Tôi không quen tướng Vĩnh, nên không biết chuyện ông không biết SMS và không xài máy tính (như tiết lộ từ người bạn thân ông, nhà báo đại tá Nguyễn Như Phong) thực hư mức nào.
Nhưng tôi nghi ngờ thông tin này.
Yêu cầu công việc của một tư lệnh cảnh sát quốc gia như tướng Vĩnh, không thể không nhắn tin hay dùng laptop.
Ừ, thì cũng có thể nhiều vị quan liêu, lính làm cho hết. Nhưng tham mưu, lính lác giúp là ở công việc.
Những chuyện đánh đấm, giành giật, hoặc móc ngoặc, bảo kê như ông làm với bọn đánh bạc công nghệ cao thì phải thực tay ông, không thể nhờ – sai đứa nào giúp được.
Cũng có thời, tôi cứ tưởng hàng Bộ Chính trị hay nguyên thủ, họ chẳng bao giờ cầm điện thoại đâu, trong tay thư ký hết.
Nhầm to! Thậm chí có người 2,3 máy. Máy cho công việc, máy cho gia đình, máy cho việc… không phải công việc.
Đừng tưởng các quan Bộ Chính trị không biết nhắn tin hay xài laptop nhé. Bây giờ là thời của chỉ thị, mệnh lệnh tin nhắn. Công văn lạc hậu, vứt lâu rồi. Đặc biệt, đối với những việc “nhạy cảm”. Cờ Lờ Mờ Vờ là ở việc nước việc công thôi, việc khác chớ xem thường họ.
Tôi biết, và nhiều lần chứng kiến những vị hai tay choanh choách hai máy. Những năm 2009 – 2010, một nhân vật cũ như ông Nguyễn Văn Chi mà đã dùng tới 3,4 điện thoại. Thay sim rác, nhắn 1 tin, vứt, thay sim khác. Tháo lắp soẹt soẹt như chuyên nghiệp vậy. Khi đánh vụ Vinashin, thời cao điểm, tôi nhìn ông ngồi chỉ đạo “đánh án” mà hai tay cùng lúc 3,4 máy choanh choách. Không thể tin nổi.
Nói chung, hễ những chuyện đánh đấm, đốt lò, hay mờ ám chi đó thì đều phải xài tin nhắn, sim rác. Họ không dốt như chúng ta tưởng.
Không ít vị giờ còn chơi cả Whatsapp, Telegram… nữa đấy.
Vì thế, chuyện tướng Vĩnh nghi lắm. Hay có phải do bênh bạn quí bạn quá mà ông Phong mắc phải cái lỗi, giống kiểu mấy tay nhà báo nào đó ca ngợi cậu học trò nghèo Trần Đại Quang bắt đom đóm cho vào vỏ trứng làm đèn học vậy?