Làm báo, đi qua nhiều xung đột đất đai, tôi vẫn ám ảnh nhất là khi nhìn về phía nhân dân trơn trắng. Họ, thường là bên nhận phần thất bại. Vì không những không có công cụ. Họ không có dã tâm.
Người ta ít chịu hiểu rằng khi tiếng súng nổ, khi một cậu bé ôm xăng chờ đoàn cưỡng chế, khi ôm cả bàn thờ và quấn khăn tang sống, nghĩa là họ đã không thể khuất nhục trước dã tâm được nữa.
Chiếc dép Thủ Thiêm là một tín hiệu như vậy!
Bởi nếu nhìn lại con đường và nhân dân và “phe thủ ác” đã đi qua, mới hiểu được nhân quả.
Nhân dân không bằng lòng, nhân dân bám thực địa, nộp đơn kêu oan. Nhân dân nhẫn nại đằng đẵng hai mươi năm mới được khóc được réo.
Nhân dân nhẫn nhục tới mức nằm lòng luật đất đai, vẽ bản đồ từng làn ranh quy hoạch. Chỉ muốn nói rằng lãnh đạo sai rồi.
Phía dã tâm thì bất chấp. “Vẽ” thêm quy hoạch để lấy đất. Xe pháo điên cuồng xua đuổi nhân dân. Mộ gió bàn thờ dân lập hôm trước, qua đêm đã đập nát.
Nhà báo đến an ninh xếp lớp trong ngoài. Dân thương tặng gói thuốc hút lấy thảo cũng không dám lấy. Sợ quy kết chính trị.
Dã tâm có thể nằm ở cái quy hoạch nhà hát giao hưởng đặt trên lằn ranh quy hoạch-tranh chấp. Có nghĩa là đặt đồn bốt ở vùng “xôi đậu”, để nhân dân không còn đường thưa kiện.
Oan khiên vần vũ, kẻ chết người hoá điên. Đau khổ đến mức “mỗi lời xin lỗi là một lần xát muối”. Nếu không có cuộc can qua hôm nay, có lẽ nhân dân đã lại nát bươm thân phận, câu chuyện của nhân dân đã hoá bùn dưới lớp bê tông.
Trong “thế trận” một chiều đó, đã có những đại biểu của dân vô thanh vô ảnh. Đã im lặng trước cường quyền bạo ngược. Để rồi hôm nay trở lại với đường mật ngọt ngào, để “ghi nhận” những bi kịch ngày xưa cách họ có 1,5 cây số.
Bỏ rơi nhân dân đã là một trọng tội. Trở lại với giấc mơ nhà hát trên thân phận nhân dân là một sự phản trắc. Bởi chắc rằng, nếu nhân dân không thắng được dã tâm, còn lâu mới được thấy mặt họ.
Nhân dân cô đơn, nhân dân cùng quẫn. Khi sự phẫn uất dồn đến hành động. Hãy hiểu rằng đó không phải là thắng lợi của dân. Mà là một thất bại của thể chế !