ cộng sản còn lương tri.
Đỗ Đăng Liêu