‘Đốt lò’ chuyển sang giai đoạn 3? (Phần 1&2)

"Ánh mắt dao găm"
- Quảng Cáo -

Phạm Chí Dũng – VOA

Mùa thu năm 2018, vài dấu hiệu bất thần nổi trội cho thấy chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng có thể đang chuyển sang giai đoạn 3.

Không còn ‘vùng cấm thời gian’

11 tháng sau vụ khởi tố bắt giam Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng vào tháng Mười Hai năm 2017, vụ án ‘MobiFone mua AVG’ được ‘xới’ lại sau một thời gian im ắng bất thường. Vào lần này, Cao Duy Hải – cựu tổng giám đốc MobiFone – và cựu cấp phó của MobiFone là Phạm Thị Phương Anh đã cùng chung số phận với một cựu tổng giám đốc khác của MobiFone là Lê Nam Trà đã bị khởi tố và bắt giam trước đó ít tháng.

Cảnh sát áp giải ông Đinh La Thắng đến tòa. Ảnh: vietnamnet
Đinh La Thăng
- Quảng Cáo -

Có một độ chênh khác hẳn nhau trong 11 tháng qua: vụ bắt Đinh La Thăng xảy ra sau Hội nghị trung ương 6 và kỳ họp quốc hội tháng 11/2017, còn vụ ‘bắt thêm’ ở MobiFone lại diễn ra cùng lúc với kỳ họp quốc hội tháng 11/2018.

Độ chênh đó có ý nghĩa gì?

Phải chăng sau khi chính thức trở thành chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp quốc hội cuối năm 2018, Nguyễn Phú Trọng muốn phát đi thông điệp ‘không có vùng cấm thời gian’?

‘Vùng cấm’ là khái niệm mà giới quan chức được xem là ‘chống tham nhũng’ thường hô hào về tâm thế ‘quân pháp bất vị thân’, nhưng thực tế của những vụ án lớn lại rất thường chỉ dừng ở việc xử lý cấp cán bộ trung và thấp mà ít đụng chạm được số cán bộ cao cấp, hoặc có tỏ ra ‘pháp luật nghiêm minh’ như đối với trường hợp Đinh La Thăng thì lại mang dáng dấp một vụ ‘đốt củi rừng’ chứ không phải là ‘củi nhà’.

Còn ‘vùng cấm thời gian’ là quan niệm không phải được đưa ra bởi giới ‘đốt lò’ mà bởi giới quan chức tham nhũng. Những quan chức ăn đậm này, cùng với đội ngũ dư luận viên của họ, đã tuyên truyền theo cách rỉ tai nhau rằng chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng không thể làm liên tục mà phải tránh những sự kiện chính trị quan trọng của đảng như các hội nghị trung ương và các kỳ họp quốc hội…

Nhưng vào lần này, vụ ‘bắt thêm’ ở MobiFone rõ ràng đã phạm vào ‘vùng cấm thời gian’. Họp cứ họp, bắt vẫn bắt.

Lê Thanh Hải

Cùng lúc, dư luận xã hội rộ lên một số đồn đoán có cơ sở ‘biện chứng lịch sử’ về khả năng sắp tới, thậm chí ngay trong thời gian Quốc hội còn họp, cựu bộ trưởng thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son – kẻ bị cho là đã ăn đậm đến hàng ngàn tỷ đồng trong vụ AVG – sẽ phải tra tay vào còng. Đồng thời, vụ ‘ăn đất Thủ Thiêm’ đang có chiều hướng ‘cẩu đầu trảm’ đối với một số quan chức cao cấp ở Sài Gòn như Tất Thành Cang, Lê Thanh Hải. Chỉ ít ngày sau vụ ‘bắt thêm’ ở MobiFone, một cựu phó chủ tịch chính quyền TP.HCM là Nguyễn Hữu Tín bị khởi tố thêm tội danh, còn Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận sai phạm ‘rất nghiêm trọng’ – tín hiệu chính thức mở màn cho chiến dịch ‘đốt lò’ ở thành phố này.

Không biết vô tình hay hữu ý, toàn bộ những động thái mới mẻ và ngày càng sôi sục trên diễn ra chỉ khoảng 2 tháng sau cái chết đột biến của nhân vật chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Thời ‘Hậu Quang’ có vẻ đang bắt đầu. Sau ‘tang thương’ là đắc thắng.

‘Hậu Quang’

Gần hai năm trước là thời ‘Hậu Dũng’, sau cái đại hội 12 đã trở nên trọn vẹn đến khó ngờ và quá khó tả cho kịch bản nhân sự ‘bất cứ ai trừ Nguyễn Tấn Dũng’ và cho riêng Nguyễn Phú Trọng.

Vào thời ‘Hậu Dũng’, có thể nhận rõ là giai đoạn “chống tham nhũng” đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng – có thể được tạm đặt cái tên là “Việc cần làm ngay” – đã mất một khoảng thời gian gần một năm rưỡi, từ tháng Sáu năm 2016 đến tháng Mười Một năm 2017, khá lặng lẽ và nhu nhược, chủ yếu là hô hào về chủ trương mà thiếu hẳn hành động cụ thể và quyết liệt. Chẳng khác gì một kẻ bất lực.

Chỉ sau Hội Nghị Trung Ương 6 vào tháng Mười năm 2017 mà đã bị nhiều cựu thần và cách mạng lão thành lên tiếng chỉ trích về não trạng “đập chuột sợ vỡ bình,” “nói không đi đôi với làm” và “nhát gan,” Nguyễn Phú Trọng mới có hành động đột biến chỉ đạo bắt giam Đinh La Thăng vào tháng Mười Hai năm 2017. Thời điểm đó cũng có thể được xem là mốc khởi đầu cho giai đoạn 2 của chiến dịch “chống tham nhũng” mang tên “Đốt lò”.

Nhưng nếu chiến dịch “chống tham nhũng” của ông Trọng có hai tên gọi thì cũng có hai giai đoạn bị chùng xuống một cách bất ngờ và khó hiểu: Khoảng thời gian sau Hội Nghị Trung Ương 5 – từ tháng Sáu đến tháng Mười năm 2017, và khoảng thời gian gần Hội Nghị Trung Ương 7, tức là tháng Năm năm 2018.

Nguyễn Xuân Anh. Ảnh: Reuters.
Nguyễn Xuân Anh

Tại Hội Nghị Trung Ương 7 đã không có bất kỳ xử lý một quan chức nào, thậm chí kết quả này còn tệ hơn cả Hội Nghị Trung Ương 6 vào tháng Mười năm 2017, khi hội nghị này còn kỷ luật và loại khỏi Ban Chấp Hành Trung Ương nhân vật bí thư của Đà Nẵng là Nguyễn Xuân Anh.

Còn Hội nghị trung ương 8 vào tháng Mười năm 2018 thì có thể ‘không tính’ về độ chùng của ‘đốt lò’, bởi hội nghị này trong khi không xử lý được quan chức đáng giá nào thì còn phải lo toan một việc lớn hơn nhiều: làm thế nào để Tổng bí thư Trọng trở thành chủ tịch nước một cách ngọt ngào mà ít gây phản ứng nhất về hành vi ‘tham vọng quyền lực’, cho dù cách gọi trước đó có là ‘hợp nhất hai chức danh’ hay ‘nhất thể hóa’, hoặc ‘giải pháp tình huống’ như chính ông Trọng biện bạch sau đó.

Thực ra, thời ‘Hậu Quang’ đã có thể chính thức ‘có hiệu lực’ vào tháng Tám năm 2018, ngay từ khi Trần Đại Quang vừa hoàn tất chuyến công du ‘xin tiền’ ở Nhật Bản và vẫn còn sống sờ sờ với lịch làm việc khá dày đặc – chi tiết cho thấy ông ta thậm chí còn tự tin với lịch sống thêm nhiều năm nữa của mình. Khi đó, Nguyễn Phú Trọng đã giành được một thắng lợi không chỉ quan trọng mà là đặc biệt quan trọng trên bàn cờ nhân sự nội bộ: ngày 10/8/2018, Bộ trưởng công an Tô Lâm đặt bút ký hai quyết định liên tiếp bổ nhiệm chức danh Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an; và bổ nhiệm chức danh Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đối với Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an.

Lê Quý Vương

Có thể cho rằng đó là một lần hiếm hoi cấp thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp mang chức trách thủ trưởng cơ quan điều tra. Lại càng hiếm hơn nữa khi cả hai thứ trưởng Bùi Văn Nam và Lê Quý Vương – được giới quan sát chính trị đánh giá là ‘cận thần’ của Tổng bí thư Trọng – cùng lúc tiếp quản hai ghế thủ trưởng của hai cơ quan điều tra xương sống của Bộ Công an.

Hai cơ quan Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra được xem là hai cục đặc biệt quan trọng trong Bộ Công an, mang quyền ‘sinh sát’ đối với các bộ ngành khác và khối các tỉnh thành ở Việt Nam. Đặc biệt từ khi chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng chính thức chuyển sang giai đoạn ‘đốt lò’ từ tháng Tám năm 2017 với hàng loạt vụ bắt bớ nhiều quan chức ngành dầu khí, đại gia ngân hàng Trầm Bê và gây chấn động bởi vụ bắt ủy viên bộ chính trị Đinh la Thăng, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã lập nhiều ‘chiến công vang dội’ – như cách mô tả của ‘báo ngành’ Công An Nhân Dân.

Với việc chiếm lĩnh được hai cứ điểm lợi hại trên, đây là thắng lợi thứ tư của Tổng bí thư Trọng trong quy trình ‘tiếp quản’ ngành công an tính từ tháng Mười năm 2016. Khỏi phải nói, ông Trọng đã nắm gọn trong tay hai thanh kiếm sắc bén và cả sắc máu, để nếu cần, hoặc luôn luôn cần trong tình thế nước sôi lửa bỏng hiện thời, thì tiến hành ‘cách mạng chuyên chính vô sản’.

Cũng khỏi phải nói, việc chiếm lĩnh hai cứ điểm trên cùng hỏa lực tiềm tàng còn ẩn giấu trong hai cứ điểm này sẽ tác động đến phần lớn mặt trận chính trị Việt Nam. Vào năm 2017 và đầu năm 2018, khi chưa ‘nắm’ được Bộ Công an mà ‘đốt lò’ còn làm hoảng loạn giới quan chức tham nhũng đến thế, thì sắp tới tình cảnh than khóc sẽ dậy trời đến thế nào!

Ngay sau đại hội 12, đã xuất hiện một giả thiết về tương lai lục đục chính trị giữa tân chủ tịch nước Trần Đại Quang và người đang có ý đồ ‘nhất thể hóa’ là Nguyễn Phú Trọng. Đến năm 2017, đà ‘chống tham nhũng’, mà chủ yếu là thế tiến công vào ‘cánh Ba X’, của ông Trọng bị khựng lại với một trong những nguyên do mang tính giả thiết là ‘lực cản Trần Đại Quang’. Khi đó, đã xuất hiện những thông tin không chính thức về một mối quan hệ gần gũi nào đó giữa Trần Đại Quang và Nguyễn Tấn Dũng. Rồi đến khi nổ ra vụ Vũ ‘Nhôm’ – kẻ được đồn đoán mang họ tên Trần Đại Vũ mà chẳng thấy Bộ Công an cải chính, những giả thiết trên xem ra đã có tính thực tế chứ không đến nỗi hoang đường.

‘Bắt, bắt nữa, bắt mãi’

Còn giờ đây, ‘lực cản’ – nếu có thể gọi như thế, đã cùng với Trần Đại Quang ra đi mãi mãi. Chính trường Việt Nam cũng đã biến mất thế lực đối trọng đáng kể cuối cùng trong cuộc chơi với Nguyễn Phú Trọng.

Một lần nữa sau một cơn suy trầm, Tổng bí thư Trọng lại vươn lên thế thượng phong trước các đồng chí của ông. Cùng với việc chiếm lĩnh được hai cục công an ‘bắt, bắt nữa, bắt mãi’ là Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra kể từ tháng Tám năm 2018, ông Trọng sẽ tha hồ đánh đông dẹp bắc trong nội bộ đảng.

Giờ đây, ‘Đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng đang khiến nhiều quan chức bậc trung cấp hay cao cấp đau đầu, quá dễ tăng huyết áp và trụy tim mạch.

Một cựu quan chức mô tả về tâm thế của những quan chức trên theo một cách rất tâm thần học: co rúm lại bởi những cơn ám ảnh xuất hiện ngay trong cả trong giấc ngủ.

Dĩ nhiên loại quan chức nhiều tiền lắm của luôn lo sợ chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng lặp lại những gì của Tập Cận Bình mà sẽ đốt ráo trọi của thứ củi, và chẳng ưa ông Trọng đến mức có lẽ chỉ cầu mong ông này bị đột quỵ hoặc bị… ám sát.

Nhưng cả hai khả năng xấu tệ trên đều chưa có hơi hướng nào sẽ xảy ra. Cho đến giờ và khi cuộc chiến “chống tham nhũng” của “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” (một cách ví von không thể tưởng tượng nổi của vài nhân văn cận thần đặc tả về Tổng Bí Thư Trọng) đang lao vào khu rừng đầy yêu tinh ma quái, không ít cán bộ đang ngạc nhiên bởi vẻ hồng hào vẫn lồ lộ trên gương mặt của ông ta, cho dù ai cũng biết giới lãnh đạo cao cấp, nhất là những người đã “thất thập cổ lai hy” rất thường dùng thủ pháp hóa trang để “trẻ mãi không già.”

Súng nổ Yên Bái

Những quan chức nhúng chàm nhưng không muốn gột rửa cũng chẳng mấy hy vọng việc Tổng Bí Thư Trọng bị một sát thủ vô hình bắn hạ như cảnh vẫn diễn ra trong phim Mỹ. Sau vụ “cả ba bị bắn” ở Yên Bái vào tháng Tám, 2016, nghe nói quân số bảo vệ các ủy viên bộ chính trị và đặc biệt cho tổng bí thư đã tăng gấp đôi gấp ba nên quá khó để ông Trọng bị thế này thế nọ, thậm chí cả bị đe dọa cũng chưa thấy.

Vậy là ít ra trên mặt báo đảng, ông Trọng vẫn khỏe như vâm và đang thể hiện một cơn “say máu” chưa từng có trong cuộc đời 6 năm làm tổng bí thư của ông, không chỉ về “chống tham nhũng” mà còn giương cao ngọn cờ tập quyền như những gì mà Tập Cận Bình đã dâng cao vời vợi ở Trung Quốc. Cả hai yếu tố này, khi gộp lại, mới chính là thảm họa đối với những kẻ còn chưa kịp “ra đi tìm đường cứu nước.”

Nếu chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng Bí Thư Trọng được tiến hành theo từng đợt và có thời gian xả hơi giữa hai đợt, giới quan chức tham nhũng vẫn còn hy vọng sẽ lợi dụng khoảng giải lao quý báu ấy để hoặc kịp tẩu tán tài sản phi pháp, hoặc bạo gan tổ chức phá rối hay phản công lại tổng bí thư của mình, hoặc nếu không cải thiện được tình thế và cũng chẳng lật đổ được tổng bí thư thì tận dụng thời gian để “ra đi tìm đường cứu nước” – như những Trịnh Xuân Thanh, Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy…

Nhưng đến giờ thì đã rõ ràng: vụ bắt Đinh La Thăng vào ngày 8 tháng Mười Hai năm 2017 là thời điểm cần được xem là mốc mở màn cho “chống tham nhũng giai đoạn 2” của ông Trọng, để chiến dịch này nhiều khả năng sẽ “phát triển liên tục” chứ không có khoảng “giải lao,” để nếu đúng là ‘đốt lò’ đã chính thức chuyển sang giai đoạn 3 thời ‘Hậu Quang’ vào tháng Mười Một năm 2018, khoảng thời gian cuối năm 2018 chính là một cơn sóng lừng báo hiệu cho cả năm 2019 cuồng nộ bão tố trên biển cả chính trường Việt Nam.

Giai đoạn 3 và sau đó?

Một hệ quả chắc chắn đang và sẽ xảy ra là vào thời ‘Hậu Quang’, một phần lớn, nếu không nói là toàn bộ ê kip trước đây từ thời Trần Đại Quang còn là bộ trưởng công an sẽ được đặt trên ‘đầu ruồi’ của Văn phòng chủ tịch nước. Tất cả những kẻ nào chưa kịp ‘ra đi tìm đường cứu nước’ đã và sẽ phải chịu chung số phận tê tái.

Sau khi đã thành công khá lớn với chiến dịch tái cơ cấu, mà thực chất là ‘thay máu’ Bộ Công an vào đầu năm 2018, để từ đó đến nay đã ‘loại khỏi vòng chiến đấu’ khoảng một chục tướng công an được phong dưới thời Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng một cách nào đó đang làm thay một phần việc của đương kim bộ trưởng công an Tô Lâm, đặc biệt về khâu nhân sự. ‘Cánh Quang’ cũng bởi thế sẽ chỉ còn quá ít cơ hội để vùng vẫy.

Còn sau đó, ‘đường đi’ của ông Trọng là gì?

Sau hai chiến dịch ‘thay máu’ Đà Nẵng và Bộ Công an, từ quý hai năm 2018 đến nay đã xuất hiện ngày càng nhiều những dấu hiệu và biểu hiện cho thấy ông Trọng chọn địa bàn TP.HCM như một mục tiêu tiến công tiếp theo – mục tiêu chiến lược nằm trên sơ đồ tổng thể Nam Bộ, đặc biệt là khu vực các tỉnh thành ở miền Tây Nam Bộ, nơi mà ‘người Bắc có lý luận’ như ông Trọng muốn ‘trấn Nam’.

Nguyễn Thiện Nhân

Sau khi một Đinh La Thăng – người của Nguyễn Tấn Dũng ‘cài’ vào Bộ Chính trị và đã khiến ông Trọng phải hao tâm tổn trí để thanh loại nhân vật này khỏi cái ghế bí thư thành ủy TP.HCM, một Nguyễn Thiện Nhân nói gì nghe đó được đặt vào cái ghế này sẽ tạm giúp cho Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ‘dẹp loạn’ tư bản đỏ ở miền Nam – tạo nên một hố khác biệt với cả một thế giới tư bản đỏ mại bản ở miền Bắc và dày đặc nhất tại Hà Nội.

Bàn cờ giai đoạn 3 của ‘đốt lò’ cũng bởi thế nhiều khả năng sẽ tập trung vào TP.HCM và một số tỉnh thành miền Tây Nam Bộ, và giai đoạn này có thể sâu hiểm nhất, sắc máu nhất, kể cả tàn nhẫn nhất kể từ đầu chiến dịch ‘đốt lò’. Nhiều quan chức Nam Bộ sẽ chính thức vào ‘lò’ và làm ‘bạn chăn kiến’ với Đinh La Thăng.

Giai đoạn 3 có thể kéo dài từ cuối năm 2018 đến cuối năm 2019, hoặc đầu năm 2020, để sau đó chủ nhân của ‘lò’ còn phải dành thời gian quán xuyến công việc quan trọng hơn: ‘cán bộ cấp chiến lược’ cho đại hội 13.

Nguyễn Tấn Dũng

Giai đoạn 3 ‘đốt lò’ cũng có thể sẽ là giai đoạn cuối của chiến dịch ‘đốt lò’. Nếu giai đoạn này được hoàn tất với lộ trình dẫn thẳng đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng, có lẽ Nguyễn Phú Trọng sẽ đủ thỏa mãn – như tính ông ta vốn thế, mà không cần phải ‘chống tham nhũng’ hơn nữa. Thêm vào đó, vấn đề sức khỏe của ông Trọng có lẽ đủ tế nhị và đủ âu lo mà không cho phép ông ta kéo dài lâu hơn cuộc chiến đấu của mình. Một kịch bản có thể xảy ra là Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ ‘nhường’ bớt cái ghế tổng bí thư cho một nhân vật khác, mà Trần Quốc Vượng đang là cái tên được nói đến nhiều nhất, để ông Trọng yên vị làm ‘thái thượng hoàng’ trên cái ghế còn lại và nhàn nhã hơn nhiều là chủ tịch nước, nhưng vẫn cố gắng nhằm khiển được tân tổng bí thư và đương nhiên cả với Thủ tướng Phúc.

Khoảng thời gian còn lại cho đến đại hội 13, nếu còn có đại hội đó và nếu không bị phản bội bởi tuổi tác và độ minh mẫn, Nguyễn Phú Trọng sẽ biết cách làm cho hình ảnh của ông được tôn lên như một Tập Cận Bình độc bá về quyền lực và thậm chí độc tôn về tư tưởng theo phương châm ‘uy quyền đến lúc chết’.

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

  1. Hàng tháng hai trăm ngàn đô la!

    Lương Tổng Thống Hiệp Chủng Cờ Hoa
    Một năm bốn trăm ngàn đô la
    Nguyễn Văn Dương biếu Phan Văn Vĩnh
    Hàng tháng hai trăm ngàn đô la!

    Khỏi mất công tưởng tượng suy diễn
    Khỏi mất công tìm kiếm đâu xa
    Ngay tại thành Hồ – Lê Thanh Hải
    Con quỷ đỏ tỷ phú đô la!

    Xa hơn nữa có Nguyễn Tấn Dũng
    Thân Đức Nam Trần Thị Kim Thoa
    ‘Vũ nhôm” “Út trọc” Lê Thanh Thản
    Nhan nhãn đại gia đỏ nước ta!

    Chúng sống trên nhung lụa xa hoa
    Hơn cả bạo chúa thời trung cổ
    Nào dinh thự biệt phủ vi la
    Chúng thản nhiên không biết xấu hổ!

    Nhưng xét cho cùng cũng tại ta
    Làm thinh chờ chế độ sụp đổ
    Mặc tình bọn văn hóa lớp ba
    Chúng dã man đề đầu cỡi cổ!

    Họa hoằn cho lắm chỉ xót xa
    Rồi lặng lẽ – cúi đầu – gặm cỏ!

    Nông Dân Nam Bộ

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here