Ngày 23/11/2018, Thanh Niên đã chính thức trở thành ‘báo đảng’ sau một vụ việc chưa từng có tiền lệ của tờ báo này lẫn làng ‘báo chí cách mạng Việt Nam’: cho thôi chức, mà thực chất là cách chức, đối với 13 nhân sự làm việc cho Thanh Niên vì những người này không phải là đảng viên của đảng Cộng sản vẫn còn đang cầm quyền ở Việt Nam.
Không chỉ thanh trừng nhân sự những bộ phận có liên quan trực trực tiếp chính trị, chiến dịch thô bạo này còn nhắm tới cả nhân sự phụ trách những bộ phận không liên quan trực tiếp chính trị như văn nghệ, thể thao, quảng cáo…
Động thái thanh trừng rất đột ngột trên lại xảy ra trong bối cảnh ‘mác đảng viên’ không còn là tiêu chuẩn đầu tiên để được đề bạt giữ cương vị phụ trách phòng ban tại khá nhiều tờ báo, và trong thực tế một số tờ báo đã bố trí người không đảng vào vị trí cán bộ lãnh đạo của báo.
Điều đáng ngạc nhiên và trở thành một dấu hỏi lớn là vì sao động thái thanh trừng người ngoài đảng lại không xảy ra ở tờ báo nào khác mà lại ngay tại Thanh Niên – một trong những tờ báo có lượng độc giả lớn nhất Việt Nam và thậm chí còn có hơi hướng phản biện, dù chỉ là ‘phản biện trung thành’ với chế độ cầm quyền.
Vào năm 2016, Thanh Niên đã bị phát hiện nằm trong số vài chục tờ báo lớn nhỏ tiến hành một chiến dịch truyền thông bẩn thỉu: những tờ báo này bị nghi ngờ sâu sắc về việc đã nhận tiền của một hãng nước mắm lớn để tung ra loạt bài tấn công, hạ bệ uy tín nước mắm truyền thống khiến người dân sản xuất nước mắn truyền thống rơi vào cảnh lao đao. Tuy nhiên, mức xử phạt của Bộ Thông tin Truyền thông dành cho báo Thanh Niên là khá nhẹ nhàng, còn tổng biên tập tờ báo này – Nguyễn Quang Thông – không hề bị mất chức. Khi đó, đã có tin ngoài lề về việc giữa các cơ quan đảng và những nhân sự chủ chốt trong báo Thanh Niên có một ‘thỏa thuận bí mật’ về việc Thanh Niên sẽ phải tuân thủ chặt chẽ hơn nhiều đường lối của đảng so với trước đó.
Cũng kể từ lúc đó, đã có những dấu hiệu Thanh Niên được biến thành báo đảng.
Sang năm 2017 thì những dấu hiệu trên rõ hơn và trở thành hiện tượng. Trong chiến dịch tấn công Tập đoàn Dầu khí việt Nam nói chung và cá nhân ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng nói riêng vào tháng Tư năm 2017, Thanh Niên là tờ báo ‘nổ súng’ đầu tiên với một lượng tin tức thuộc thể loại điều tra nội bộ mà hầu như chắc chắn nhóm phóng viên tờ báo này phải nhận được từ một nguồn tin trong nội bộ đảng, thậm chí có thể từ một cấp cao trong đảng. Ủy ban Kiểm tra trung ương là một trong những địa chỉ có thể phát tin như thế.
Động thái Thanh Niên thanh trừng 13 người không đảng đã trở nên một biểu hiện thuộc loại rõ nhất về ‘tính đảng’ của tờ báo này được cải thiện không ngừng và đang trong giai đoạn đạt tới đỉnh cao của cái mà trước đây chưa từng là thuộc tính của báo Thanh Niên.
Động thái trên xảy ra chỉ khoảng 3 tuần sau khi hai trí thức gạo cội là Nguyên Ngọc và Chu Hảo tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản cùng lời lẽ đanh thép tố cáo ‘chế độ phản dân hại nước’.
Động thái trên cũng xảy ra ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố ‘khai trừ đảng đối với đồng chí Chu Hảo’ – một cú đánh vớt vát cho uy tín rất không đáng được cứu vớt của đảng.
Khó mà hoài nghi về việc vụ Nguyên Ngọc, Chu Hảo mà một số trí thức đồng loạt tuyên bố từ bỏ đảng vào đầu tháng Mười Một năm 2018 đã khiến đảng lo sợ và hoảng hốt đến mức phải lập tức tống ra một hành động chỉnh đảng, trong đó đặc biệt ‘làm trong sạch đội ngũ đảng viên’ trong khối báo chí mà Thanh Niên được chọn, và cũng rất có thể tổng biên tập tờ báo này đã tình nguyện đề nghị để Thanh Niên được đảng chọn như một hình mẫu về thanh trừng cán bộ lãnh đạo không đảng và qua đó răn đe những kẻ không chịu nghe lời đảng./.