Phạm Chí Dũng – VOA
‘Hồ sơ X’
Vào khoảng thời gian năm 2015 và trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, đã có nhiều tin tức không chính thức cho biết Nguyễn Văn Bình bị điều tra và sẽ phải rời khỏi chức vụ thống đốc Ngân hàng nhà nước, kể cả triển vọng có thể bị pháp luật sờ gáy.
Trùng với thời gian này, Nguyễn Văn Bình bỗng dưng… biến mất. Người ta không còn thấy nhân vật này xuất hiện khá dày đặc như trước đó trong các cuộc họp, hội thảo được công khai của Ngân hàng nhà nước và ở các bộ ngành và địa phương. Những phương án nhân sự ‘bê xê tê’ cho đại hội 12 được tiết lộ cũng hầu như không đả động gì đến cái tên Nguyễn Văn Bình.
Thế nhưng tại đại hội 12, một sự lộn ngược đã tạo ra cái hố khác biệt ghê gớm đến mức khó tưởng tượng giữa Nguyễn Văn Bình và ‘ông chủ’ Nguyễn Tấn Dũng: trong khi ‘đồng chí X’ như từ trên trời rơi xuống khi phải ngậm ngùi ‘trở về làm người tử tế’, thì ‘Bình Ruồi’ – cái tên mà dân gian đặt cho viên thống đốc mắn số kia, quả thực đã rời nhiệm sở Ngân hàng nhà nước nhưng không phải theo chân chủ cũ về vườn, mà được ‘đá lên’ tận Bộ Chính trị. Lý giải về hiện tượng chính trị kỳ lạ và ngược đời này, một số dư luận cho rằng chỉ bằng cung cách ‘trở cờ’ vào trước đại hội 12 và có lẽ đã phải dâng hiến cho Nguyễn Phú Trọng một ‘hồ sơ X’ nào đó – gồm nhiều tài liệu đắt giá về hoạt động tài chính bí mật của giới tài phiệt ngân hàng và quan chức chính phủ, Nguyễn Văn Bình mới thoát khỏi ‘án tử’ để được ‘bế’ vào cái ghế trưởng ban kinh tế trung ương, cho dù đây chỉ là một chức vụ vô thực quyền và nói chung là vô thưởng vô phạt, hoặc theo cách nói sính dùng thời đó của Tổng bí thư Trọng là ‘nhốt quyền lực vào lồng’.
‘Hồ sơ X’ trên, nếu quả có tồn tại và xứng đáng như một trong những ‘bí mật nhà nước’ lớn nhất trong nền chính trị Việt Nam đương đại, ắt phải chứa đựng nhiều chi tiết và giá trị đến mức đủ cho Nguyễn Phú Trọng có cơ sở chỉ đạo bắt một người thân của Nguyễn Tấn Dũng là đại gia ngân hàng Trầm Bê vào tháng Tám năm 2017, cùng một kẻ được cho là tay hòm chìa khóa của gia đình Nguyễn Tấn Dũng là Trần Bắc Hà hơn một năm sau đó. Nếu không muốn nói là bộ hồ sơ này còn là cái chìa khóa mở tung cánh cửa vào thẳng tổ hợp tài chính Bản Việt của Nguyễn Thanh Phượng – con gái Nguyễn Tấn Dũng, thậm chí đến cả ‘gót chân Asin’ của Nguyễn Tấn Dũng.
Hẳn là mối quan hệ mật thiết đến mức hữu cơ giữa Nguyễn Văn Bình và Đặng Thanh Bình có thể là cơ sở để Nguyễn Phú Trọng ‘vẫn có vùng cấm’ trong sự nghiệp được hô hào là ‘chống tham nhũng’ của ông ta.
Bởi một sự thật đơn giản là nếu xử nghiêm theo nguyên tắc ‘đúng người đúng tội’ đối với Đặng Thanh Bình, đương kim ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình cũng không thể thoát vòng lao lý.
Nếu đúng vậy, một lần nữa ông Trọng lại chỉ ‘chống tham nhũng một bên’ hay chỉ chăm chăm đốt ‘củi rừng’ chứ không phải ‘củi nhà’.
Dấu hỏi lớn về Nguyễn Phú Trọng
Cho tới nay, bất chấp chiến dịch tấn công “đốt lò” thậm chí đã được cả quốc tế biết đến, người ta vẫn tự hỏi liệu Nguyễn Phú Trọng có “chống tham nhũng công bằng,” hoặc phải “chống tham nhũng cả phe ta” như người dân mong mỏi và đòi hỏi hay sẽ không bao giờ? Hay ông Trọng chỉ “chống tham nhũng một bên” nhằm thanh trừng nhân sự và thu hồi một phần tài sản tham nhũng nhằm kéo được ngày nào hay ngày nấy chế độ độc đảng của ông ta?
Bởi tới nay vẫn có quá ít ví dụ để có thể chứng minh cho việc ông Trọng “chống tham nhũng cả phe ta.”
Cho tới giờ này vẫn còn sờ sờ ra đó những Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng y tế liên đới trách nhiệm vụ nhập thuốc ung thư giả; Võ Kim Cự, cựu bí thư Hà Tĩnh bị xem là tội đồ tiếp tay cho thảm họa môi trường Formosa; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng tài nguyên môi trường liên đới trách nhiệm vụ thảm họa xả thải của Formosa; Trịnh Văn Chiến – Bí thư Thanh Hóa bị quá nhiều dư luận về tài sản, làm ăn riêng và bồ bịch; một bộ trưởng giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ với thành tích điều hành dưới cả mức tệ hại nhưng vẫn không bị cách chức, cùng hàng lô hàng lốc quan chức đầu tỉnh thành bị dư luận xem là “cánh hẩu” với những quan chức cận thần ở các ban đảng của Nguyễn Phú Trọng.
Bất chấp vụ “trảm” Đinh La Thăng và xử đường dây bảo kê đánh bạc công nghệ cao ở Bộ Công an đã phần nào gây được tiếng vang trong công luận, lôi kéo được sự ủng hộ của một số người dân và khiến nhiều người thỏa mãn tâm lý “cuối cùng thì cũng có thằng phải dựa cột,” vẫn còn nhiều dư luận chê trách Nguyễn Phú Trọng về thái độ nể nang và thỏa hiệp của ông ta đối với giới quan chức “phe ta.”
Một trong những dẫn chứng mang tính bằng chứng được dư luận trưng ra là vào cuối năm 2017, Thứ trưởng công an Lê Quý Vương đã nói thẳng với báo chí là “chống tham nhũng thời kỳ trước” – mà được dư luận hiểu là chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng chỉ nhắm vào “thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng” mà không phải là “thời kỳ này.” Thêm một lần nữa, ông Trọng mất điểm trong con mắt đánh giá khách quan và công tâm của người dân.
Sau dẫn chứng trên còn lộ ra một bằng chứng sống động hơn nhiều: vào năm 2018, Trương Minh Tuấn – quan chức phải miễn cưỡng rời khỏi cái ghế bộ trưởng thông tin và truyền thông béo bở – được ông Trọng gấp rút và đặc cách chỉ định ngồi vào ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương khi âm mưu ăn cắp tiền gần 9 ngàn tỷ đồng từ phi vụ ‘MobiFone mua AVG’ còn chưa hoàn tất cái bi kịch lịch sử của nó.
Tình cảm ưu ái của Nguyễn Phú Trọng dành cho Trương Minh Tuấn là khá rõ, khác hẳn với trường hợp Đinh La Thăng, dù Trương Minh Tuấn ‘ứng’ với Đinh La Thăng bởi tính chất ‘rất nghiêm trọng’ trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đó là nguồn cơn vì sao mà sau hai năm rưỡi phát động cuộc chiến ‘chống tham nhũng’, Nguyễn Phú Trọng vẫn bị những cựu thần và tướng lĩnh lão thành – giới mà ông Trọng dành cho nhiều tình cảm về ý chủ nghĩa ý thức hệ cộng sản và nhiệm vụ bảo vệ đảng và do đó thường tham khảo ý kiến – chỉ trích nặng nề vì đã không xử nghiêm Trương Minh Tuấn và những quan chức khác thuộc ‘phe đảng’ để cân xứng và công bằng với các vụ xử ‘phe Nguyễn Tấn Dũng’.
Scandal cựu phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Đặng Thanh Bình dù dính đậm trách nhiệm hình sự vụ làm thiệt hại đến 15.000 tỷ đồng nhưng vẫn được ‘trả tự do ngay tại tòa’ đã thêm một lần nữa, trong nhiều lần, khiến bùng lên làn sóng nghi ngờ về thái độ thiếu công tâm, hoặc còn lâu mới được xem là công bằng, của Nguyễn Phú Trọng trong công tác ‘chỉ đạo án’. Ngay từ trước khi ông Trọng còn chưa là ‘tổng chủ’, có ít nhất hai cơ quan viện kiểm sát trung ương và tòa án trung ương đã răm rắp làm theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương. Còn khi đã làm ‘vua’ từ tháng 10 năm 2018, Nguyễn Phú Trọng không thể không biết và không thể không liên đới trách nhiệm về chỉ đạo án và cú trả tự do bất chấp pháp luật cho Đặng Thanh Bình.
Làn sóng chỉ trích trên, dù vẫn trong giai đoạn mang tính nội bộ mà chưa đi vào thời kỳ được công bố trên báo chí, đã và sẽ khiến ‘uy tín’ của Nguyễn Phú Trọng bị lao dốc không ít, chưa kể ước mơ tái hiện hình ảnh cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với ‘Đổi Mới’ ba chục năm về trước và ‘lưu truyền sử xanh’ của ông Trọng trong tương lai rất có thể sẽ tan vỡ như bong bóng xà phòng trong khi lịch sử vẫn còn đang ngái ngủ.