Ban Biên Tập Web Việt Tân
Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời ba năm sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt trong cảnh đổ vỡ hoang tàn của cuộc chiến kéo dài 6 năm (1939-1945) khiến cho 60 triệu người tử vong và hàng triệu người khác bị thương – trải rộng từ Âu Châu đến Phi Châu, Nam Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương.
Vì ra đời trong bối cảnh tương tàn của cuộc chiến mang tính hủy diệt loài người ở khắp các lục địa, nên Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền – tuy đề cao quyền tối thượng của con người, nhưng lúc đó nội dung của Tuyên Ngôn xoay quanh một số quyền căn bản như Quyền được bình đẳng; Quyền không bị kỳ thị; Quyền không bị làm nô lệ; Quyền không bị tra tấn hay bị hành hạ.
Nhìn lại 70 năm qua, phải nói là nhân loại đã giải quyết phần nào những quyền căn bản nói trên qua nhiều công ước quốc tế: Công ước về quyền trẻ em; Công ước xóa bỏ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc; Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về chống tra tấn, v.v…
Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc cũng có những công ước quốc tế khác như Công ước về quyền dân sự và chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa để hợp cùng với bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, tạo thành Bộ luật về Nhân Quyền, được ra đời từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, nhằm kêu gọi các quốc gia thành viên phải cải thiện tình trạng nhân quyền, đặc biệt là dưới các thể chế độc tài Cộng sản. Hiện nay, nhân loại quan tâm vào 5 quyền căn bản trước thềm thế kỷ 21.
- Quyền được sống, không bị tra tấn và bị bắt làm nô lệ.
- Quyền tự do và an toàn nhân thân, không bị bắt và bỏ tù vì các lý do không chính đáng.
- Quyền bình đẳng trước pháp luật, và coi là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội theo luật.
- Quyền tự do cá nhân bao gồm tự do di chuyển, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do lập hội và hội họp…
- Quyền tham gia chính trị bao gồm quyền tự do thành lập, theo hoặc không theo một đảng chính trị và các quyền ứng cử, bầu cử.
Rõ ràng là trong những thập niên qua, nhân loại đã quan tâm rất nhiều vào các quyền tự do cá nhân, quyền bình đẳng trước pháp luật và quyền tham gia chính trị. Đây cũng là những quyền căn bản mà người dân Việt Nam hiện đang bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tước đoạt và nhất là đã và đang đàn áp, bắt giữ những công dân lên tiếng tranh đấu cho các quyền căn bản này.
Trong 70 năm dưới ánh sáng của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, xã hội tiến bộ với những cuộc cách mạng to lớn về khoa học, kỹ thuật như sự ra đời của mạng Internet, mạng xã hội, chính là nhờ Quyền con người được nâng cao. Người dân Việt Nam cũng được thừa hưởng một phần từ những tiến bộ này của nhân loại; nhưng nếu như không bị trói buộc dưới sự cai trị độc tài độc ác của đảng CSVN trong nhiều thập niên qua, người dân Việt Nam chắc chắn đã có một đời sống tốt hơn. Đó là một cuộc sống không chỉ sung mãn về vật chất, mà còn được phát huy tiềm năng và tôn trọng nhân phẩm. Trong xã hội đó, sẽ không một ai bị bắt giữ, bị cầm tù bởi những tội danh phi lý như “lợi dụng quyền dân chủ”, “tuyên truyền chống chế độ” hay “âm mưu lật đổ chế độ” chỉ vì đã dám lên tiếng nói lên sự thật, tranh đấu cho công bằng và lẽ phải.
Hơn lúc nào hết, kỷ niệm 70 năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, người Việt Nam vẫn phải tiếp tục nỗ lực: GIÀNH LẠI NHÂN QUYỀN – ĐÒI LẠI DÂN CHỦ.
Đây cũng là chủ đề chính mà Ban Biên Tập trang nhà Việt Tân khởi xưởng để mong mọi người dành chút thì giờ chia sẻ ý kiến và suy nghĩ của mình nhân kỷ niệm 70 năm giá trị tự do của con người được minh định và đề cao trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.