Phạm Minh Hoàng – Web Việt Tân
Chắc mọi người còn nhớ trong phiên chất vấn của Quốc hội ngày 31/10, ông Lưu Bình Nhưỡng, ĐBQH tỉnh Bến Tre – Phó trưởng Ban dân nguyện đã báo cáo những “vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp”. Cụ thể là cơ quan điều tra không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho viện kiểm sát 86%, vi phạm trong tống đạt là 100%”. Việc này quả thực làm chấn động hội trường và dậy sóng trên các trang mạng xã hội.
Ngay sau đó, Bộ Công An lên tiếng phản đối và đòi ông Nhưỡng xin lỗi, tuy nhiên ông Nhưỡng vẫn tin tưởng vào số liệu của mình. Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng khẳng định: “Giải quyết tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 87%, tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án đạt trên 81%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra”, nghĩa là hoàn toàn trái ngược với phát biểu của ông Nhưỡng.
Trong khi tranh cãi chưa đi đến kết quả và báo chí đang tìm cách khai thác thì vào ngày 9/11 ông Lưu Bình Nhưỡng đã lên tiếng chấm dứt mọi ồn ào liên quan đến phản ánh sự sai phạm trong ngành công an: “Tôi sẽ chấp hành mọi quyết định của cấp có thẩm quyền. Đến lúc đó, tôi sẽ tiếp tục trả lời phỏng vấn các bạn”.
Cấp thẩm quyền ở đây là Đảng đoàn Quốc Hội.
Khoan nói ai đúng ai sai, nhưng nhiều người đã đặt câu hỏi “liệu có ai chống lưng cho ông Nhưỡng khi dám quậy vào tổ ong”. Cũng phải nói rằng gần đây liên tục xảy ra nhiều “sự kiện” liên quan đến ngành công an như vụ đổi 100 USD của anh Cà Rê ở Cần Thơ, vụ hành hung giảng viên và nhà làm phim Đặng Quốc Việt ở Ninh Kiều và vụ công an bắt gái mại dâm tại Vinpearl Lạng Sơn. Phải nói qua những vụ này bồi thêm vụ ông Nhưỡng, hình ảnh người công an “vì dân phục vụ” đã bị ảnh hưởng và dĩ nhiên người thiệt thòi nhất phải là người đứng đầu, ông Tô Lâm. Và nếu kết hợp với vụ Trịnh Xuân Thanh đang chịu áp lực từ phía Đức và Slovakia, thì “kẻ giật dây” còn ai ngoài “bí chủ”?
Trở về phản ứng thối lui của ông Nhưỡng, chúng ta cũng không lấy gì làm ngạc nhiên lắm. Trong quá khứ mọi người đã thấy (và đã tin tưởng) vào các tuyên bố rực của các “đại biểu nhân dân” (ĐB) trên và ngoài nghị trường.
Ngày 14/6/2018, ĐB Trương Trọng Nghĩa đã từng phát biểu thẳng thắn rằng “cho thuê đất 99 năm là mất nước”, cũng thế, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nói rằng: “Trong khi chúng ta đang họp Quốc hội thì Biển Đông dậy sóng, lòng người sục sôi vì chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. Đại biểu không thể im lặng, Quốc hội không thể đứng ngoài”.
Người Sàigòn chắc cũng còn nhớ ĐB Đặng Văn Khoa đã từng giương cao bịch nước thải chưa qua xử lý cũng như vác nguyên cái ống cống vào hội trường để chất vấn. Bây giờ ông Khoa đã về hưu được hơn 10 năm tình trạng úng ngập cũng như ô nhiễm môi trường đến đâu thì ai cũng biết. Rồi việc cho thuê đất thì đang bị chìm xuồng và đến lúc nào họ thông qua thì mọi việc kể như xong.
Trên báo chí chúng ta cũng thấy hiện tượng “đánh trống bỏ dùi này”. Thỉnh thoảng cũng có nhiều tay viết rất sắc sảo, nêu ra nhiều hiện tượng rất hấp dẫn, số người vào comment nhiều và khen ngợi cũng như đặt niềm tin “tình hình sẽ cải thiện, đất nước ngày một thăng hoa”, nhưng sau đó những cây viết này từ từ biến mất. Có thể chỉ là họ ngưng viết, nhưng cũng để lại sự hụt hẫng cho người đọc, và chuyện đâu lại vào đấy.
Trong một chiều hướng nào đó, tôi nghĩ thà ngậm miệng như đại đa số các đại biểu khác xem ra còn hay hơn là thỉnh thoảng đưa ra một phát ngôn tạo niểm tin cho người đọc, người nghe rồi mọi chuyện đâu vào đấy dưới chiêu bài “chấp hành mọi quyết định của cấp có thẩm quyền” thì xem ra còn tệ hơn.
Tại sao có hiện tượng Lưu Bình Nhưỡng sẽ là một câu hỏi về tâm và tầm của một ĐBQH, chừng nào tâm và tầm còn phụ thuộc vào ý kiến chỉ đạo của đảng, chừng đó tâm và tầm cũng nằm trong vòng kim cô của đảng. Những câu nói “làm chấn động hội trường” xem ra chỉ là những ngọn lửa rơm bùng lên – theo một chỉ đạo nào đấy, hoặc theo một sự bực dọc nhất thời mà thôi. Và sau đó người dân tiếp tục sống như chưa hề có gì xảy ra. Vẫn bì bõm lội nước sau mỗi trận mưa, vẫn sống trong ô nhiễm, vẫn ăn những thức ăn độc hại, giáo dục vẫn “chưa bao giờ như bây giờ”, và còn nhiều, nhiều nữa.
Sau khi ông Nhưỡng thối lui, nhiều người cũng tắc lưỡi: “đáng tiếc”. Nhưng tiếc cho ai, tiếc cho đại biểu hay tiếc cho dân?
Phạm Minh Hoàng